Cao tốc Bắc - Nam: Việc tính toán tổng mức đầu tư phải chặt chẽ, công khai và minh bạch

Bộ GTVT vừa có thông tin chính thức về suất vốn đầu tư cao tốc Bắc Nam. Trong đó, Bộ GTVT khẳng định, suất vốn đầu tư 1km (4 làn xe) của dự án cao tốc Bắc - Nam thấp hơn so với mức công bố tại Quyết định 44/2020 của Bộ Xây dựng.

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết, dự án đầu tư xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52/2017. Dự án có tổng chiều dài khoảng 654km, chia làm 11 dự án thành phần, trong đó 3 dự án thành phần đầu tư công và 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tổng mức đầu tư sơ bộ ban đầu khoảng 118.716 tỷ đồng.

Tháng 10/2018, Bộ GTVT đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần dài 653,6km, tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng (giảm 16.203 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư tại Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội).

Theo đó, cơ cấu tổng mức đầu tư dự gồm: Chi phí GPMB 11.431 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 67.922 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và khác 7.782 tỷ đồng; chi phí dự phòng 12.358 tỷ đồng và lãi vay 3.020 tỷ đồng.

 Cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh minh họa)

Cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh minh họa)

Ngày 14/1/2020, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 44 công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2018.

Theo đó, đối với suất vốn đầu tư xây dựng công trình đường ôtô cao tốc 4 làn xe được Bộ Xây dựng chia làm 2 loại (đường ôtô cao tốc và đường ôtô cao tốc chưa bao gồm chi phí xây dựng cầu, xử lý nền đất yếu) tại 3 khu vực (khu vực 1 - các tỉnh khu vực miền Bắc; khu vực 2 - các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên; khu vực 3 - các tính khu vực miền Nam).

Cụ thể, tại Quyết định 44/2020, Bộ Xây dựng công bố suất vốn đầu tư xây dựng đường ôtô 4 làn ở khu vực 2 là 157,48 tỷ đồng/km và suất xây dựng đường ôtô 4 làn (chưa bao gồm chi phí xây dựng cầu và xử lý nền đất yếu) ở khu vực 2 là 124,98 tỷ đồng/km.

Theo Bộ Xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng 1km đường được tính bình quân cho công trình xây dựng mới, phổ biến. Đối với các công trình xây dựng ở khu vực có điều kiện địa hình và điều kiện vận chuyển đặc biệt khó khăn cần có sự tính toán, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Liên quan đến dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT cho biết, tổng mức đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được lập, thẩm định và phê duyệt tuân thủ quy định pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, căn cứ kết quả bước khảo sát, thiết kế lập dự án đầu tư.

Theo đó, suất vốn đầu tư xây dựng bình quân của 1km đường cao tốc Bắc - Nam được Bộ GTVT phê duyệt khoảng 115,8 tỷ đồng/km. Suất vốn này gồm chi phí đầu tư xây dựng công trình cầu, hầm, xử lý nền đất yếu, hệ thống giao thông thông minh (ITS), hệ thống thu phí điện tử không dừng, đường gom phục vụ dân sinh.

Bộ GTVT cho rằng, nếu tham chiếu phương pháp xác định suất vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc theo công bố của Bộ Xây dựng (không tính chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; lãi vay trong thời gian thực hiện đầu tư xây dựng; chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư) thì suất vốn đầu tư xây dựng đối với đường cao tốc Bắc - Nam thấp hơn so với suất đầu tư công bố tại Quyết định 44 của Bộ Xây dựng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Hữu Sơn,Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Tedi - tư vấn lập dự án) cho hay, suất đầu tư này là phù hợp, thấp hơn so với suất đầu tư đường cao tốc của một số nước khu vực. Mấy năm trước, một số đơn vị tư vấn nước ngoài đã vào Việt Nam khảo sát và tính toán suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam từ 6-8 triệu USD cho mỗi kilômét.

Vị này thông tin thêm, đây là suất đầu tư tính toán bình quân tại 11 dự án cao tốc, còn mỗi dự án có đặc thù theo khu vực nên có tổng vốn đầu tư khác nhau. Ví dụ, dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt tuy cùng có chiều dài khoảng 50km, song tổng mức đầu tư đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt lớn hơn 5.000 tỷ đồng so với đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu.

Nguyên nhân do đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có nhiều công trình lớn như hầm Thần Vũ dài 1,2km, cầu Hưng Đức vượt sông Lam dài hơn 4km và khối lượng xử lý đất yếu nhiều hơn. Tương tự, cầu Mỹ Thuận 2 có suất đầu tư tới 756 tỷđồng/km, lớn hơn nhiều so với dự án đường.

Về phía chuyên gia, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, quan trọng nhất là chất lượng công trình như thế nào, dự án có suất đầu tư thấp có thể mang lại chất lượng không cao nên không thể lấy chi phí thấp làm tiêu chí.

Tuy nhiên, theo ông Doanh, các dự án cao tốc Bắc - Nam có tổng vốn lớn nên việc tính toán tổng mức đầu tư các cơ quan chuyên môn phải thẩm tra và giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch. Đồng thời, Chính phủ nên lập một hội đồng giám sát độc lập để theo dõi công tác thực hiện của chủ đầu tư là Bộ GTVT hoặc các doanh nghiệp đầu tư PPP.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam là công trình quan trọng quốc gia ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, bao gồm 3 dự án đầu tư công là Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - Lạ Sơn, cầu Mỹ Thuận 2.

8 dự án kêu gọi PPP là Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Đồng Nai.

Tháng 5, Chính phủ đã đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép chuyển hình thức đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công. Mới đây, Thường vụ Quốc hội đã chấp thuận chủ trương cho chuyển 3 dự án sang đầu tư công.

Cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh minh họa)

Đặng Nhật

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/viec-tinh-toan-tong-muc-dau-tu-phai-chat-che-cong-khai-va-minh-bach-598173/