Cao tốc Bến Lức - Long Thành: Lùi thời gian hoàn thành đến 2025
Do vướng nhiều nguồn vốn và các khó khăn khác, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ lùi thời gian hoàn thành.
Phó thủ tướng Trương Văn Thành tại buổi làm việc tại Long An
Ngày 20/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành và làm việc với lãnh đạo 3 địa phương dự án đi qua là Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam-VEC: Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án và Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tháng 10/2010. Tổng chiều dài Dự án 57,8Km; đi qua tỉnh Long An (2,7Km), Thành phố Hồ Chí Minh (26,4Km) và tỉnh Đồng Nai (28,7Km). Tổng mức đầu tư là 31.320 tỷ đồng, sử dụng 03 nguồn vốn: vốn vay ADB (13.654,6 tỷ đồng), vốn vay JICA (11.975,7 tỷ đồng) và vốn đối ứng (5.689,7 tỷ đồng); nguồn vốn vay ở thời điểm khác nhau nên thời điểm triển khai các đoạn của Dự án khác nhau.
Hiện nay nhu cầu vốn còn lại để hoàn thành đoạn tuyến phía Tây là khoảng 1.386 tỷ đồng. Đoạn giữa khoảng 1.200 tỷ đồng. Và đoạn phía Đông (điểm cuối giáp QL51) khoảng 2.494 tỷ đồng. Giá trị này không bao gồm các chi phí một số Nhà thầu đang khiếu nại do thời gian dừng chờ thi công kéo dài và một số chi phí phát sinh trong trường hợp có gói thầu phải chấm dứt hợp đồng thi công, tổ chức đấu thầu lại để lựa chọn nhà thầu mới. Bên cạnh đó dự án còn nhu cầu khoảng 520 tỷ cho GPMB và các khoản còn lại.
Căn cứ tình hình thực hiện và các vướng mắc nêu trên trong Dự án, VEC kính đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan xem xét một số nội dung sau:
Về vốn ODA (do JICA tài trợ) trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KHĐT và các Bộ, ngành hỗ trợ VEC để thủ tục giao vốn ODA trong tháng 7/2022;
Về vốn ADB: Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án để làm cơ sở hoàn thành thủ tục điều chỉnh Hiệp định vay ADB lần 02 để sử dụng vốn dư cho các hạng mục còn lại của đoạn tuyến phía Tây và đầu tư bổ sung các hạng mục kết cấu phục vụ thu phí hoàn vốn.
Về thời gian thực hiện: Chấp thuận nguyên tắc gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến Quý III năm 2025. VEC sẽ phối hợp các Bộ ngành liên quan để hoàn thành thủ tục theo quy định.
Chấp thuận chủ trương cho phép VEC chi trả chi phí dừng chờ và cập nhật giá trị này vào chi phí đầu tư của dự án (cập nhật vào Tổng mức đầu tư của dự án). Đồng thời chấp thuận chủ trương bổ sung điều chỉnh cơ cấu Tổng mức đầu tư của dự án trong đó bổ sung phần vốn VEC tự thu xếp vào Tổng mức đầu tư của Dự án để chi trả cho khối lượng thực hiện sau trong trường hợp khoản vay ADB không được gia hạn sau ngày 31/12/2023 và các hạng mục bổ sung.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao các địa phương rất chủ động trong việc giải phóng mặt bằng để thi công dự án. Từ nay đến năm 2025, tập trung cao vào phát triển hạ tầng giao thông, nhất là khi cao tốc phát triển thì các địa phương phát triển rất mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2021-2025, tập trung phát triển rất mạnh, tổng nguồn vốn đầu tư cho cao tốc gấp 4 lần giai đoạn 2015-2020 là 339.000 tỷ đồng đầu tư cho cao tốc.
Sau khi đi thực tế tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành, Phó Thủ tướng chỉ đạo 3 vấn đề lớn cần tập trung giải quyết, một là pháp lý liên quan nhà thầu, thứ hai là vấn đề về kinh tế, thứ ba là phải chốt được tiến độ để triển khai.
Trên tinh thần đã được Quốc hội, Bộ Chính trị đồng ý cho triển khai, tức là đã tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế không còn vướng, bây giờ chỉ còn lại là vấn đề xử lý công việc cụ thể.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì sát cánh cùng doanh nghiệp (Tổng công ty VEC) sớm trình kế hoạch tổng thể để tiếp tục thực hiện dự án. Các địa phương chú trọng thực hiện các dự án như đường Hồ Chí Minh, đường Vành đai 3... để sớm đưa các dự án này vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.