Cao tốc cắt đường dân sinh, dân tha thiết được mở cống chui

Tuyến cao tốc Bắc – Nam qua xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cắt ngang đường dân sinh của thôn Kim Thịnh khiến việc đi lại, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.

Tha thiết mở cống chui

Nhiều tháng nay, người dân thôn Kim Thịnh, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh "đứng ngồi không yên" khi tuyến cao tốc Bắc – Nam đi qua địa phương sắp sửa hoàn thành những hạng mục cuối.

Ông Trần Văn Cương (SN 1960, trú thôn Kim Thịnh) chia sẻ, chúng tôi tha thiết được đơn vị thi công thiết kế cống chui qua đường dân sinh để tiện đi lại. Nay tuyến đường sắp xong nhưng cống chui vẫn chưa được làm khiến chúng tôi thấp thỏm lo lắng.

Người dân tha thiết được mở cống chui tại điểm giao trục đường dân sinh trước nhà văn hóa thôn.

Người dân tha thiết được mở cống chui tại điểm giao trục đường dân sinh trước nhà văn hóa thôn.

Tương tự, ông Trần Văn Thắng (SN 1983, trú thôn Kim Thịnh) cũng cho hay, gia đình ông có 3 sào ruộng, nay bị tuyến cao tốc cắt ngang đường dân sinh khiến ông không thể đi sang bờ bên kia để sản xuất.

"Nếu muốn sang bên ruộng thì tôi lại phải đi đường vòng lên cầu vượt rồi đi xuống, vừa xa vừa bất tiện lại không an toàn, chưa kể cả trâu bò nữa thì không biết phải đi làm sao?", ông Thắng nói.

"Không có cống chui dân sinh khiến trẻ em cũng không thể tự đạp xe đi học bởi phải đi vòng lên cầu vượt rất nguy hiểm. Mỗi cuộc họp chi bộ tôi đều kiến nghị đề xuất nhưng đến nay vẫn chưa được", ông Trần Xuân Lục (SN 1945, trú thôn Kim Thịnh) cho hay.

Vị trí người dân thôn Kim Thịnh mong muốn đặt cống chui để đi qua tuyến cao tốc phục vụ học tập, sản xuất.

Vị trí người dân thôn Kim Thịnh mong muốn đặt cống chui để đi qua tuyến cao tốc phục vụ học tập, sản xuất.

"Từ đầu năm học đến nay, vợ chồng tôi phải gác hết công việc để chở con đi học bằng xe máy, mỗi ngày 4 lượt cả đi và về. Chỉ thời gian ngắn nữa, khi cầu vượt thi công xong, chúng tôi phải đi vòng lên cầu vượt ở Quốc lộ 281 càng nguy hiểm hơn", chị Trần Thị Hạnh (SN 1990, thôn Kim Thịnh) bày tỏ.

Theo tìm hiểu, thôn Kim Thịnh được sáp nhập từ hai thôn 5 và 6. Trước khi thi công tuyến cao tốc Bắc – Nam, giữa hai thôn (cũ) được kết nối với nhau bằng tuyến đường dân sinh chạy thẳng trước nhà văn hóa. Đáng nói, trường học, chợ, ruộng sản xuất của người dân thôn 6 đều nằm bên địa phận thôn 5 nên sau khi tuyến cao tốc Bắc – Nam chạy qua đã chia cắt tuyến đường dân sinh khiến mọi sinh hoạt ở thôn 6 bị đảo lộn. Chính vì vậy, người dân mong mỏi, đơn vị thi công thiết kế cống chui dân sinh đi qua vị trí này để thuận tiện đi lại.

Ông Phan Thanh Thế (SN 1955), Bí thư chi bộ thôn Kim Thịnh.

Ông Phan Thanh Thế (SN 1955), Bí thư chi bộ thôn Kim Thịnh.

