Cao tốc Vũng Áng - Bùng: Nhiều cầu vượt hồ Kim Sơn bứt tốc về đích

Trên công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn Vũng Áng - Bùng, không khí thi công diễn ra khẩn trương. Trong đó, các cầu bắc qua hồ chứa nước Kim Sơn dự kiến vượt tiến độ 6 tháng so với kế hoạch.

Địa hình hiểm trở, tiến độ thần tốc

Hồ Kim Sơn (xã Kỳ Hoa, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là hồ chứa nước lớn, giữ vai trò điều tiết thủy lợi và cung cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, địa hình uốn lượn, mực nước sâu và lòng hồ rộng tạo ra thách thức lớn cho thi công. Các cầu số 2, 3 và 5 nằm rải rác trên mặt hồ, được thiết kế bám theo đường cong địa hình tự nhiên nhằm tối ưu kết cấu và hạn chế tác động môi trường.

Hồ chứa nước Kim Sơn, nơi các cây cầu lớn dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua.

Hồ chứa nước Kim Sơn, nơi các cây cầu lớn dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua.

Kỹ sư Đào Văn Cường, phụ trách thi công tại gói thầu do Công ty CP Xây lắp 368 chia sẻ: "Kết cấu cầu vượt hồ luôn phức tạp hơn các cây cầu vượt sông hay vượt đồng bằng thông thường. Chúng tôi phải khảo sát kỹ tầng địa chất đáy hồ, đồng thời xử lý kỹ phần móng cọc dưới nước, lắp đặt thiết bị nổi để thi công an toàn và chính xác tuyệt đối.”

Không chỉ phức tạp về kỹ thuật, điều kiện thời tiết tại Hà Tĩnh cũng là một rào cản lớn. Mỗi năm, công trường chỉ có thể thi công khoảng 7 tháng khô ráo. Phần thời gian còn lại bị gián đoạn do mưa kéo dài, lũ lụt, và nền đất bị ngấm nước không thể thi công.

Hàng chục mũi thi công rải thảm mặt cầu đang được triển khai.

Hàng chục mũi thi công rải thảm mặt cầu đang được triển khai.

“Vì thời tiết khắc nghiệt, muốn kịp tiến độ, mùa khô phải làm gấp đôi, thậm chí gấp ba năng suất. