Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái: Con đường của khát vọng và niềm tin
'Đây là con đường cao tốc của khát vọng và niềm tin', Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận định như vậy khi cắt băng khánh thành đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái ngày 1/9/2022. 'Mảnh ghép cuối cùng' này hoàn thiện chuỗi cao tốc từ Lào Cai qua Hà Nội tới Móng Cái, là gạch nối quan trọng để tiếp tục mở rộng liên kết vùng.
4 năm – 176 km
Ngày 1/9/2022, 4 năm sau khi khánh thành những cây số đường cao tốc đầu tiên, tỉnh Quảng Ninh chính thức hoàn thiện trục cao tốc xuyên tỉnh dài 176 km. Những “mảnh ghép” cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long – Vân Đồn, Vân Đồn – Móng Cái lần lượt vẽ lên bản đồ một con đường băng qua núi đồi, vượt qua sông biển, kết nối những vùng đất đã từng mất cả ngày trời mới có thể đặt chân tới. Cùng với nhiều công trình hạ tầng giao thông cảng biển, sân bay, đường ven biển hình thành trước đó, dường như chẳng còn ai nhớ tới Quảng Ninh với thế độc đạo, “ốc đảo” một thời.
Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định: “Quảng Ninh là 1 trong những tỉnh có cách kết hợp nguồn lực của nhà nước, kể cả nguồn lực chính sách, đồng thời tận dụng sự lớn mạnh của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn để tạo ra đột phá trong phát triển hạ tầng. Con đường được như thế này nói lên mong muốn, mục tiêu, quyết tâm phát triển hạ tầng – 1 trong 3 trụ cột phát triển của Việt Nam”.
Giờ đây, từ Hà Nội tới cửa khẩu Móng Cái chỉ còn 3 giờ. Nhưng quan trọng hơn, việc thông toàn tuyến từ Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long – Móng Cái đã giúp những cửa khẩu biên giới lớn nhất miền Bắc nối liền chỉ trong vài giờ đồng hồ. Sự kết nối nhanh chóng với khu vực và quốc tế đã góp phần giúp Quảng Ninh dần hình thành vị thế trung tâm, là một trong những lựa chọn hàng đầu trong đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, một phần quan trọng giúp tỉnh này duy trì tăng trưởng GRDP ở mức cao - 2 con số trong 7 năm liên tiếp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Với chiều dài 176 km đã kết nối vùng động lực trong 3 cực tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Quan trọng hơn nữa, tuyến đường đã đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, Khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt - Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng”.
Kết nối mở không gian mới
Năm 2022 cũng đánh dấu sự hợp tác mạnh mẽ của Quảng Ninh với các động lực tăng trưởng kinh tế trong vùng nhờ sự liên kết về giao thông. Đón đầu cơ hội từ tuyến cao tốc xương sống, cuối tháng 7, Quảng Ninh, TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên đã ký kết thỏa thuận hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông trên cơ sở tuyến cao tốc Hà Nội tới Móng Cái. Trục cao tốc này kết nối hàng loạt khu công nghiệp, đô thị, cảng biển, các sân bay quốc tế Cát Bi, Vân Đồn, tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh và 8 lần so với TP Đà Nẵng. Liên kết sẽ khai thác thế mạnh riêng của từng tỉnh, thành phố, hỗ trợ nhau để hình thành vùng kinh tế có hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước với cộng đồng doanh nghiệp mạnh, tạo không gian phát triển mới…
Quảng Ninh và Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang liên tục có những hội nghị ký kết hợp tác toàn diện, trong đó hạ tầng giao thông vẫn là lĩnh vực hợp tác trọng tâm. Tháng 5, cầu Bến Rừng nối Thủy Nguyên (Hải Phòng) và Quảng Yên (Quảng Ninh) khởi công. Tháng 12, dự án nâng cấp đường tỉnh 342 nối TP Hạ Long với huyện vùng cao Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn khởi công. Lạng Sơn cũng hoàn thành thủ tục đầu tư, tiếp tục nối đến quốc lộ 4B.
Ông Trần Văn Vương, Phó Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Khi tuyến đường này hoàn thành thì từ huyện Đình Lập kết nối thẳng đến Hạ Long, giao thương Lạng Sơn - Quảng Ninh tốt hơn. Đặc biệt là sẽ kết nối từ Lạng Sơn qua Quảng Ninh đi Hải Phòng và tới tận Hà Nội, tạo thành cung đường khép kín phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch thuận lợi”.
Hải Dương sẽ tiếp tục kết nối vào tuyến đường ven sông tốc độ cao tới TX Đông Triều mà Quảng Ninh đang triển khai. Với việc nâng cấp QL37, đường tỉnh 291 từ Tây Yên Tử sang tới QL 279, Bắc Giang sẽ “có biển” trong tương lai gần…
Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Quảng Ninh ưu tiên cho việc tiếp tục liên kết để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đảm bảo đồng bộ, liên thông tổng thể để thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hóa lãnh thổ. Sâu xa hơn nữa đó là định hình, hoàn thiện các hành lang giao thông để kiến tạo nên các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương”.
Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Quảng Ninh định hình sẽ kết nối hạ tầng giao thông quốc gia thông qua 3 tuyến cao tốc: Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Tiên Yên - Lạng Sơn - Cao Bằng; Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái. Những con đường, cây cầu, bến cảng của “khát vọng và niềm tin” sẽ giúp Quảng Ninh và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc mở ra những cánh cửa mới./.