Trao đổi với PV, ông Phan Thanh Thế (SN 1955), Bí thư chi bộ thôn Kim Thịnh cho biết, thực tế, tuyến cao tốc thi công khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, từ đường dân sinh đến việc tiêu, thoát nước. Trong nhiều diễn đàn, đại diện người dân thôn Kim Thịnh, ông Thế cũng đã nhiều lần đưa ra kiến nghị. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và nhà thầu trả lời do thiết kế kỹ thuật nên không thể đặt cống chui tại vị trí tuyến đường liên thôn trước nhà văn hóa như người dân mong muốn.

Giải quyết nguyện vọng của dân

Liên quan nội dung này, Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường, cho biết: Kiến nghị mở cống chui dân sinh của người dân thôn Kim Thịnh là chính đáng. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần có tờ trình đề xuất với Ban quản lý dự án Thăng Long (Chủ đầu tư dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam) mở cống chui tại lý trình Km 484+800, đoạn qua thôn Kim Thịnh.

Vị trí đề xuất đặt cống chui rất thuận lợi cho việc đi lại của người dân thôn Kim Thịnh.

Vị trí đề xuất đặt cống chui rất thuận lợi cho việc đi lại của người dân thôn Kim Thịnh.

Trước nguyện vọng của nhân dân, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã trực tiếp kiểm tra hiện trường. Quá trình khảo sát, đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long xác định, tại lý trình Km 484+800 đoạn qua thôn Kim Thịnh chỉ cách mố cầu vượt Quốc lộ 281 khoảng 200m. Do yếu tố kỹ thuật liên quan đến cao trình cống chui dân sinh với cầu vượt không đủ điều kiện để mở.

"Chiều cao cống chui tối thiểu phải đạt 2,2m nhưng ở đây chỉ được 1,4m nên chủ đầu tư khẳng định không thể mở được", ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Tuyến đường dân sinh đi trước nhà văn hóa thôn Kim Thịnh.

Tuyến đường dân sinh đi trước nhà văn hóa thôn Kim Thịnh.

Để giải quyết việc đi lại đảm bảo thuận lợi, an toàn nhất cho người dân thôn Kim Thịnh, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã phê duyệt phương án làm cống chui cách vị trí người dân đề xuất 200m và thi công đường gom dân sinh từ nhà văn hóa thôn đến cống chui này.

"Đường gom sẽ nối từ nhà văn hóa thôn Kim Thịnh đến cống chui dân sinh, cả chiều đi và về chỉ dài thêm khoảng 500m. Phương án này giải quyết được việc đi lại cho người dân, vừa đảm bảo yếu tố an toàn kỹ thuật cho dự án", ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Nguyện vọng đặt cống chui của người tại vị trí nói trên là chính đáng, tuy nhiên do ảnh hưởng kỹ thuật dự án nên không thể thực hiện.

Nguyện vọng đặt cống chui của người tại vị trí nói trên là chính đáng, tuy nhiên do ảnh hưởng kỹ thuật dự án nên không thể thực hiện.

Đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cũng cho hay, đề xuất của người dân thôn Kim Thịnh, xã Kim Song Trường đã được Ban, Sở Giao thông vận tải, huyện Can Lộc tiếp nhận, rà soát, kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng.

Quá trình thi công cao tốc ưu tiên làm cầu vượt ngang ở Quốc lộ 281. Về mặt kỹ thuật, không thể bố trí cống chui ngay gần cầu vượt. Để thuận lợi đi lại cho người dân, một cống chui khác cách vị trí đề xuất 200m đã được thi công. Đơn vị thi công sẽ làm đường gom nối đường ngang dân sinh thôn Kim Thịnh đến cống chui này. Trước mắt, sẽ ưu tiên làm tuyến chính của cao tốc để đảm bảo tiến độ bàn giao trước 30/4/2025 như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. Sau khi hoàn thiện tuyến chính, đơn vị thi công mới triển khai làm đường gom dân sinh.

Bùi Thị Ngân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cao-toc-cat-duong-dan-sinh-dan-tha-thiet-duoc-mo-cong-chui-204241016094247156.htm