Cao tốc Bắc - Nam: Hụt hẫng và tiếc nuối khi 'vắng bóng' tư nhân

Bày tỏ sự tiếc nuối khi 12 dự án đầu tư cao tốc Bắc – Nam phía Đông không có sự tham gia của tư nhân, Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) đề nghị Chính phủ thành lập Quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để cho nhà đầu tư tư nhân vay và làm.

Chiều 10/1, thảo luận trực tuyến về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tiếc nuối và hụt hẫng khi “vắng bóng” tư nhân tham gia vào quá trình thực hiện dự án.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, một trong những điểm nghẽn khiến năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa cao là do yếu kém về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Vì thế, để nâng cao năng lực cạnh tranh thì nâng cao hạ tầng giao thông là đột phá quan trọng cần ưu tiên hàng đầu.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Ảnh: Nhật Minh)

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Ảnh: Nhật Minh)

Tuy nhiên, ông Lộc bày tỏ sự hụt hẫng và tiếc nuối khi tất cả 12 dự án đều theo hình thức đầu tư công. Theo ông, lỗi không phải do đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mà do cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn, chưa tìm được điểm “hòa” trong chính sách nên chưa thành công thu hút nhà đầu tư tư nhân.

Để tiếp sức cho các nhà đầu tư tư nhân có thêm nguồn lực, để có thể chung tay với Nhà nước thực hiện phương thức đối tác công tư, ông Lộc đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu thành lập Quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Ngoài việc phát hành trái phiếu để huy động sức dân cần phải có thời gian, thì Nhà nước có thể chuyển ngay một phần ngân sách đầu tư công hiện có sang quỹ này để cho các doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi để tham gia các dự án đối tác công tư.

"Trong trường hợp này, Nhà nước không phải bỏ tiền đầu tư, nhưng sẽ thu được cả gốc và lãi trong quá trình triển khai dự án, và quan trọng nhất là 1 đồng vốn Nhà nước có thể kéo theo nhiều dòng vốn khác từ các nhà đầu tư tư nhân và các tổ chức tín dụng. Một mũi tên trúng cả hai đích", ông Lộc bày tỏ chính kiến.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho rằng, việc Nhà nước bỏ tiền đầu tư rồi nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn cũng gây băn khoăn khi hiện nay chưa có cơ chế để thực hiện. Hơn nữa, nếu có thu thì trong 10 năm cũng chỉ được khoảng 30.000 tỷ đồng, cũng không thể bù lại khoản Nhà nước bỏ ra.

Do đó, ông Cường đề nghị cân nhắc huy động PPP bằng cách tách dự án thành phần giải phóng mặt bằng, không tính vào dự án đầu tư. Tiền dành cho dự án thành phần này chuyển sang ngân hàng cho nhà đầu tư vay để họ có nguồn vốn thực hiện PPP và đương nhiên doanh nghiệp sẽ hoàn trả. “Doanh nghiệp tự đầu tư, tự vận hành, thu phí sẽ hiệu quả hơn nhiều lần nhượng quyền thu phí”, ông Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, trong thế khó như hiện nay thì việc đầu tư công là có cơ sở. “Nhượng quyền thu phí, dù chưa có tiền lệ song cần đồng tình để Chính phủ triển khai chuẩn bị, khi hoàn thành sẽ thực hiện ngay”, ông Hòa kiến nghị.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cao-toc-bac-nam-hut-hang-va-tiec-nuoi-khi-vang-bong-tu-nhan-post1408483.tpo