Cao tốc và cuộc đua bứt tốc

Khi hàng loạt dự án cao tốc giai đoạn 2017 - 2020 vẫn đang là những đại công trường, Quốc hội tiếp tục quyết đầu tư khoảng 150 nghìn tỷ đồng xây dựng thêm 12 dự án cao tốc cho giai đoạn 2021 - 2025. Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay trong những ngày Tết Nguyên đán đã đi thị sát và đốc thúc cho cuộc đua cao tốc.

Có đại lộ, có đại phú

Vào tháng 10/2017, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã quyết nghị chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có chiều dài 654km, tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, chia thành 11 dự án.

Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể khi đó đã cảm thấy choáng ngợp: “Chưa có giai đoạn nào, Quốc hội, Chính phủ lại tập trung ý chí và quyết tâm cao để hình thành hệ thống cao tốc hoàn chỉnh, trong đó ưu tiên các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông như hiện nay. Đối với Bộ GTVT cũng chưa thời kỳ nào triển khai đầu tư một tuyến cao tốc dài đến 654km nằm rải đều ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam như thế này”.

Thủ tướng động viên đội ngũ cán bộ, công nhân đang thi công trên các hầm thuộc tuyên cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Nhật Bắc

Chưa đầy 5 năm sau, Kỳ họp bất thường của Quốc hội tháng 1/2022, Quốc hội tức tốc quyết nghị chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 theo quy trình, thủ tục rút gọn.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025 đầu tư 729km cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, chia thành 12 dự án thành phần với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng. Choáng ngợp hơn nữa, lần này Quốc hội cho phép dự án cao tốc Bắc – Nam được áp dụng chủ trương đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, để giải quyết được thách thức lớn nhất đối với nhiều dự án giao thông đó là vốn. Trong khi giai đoạn 2017-2020, ban đầu Quốc hội chỉ cho 3/11 dự án là đầu tư công, còn lại là phải áp dụng theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Nguồn: TTXVN

Sở dĩ lần này, Quốc hội mạnh tay như vậy, bởi nền kinh tế đã “rơi thẳng đứng” như theo mô tả của đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) và đầu tư công, với việc “bơm tiền” cho xây dựng cao tốc là cách nhanh nhất kéo GDP khỏi đáy suy giảm, có cao tốc, có bứt tốc. Xây dựng cao tốc, như nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: “Có đại lộ thì sẽ sinh ra đại phú”.

Nhưng tiêu tiền được không phải là câu chuyện dễ dàng. Bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngay trong những ngày tết đã đi thị sát thực địa hàng loạt dự án cao tốc từ Bắc vào Nam như dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây…

Kết luận cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án cao tốc Bắc – Nam sau chuyến khảo sát "xuyên tết, xuyên Việt", Thủ tướng lo lắng: “Khi chúng ta đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng số vốn đầu tư công cần hấp thụ trong năm 2022-2023 rất lớn, nếu không đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra thì không thể hoàn thành nhiệm vụ”.

Nhiều thách thức khó “hóa giải”

Các vấn đề được người đứng đầu Chính phủ đặt ra sau hành trình “xuyên tết, xuyên Việt” này là các dự án đối tác công tư (PPP) có bình quân đơn giá không quá 150 tỷ đồng mỗi km đường cao tốc, nhưng các dự án đầu tư công thì bình quân trên dưới 200 tỷ đồng. Việc phân cấp mạnh cho địa phương, như dự án Cao Bồ - Mai Sơn hoàn thành đúng tiến độ nguyên nhân quan trọng, mấu chốt là việc giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền với dự án...

Đã sạch nước cản

Hai nguyên nhân “cốt tử” khiến cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 mặc dù với khí thế hừng hực vẫn không thể cán đích như mục tiêu đề ra. Thứ nhất là chia 8/11 dự án theo hình thức đối tác công tư đã không lựa chọn được nhà đầu tư và huy động vốn, khiến dự án chậm tiến độ gần 2 năm.

Thứ hai là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công tại hiện trường của các nhà thầu gặp khó khăn, một số công trình đã phải dừng thi công do có cán bộ, công nhân lây nhiễm Covid-19, phải cách ly.

Hỗ trợ tối đa cho Chính phủ trong dọn sạch nước cản cho “bàn cờ” cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đã quyết cho 12 dự án cao tốc trong giai đoạn này đều là dự án đầu tư công, mặc dù còn có những ý kiến đại biểu Quốc hội cảm thấy hụt hẫng vì ngân sách nhà nước phải gánh tất cả. Cùng với đó, bước vào năm 2022, cái bóng bao phủ u ám của đại dịch cũng đang tan dần để sớm trả lại bầu trời quang đãng cho nền kinh tế.

Đây đều là những thách thức khó “hóa giải”. Như đơn giá các dự án PPP mỗi km đường cao tốc so với đơn giá dự án đầu tư công là phép so sánh nhìn thấy ngay được sự đắt đỏ của các dự án đầu tư công.

Tuy nhiên, lại không thể chọn rẻ hơn thay vì chọn đắt đỏ. Bởi trong 11 dự án cao tốc giai đoạn 2017-2020, Quốc hội đã quyết trong đó chỉ có 3 dự án là đầu tư công, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP nhưng trong quá trình mời thầu, các đối tác PPP đều bỏ cuộc, chỉ còn 3 dự án PPP nên 8 dự án Nhà nước phải bỏ tiền ra. Biết đắt mà không thể chọn rẻ còn vì thực tế, cho đến nay, trong khi 8 dự án đầu tư công đều đã khởi công thì 3 dự án PPP mới vừa hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án với các nhà đầu tư.

Đáng chú ý, đối với 8 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017- 2020 ban đầu được quyết theo phương thức PPP của cao tốc Bắc - Nam, thì “đắt hàng” nhất lại là hồ sơ dự thầu của doanh nghiệp Trung Quốc, với số lượng chiếm áp đảo như Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc và các công ty thành viên như China Railway Construction Investment Group Co., China Railway 21st Bureau Group Co, Công ty cơ khí cảng Trung Quốc, Tổng công ty cầu và đường Trung Quốc... khiến Chính phủ phải xem xét rất thận trọng về vấn đề nhạy cảm liên quan đến quốc phòng an ninh và lòng dân.

Hay như với vấn đề phân cấp mạnh cho địa phương trong thực hiện các dự án cao tốc cũng đã là vấn đề được bàn thảo rất kỹ tại Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc giao cho địa phương sẽ không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công; không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện.

Cao tốc Bắc - Nam là công trình cấp đặc biệt với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi năng lực quản lý, trình độ chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu dự án quan trọng quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn thống nhất, việc giao cho địa phương thực hiện khó đảm bảo được các yêu cầu trên.

Năm của cao tốc

Năm 2022 sẽ là năm của cao tốc khi dự kiến có hàng loạt cao tốc được hoàn thành trong năm nay. Ngày mùng 4 tết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc đoạn Cao Bồ - Mai Sơn. Đây là dự án đầu tiên trong 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đến đích sau 24 tháng thi công.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.607 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội. Sau dự án Cao Bồ - Mai Sơn, dự án Cam Lộ - La Sơn sẽ sớm khánh thành trong thời gian tới. 3 dự án Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây dự kiến hoàn thành tháng 12/2022; các dự án còn lại hoàn thành cuối năm 2023.

12 dự án thành phần với chiều dài 729km của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025 theo đúng tinh thần của Quốc hội đề ra, là sức mạnh chủ đạo cho Chính phủ về đích trong cuộc đua bứt tốc phát triển kinh tế.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cao-toc-va-cuoc-dua-but-toc-100069.html