Cao tốc hơn 31.000 tỷ đồng qua 3 tỉnh phía Nam đang thi công thế nào?
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành vẫn đang trong quá trình triển khai thủ tục về nhà thầu, nguồn vốn để sớm về đích…
Nhiều gói thầu đang lựa chọn nhà thầu mới
Tin từ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, tính đến nay, sản lượng thi công dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tương đương 80% giá trị xây lắp điều chỉnh của dự án.
Trong đó, đối với đoạn phía Đông, gói thầu A5 đã hoàn thành. Đơn vị thi công gói thầu A7 đang triển khai trên công trường, tiến độ bị chậm do nguồn lực của nhà thầu còn hạn chế, Bộ Tài chính chậm giải ngân/tạm dừng giải ngân IPC của các gói thầu để thu hồi công nợ của Cienco6 đối với nhà nước.
Tại gói thầu A6, VEC đang tổ chức lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công trong quý 1/2023.
“
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài gần 58 km. Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Long An dài 2,7 km; đoạn qua TP.HCM dài 26,4 km; đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 28,7 km). Tổng mức đầu tư của dự án là 31.320 tỷ đồng.
Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 7/2014 gồm 14 gói thầu, trong đó có 11 gói thầu xây lắp, 1 gói thầu ITS và 2 gói thầu tư vấn giám sát.
”
Đối với đoạn phía Tây, do thủ tục chuyển khối lượng giữa các khoản vay mất nhiều thời gian, VEC đã báo cáo cấp thẩm quyền phương án thay thế bằng nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ để cơ cấu trong tổng mức đầu tư; Đồng thời, chỉ đạo các nhà thầu tái khởi động thi công trên cơ sở tạm sử dụng vốn nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ.
Tính đến nay, gói thầu A1 đang thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu mới để thi công khối lượng còn lại. Gói thầu A2-1 đã hoàn thành. Gói A3 đang hoàn thiện để chuẩn bị bàn giao.
Với gói thầu A4, VEC đã thông báo chấm dứt hợp đồng với nhà thầu ngày 28/11/2022 và chuẩn bị thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu mới.
Riêng gói thầu A2-2 tiến độ chưa có nhiều cải thiện, VEC đã yêu cầu tư vấn giám sát đánh giá, đề xuất phương án xử lý đối với nhà thầu nếu không đáp ứng tiến độ yêu cầu.
"Đối với đoạn Jica, nhà thầu J3 đã chấm dứt hợp đồng và kiện VEC ra Trung tâm trọng tài quốc tế tại Singapore (SIAC). VEC đang thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu mới thi công khối lượng còn lại.
Với gói thầu J1, nhà thầu đã thống nhất tái khởi động thi công, đang thực hiện công tác huy động, song, tiến độ rất chậm, chưa có sản lượng hoàn thành trong tháng", VEC thông tin.
Sử dụng nguồn thu phí nhàn rỗi giải quyết nguồn vốn cho dự án
Căn cứ thực tế triển khai dự án, trong thời gian chờ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, VEC kiến nghị Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc đối với đề xuất đã được Bộ GTVT trình tại Tờ trình số 12266 ngày 23/11/2022 để thực hiện trước một số thủ tục.
Cụ thể, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 30/9/2025 để Bộ GTVT có cơ sở phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu khối lượng còn lại của gói thầu J3 và thực hiện thủ tục gia hạn thời gian cho gói thầu J1, tư vấn giám sát C5.
Bổ sung vốn VEC huy động từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ các khoản vay (đã tính toán đầy đủ nghĩa vụ trả nợ) hoặc VEC tự huy động các nguồn vốn hợp pháp vào cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự án để có đủ cơ sở thực hiện đấu thầu các gói thầu còn lại (A1, A4, A8), sớm hoàn thành các gói thầu phía Tây và nhà điều hành thu phí của dự án.
VEC cũng đề xuất cấp có thẩm quyền kiến nghị Chính phủ sớm quyết định cơ chế vốn đối ứng cho dự án, cho phép VEC sử dụng nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ các khoản vay để bố trí số vốn đối ứng còn lại (khoảng 758 tỷ đồng).
"Về chi phí phát sinh do dự án không được bố trí vốn, phải dừng chờ thi công kéo dài và chấm dứt hợp đồng với một số nhà thầu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép VEC sử dụng nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ hoặc tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để thanh toán, cập nhật vào tổng mức đầu tư dự án", VEC đề xuất.