Dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn có chiều dài xây dựng là 98,35km, điểm đầu giao với QL9 (thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) điểm cuối trùng với điểm đầu dự án La Sơn – Túy Loan (thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Giai đoạn đầu, đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường là 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m được khánh thành vào ngày 31/12/2022.
Sau khi khánh thành, đưa vào khai thác, tuyến cao tốc góp phần quan trọng trong việc lưu thông phương tiện, giảm tải cho tuyến QL1A. Tuy nhiên, theo người dân ở xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế), cao tốc thông xe hơn một năm nhưng đến nay một số đường, hầm chui dân sinh vẫn chưa được hoàn trả.
Cụ thể, theo người dân, tại xã Phong Mỹ có 2 hầm chui chưa được thảm nhựa, hoàn trả trong đó có hầm chui dân sinh tại Km 43+800.00 khu vực Khe Mạ.
Một trong hai hầm chui tại địa bàn xã Phong Mỹ được người dân phản ánh rằng đơn vị thi công không tiến hành thi công hoàn trả.
Ngoài ra, theo phản ánh trên tuyến cao tốc đoạn qua xã Phong Mỹ, nhiều người dân còn tự ý đi xe máy vào cao tốc, có khi cắt cả hàng rào bảo vệ.
Con đường ở thôn Phước Thọ (xã Phong Mỹ) trước đây do đơn vị thi công mượn để dẫn vào trạm trộn bê tông hiện nay dù thi công xong cao tốc nhưng vẫn chưa hoàn trả.
Tuyến đường dân sinh chi chít vũng nước đọng lại, gây khó khăn cho người dân tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) cho biết, tuyến đường được làm từ khoảng năm 2018, sau khi nhà thầu thuê đất để làm trạm trộn, quá trình phương tiện lưu thông có làm hư một số trụ và xuất hiện các ổ gà tại những đoạn đường đất và có sửa nhưng không đạt yêu cầu.
"Thực trạng đường xuống cấp người dân đã phản ánh qua các cuộc họp. UBND xã cũng kiến nghị với huyện, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và yêu cầu nhà thầu hoàn thiện, khắc phục. Phía đơn vị thi công hứa sẽ hoàn thiện, thực hiện đúng cam kết như đã thỏa thuận với người dân trước Tết Nguyên Đán", ông Chung nói.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án) cho biết, việc sử dụng đường dân sinh để vào trạm trộn bê tông là giữa nhà thầu với người dân, đơn vị đang yêu cầu nhà thầu nhanh chóng trả số tiền thuê đất đang còn nợ của người dân. "Việc không hoàn trả đường qua hai hầm chui, nguyên nhân do hầm chui được làm theo quy hoạch, vừa hình thành trong quá trình thi công cao tốc với mục đích nhằm giúp địa phương sau này có nhu cầu sẽ kết nối đường cho người dân lưu thông. Không phải đường có sẵn từ lâu nên đơn vị thi công và chủ đầu tư không thi công hoàn trả.", đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh nói.
Video: Cao tốc thông xe hơn một năm, người dân chưa được hoàn trả đường?
Hoàng Dũng