Cao tốc thành phần Nha Trang - Cam Lâm đếm ngược đến ngày khánh thành
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất khánh thành cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vào ngày 19/5. Đây là một trong 11 dự án thành phần thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I (2017 - 2020) và là một trong 3 dự án cao tốc được đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư).
Đến thời điểm này, dự án đã cơ bản hoàn thành tuyến chính với 49,5 km, đạt 98% khối lượng thi công. Nhà thầu dự án - Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Tập đoàn Sơn Hải) đang tập trung huy động tổng lực máy móc thiết bị, nhân lực tổ chức thi công 3 ca 4 kíp/ngày đêm để hoàn thiện các hạng mục phụ trợ còn lại, đảm bảo tiến độ khánh thánh theo mục tiêu của Bộ GTVT đề ra.
Video Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đếm ngược thời gian đến ngày thông xe:
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc điều hành thi công dự án (Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm - Tập đoàn Sơn Hải), sản lượng thực hiện các gói thầu xây lắp từ khi khởi công đến nay đều đạt và vượt tiến độ. Dự án đang vào giai đoạn chạy nước rút, trên công trường, nhà thầu đang huy động tối đa khoảng 1.500 công nhân, hàng trăm đầu máy móc thiết bị trài dài toàn tuyến để hoàn thiện các hạng mục cuối cùng của dự án như: Thảm bê tông nhựa nóng lớp cuối, sơn kẻ vẽ phân làn đường, phân cách giữa cao tốc, lắp đặt hàng rào hộ lan, hệ thống chiếu sáng, biển chỉ dẫn, cảnh báo, vệ sinh mặt đường... đảm bảo tiến độ từng ngày.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư, gồm 3 gói thầu xây lắp gồm: XL2 xây lắp đường Km29+800 - Km54+00; XL1 xây lắp đường Km5+783 - Km29+800 và XL3 xây lắp hầm xuyên núi Dốc Sạn.
Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, dự án được khởi công từ tháng 9/2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, các cấp chính quyền địa phương, chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án đã nỗ lực khắc phục khó khăn, khẩn trương thi công, nhờ vậy đến nay, dự án đã có những bứt tốc về tiến độ. Ngay từ thời điểm khởi công, nhà thầu dự án đã xác định đây là công trình trọng điểm quốc gia, tiến độ, chất lượng thi công quyết định mục tiêu cán đích, vì vậy, doanh nghiệp đã quán triệt các đơn vị thi công vượt khó khăn về bão giá, dịch bệnh, huy động tối đa nguồn lực, thương hiệu... để đảm bảo hoàn thành dự án vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng ký kết.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 49,11 km, có điểm đầu tại Km5+783 thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh; điểm cuối tại Km54+00 thuộc xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh, có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, trong đó, phần vốn Nhà nước đầu tư khoảng 2.967 tỷ đồng, còn lại là phần vốn huy động của Tập đoàn Sơn Hải. Khi hoàn thành, cao tốc có thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng, thiết kế quy mô 4 làn xe trên nền đường rộng 17 m; giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 6 làn xe, rộng 32 m. Cao tốc đi qua huyện Diên Khánh (8 km), huyện Cam Lâm (30,5 km) và TP Cam Ranh (10,6 km) thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Qua tìm hiểu của phóng viên, Tập đoàn Sơn Hải đã ký hợp đồng hệ thống giao thông thông minh với Elcom, quyết tâm đưa cao tốc Nha Trang – Cam Lâm trở thành tuyến cao tốc đầu tiên triển khai hệ thống giao thông thông minh ITS thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông. Sau khi hoàn tất, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ được trang bị hệ thống ITS toàn diện, bao gồm cả hệ thống giám sát điều hành trên tuyến và hầm, hệ thống thu phí không dừng, hệ thống thông tin liên lạc, camera giao thông…
Ở góc độ quản lý đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo Bộ GTVT kết quả rà soát phương án thu phí tại dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Theo đó, trên tuyến dự án sẽ xây 4 trạm thu phí đặt tại 4 nút giao, gồm: Trạm thu phí nút giao Diên Khánh, Trạm thu phí nút giao Suối Dầu, Trạm thu phí nút giao Cam Lâm và Trạm thu phí nút giao Cam Ranh. Có một nhà điều hành cao tốc đặt tại Suối Dầu.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm qua tỉnh Khánh Hòa được đưa vào khai thác đúng Ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5 có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cao tốc này cùng với cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành đầu năm 2024 sẽ giúp kết nối với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cũng như các tỉnh Đông Nam Bộ thuận lợi hơn, từ đó, mở ra cơ hội phát triển công nghiệp, du lịch của địa phương thời gian tới.
Ngoài ra, tuyến cao tốc này cũng sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu di chuyển thuận tiện của người dân trong khu vực, giảm tải cho QL1A. Phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc từ Bắc vào Nam sẽ vào cao tốc tại nút giao QL27C và ra cao tốc tại nút giao QL27B, xe đi từ Nam ra Bắc theo hướng ngược lại.