Cao tốc Bắc - Nam chạy nước rút trước mùa mưa
Các dự án trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, nhà thầu đang tăng tốc thi công trước mùa mưa để về đích sớm theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT.
Mùa mưa đến sớm hơn dự kiến
Hơn 1,5 tháng trở lại đây, cứ đầu giờ chiều, khu vực thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang thường xuyên hứng những trận mưa bất chợt.
Ông Trần Bá Lam, Chỉ huy trưởng gói thầu XL02 thuộc Tập đoàn Sơn Hải chia sẻ, thông thường mùa mưa ngắn, từ khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 12, cao điểm vào tháng 10 và tháng 11. Song, diễn biến phức tạp của thời tiết gần đây cho thấy, mùa mưa có thể đến sớm hơn.
Chủ động ứng phó, nhà thầu đã sớm lên kế hoạch thi công phù hợp với từng điều kiện thời tiết.
"Đáp ứng yêu cầu rút ngắn tiến độ, đưa dự án về đích vào tháng 4/2025, số lượng nhân sự được chúng tôi huy động gấp hơn 2 lần so với đầu năm, máy móc cũng tăng gấp 1,5 lần. Đến nay, sản lượng thi công tại dự án Vân Phong - Nha Trang đạt hơn 1.400 tỷ đồng, vượt hơn 20% so với kế hoạch", ông Lam thông tin.
Đảm nhận thi công gần 25km đường chính tuyến tại dự án Vũng Áng - Bùng, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) cũng đang tính toán phương án thi công khi mùa mưa dự báo đến sớm.
Theo ông Trần Hải Đăng, Chỉ huy trưởng gói thầu thuộc Phương Thành Tranconsin, hai tháng qua, tổng thời gian mưa tại công trường chiếm tới 1/3 thời gian thi công. Thay vì bắt đầu từ tháng 10 như mọi năm, mùa mưa tại Quảng Bình năm nay có thể đến sớm hơn 1 tháng.
Đồng loạt tăng nhân sự, máy móc
Khoảng 1 tháng trở lại đây, nhà thầu đã tăng cường thêm 4 mũi thi công, tương ứng số lượng nhân lực, máy móc thiết bị tăng lên khoảng 20%. Hiện, sản lượng thi công của Phương Thành Tranconsin tại dự án đã đạt gần 61% giá trị hợp đồng, nhanh hơn gần 3,5% so với kế hoạch. "Chúng tôi đang nỗ lực để đáp ứng yêu cầu thông xe sớm tuyến chính vào tháng 4/2025", ông Đăng nói.
Cách dự án Vũng Áng - Bùng không xa, những ngày gần đây, công trường cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ cũng xuất hiện nhiều đợt mưa kéo dài cả tuần.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu tháng 6/2024 đến nay, trên phạm vi mặt bằng được bàn giao thêm, các mũi thi công đã được tăng cường.
Hiện trên toàn dự án có hơn 70 mũi thi công với tổng số hơn 1.500 cán bộ, công nhân. Mục tiêu đến cuối năm 2024, sản lượng thi công dự án tăng lên 75 - 80%, đáp ứng yêu cầu thông xe chính tuyến vào tháng 4/2025.
Là dự án đang nằm tốp đầu về sản lượng thi công trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc đoạn Chí Thạnh - Vân Phong cũng đang được chủ đầu tư, nhà thầu rốt ráo chạy đua tiến độ.
Đại diện Ban QLDA 7 (chủ đầu tư) cho biết, dù nằm trong khu vực thời tiết khá thuận lợi, nhưng hai tháng gần đây, lượng mưa xuất hiện nhiều hơn. Riêng trong tháng 7, có khoảng từ 7 - 10 ngày mưa.
"Ngay từ thời điểm này, chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu huy động thiết bị tăng từ 726 lên 736 chiếc, nhân sự tăng từ 1.783 người lên 1.810.
Với 45 mũi thi công thường trực ngày đêm, đến nay sản lượng thi công toàn dự án đạt hơn 52%, đảm bảo thời gian về đích sớm vào tháng 9/2025", đại diện Ban QLDA 7 nói.
Vẫn thường trực nỗi lo mặt bằng
Tiến độ đang bám sát theo kế hoạch, song tại dự án cao tốc đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, lãnh đạo Ban QLDA 7 cũng không khỏi lo lắng khi công tác di dời hạ tầng kỹ thuật đã trễ hẹn nhiều tháng.
Theo kế hoạch, dự án muốn đạt tiến độ về đích vào tháng 9/2025, nhất thiết hạng mục thi công đắp đất gia tải, xử lý nền đất yếu phải hoàn thành trước mùa mưa năm 2024, đòi hỏi địa phương phải hoàn thành việc di dời hạ tầng kỹ thuật trong tháng 8.
Riêng nguồn vật liệu, hiện, đất đắp gia tải được cấp phép khai thác theo cơ chế đặc thù cũng chậm hơn nhiều so với kế hoạch. Trong đó, khó khăn nhất là 2 mỏ đất Hóc Thuần và Cây Tra tỷ lệ đá mồ côi nằm trong đất khá lớn (khoảng 60%) nên việc xử lý mất nhiều thời gian.
Mặt bằng cũng là vấn đề được Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đề cập nhằm đảm bảo mục tiêu về đích sớm. Theo tính toán, chậm nhất trước ngày 20/8/2024, địa phương cần bàn giao toàn bộ diện tích còn lại để nhà thầu thi công nền đường.
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, dự báo mùa mưa, bão khu vực miền Trung năm nay diễn biến phức tạp, Bộ GTVT đã sớm chỉ đạo các chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu, chủ động phương án thi công với điều kiện thời tiết.
Với các công trình cầu, cống, nền đường... đang thi công, có thời gian thi công dài, nhà thầu phải tập trung giải quyết phần công trình dưới nước, khu vực đắp đất sau mố cầu, cống, các đoạn đào sâu, đắp cao.
Riêng công tác GPMB, tính đến đầu tháng 8/2024, các địa phương đã bàn giao được hơn 719km (đạt 99,7%), mặt bằng có thể thi công được gần 717km (đạt 99,3%). Cục QLXD đã đề nghị các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với địa phương hoàn thành GPMB trong tháng 8/2024, tập trung vào di dời đường điện cao thế.
Theo kế hoạch, 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 sẽ rút ngắn thời gian thi công từ 3 - 6 tháng gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi; Hàm Nghi - Vũng Áng; Vũng Áng - Bùng; Bùng - Vạn Ninh; Vạn Ninh - Cam Lộ; Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; Hoài Nhơn - Quy Nhơn; Quy Nhơn - Chí Thạnh; Chí Thạnh - Vân Phong; Vân Phong - Nha Trang.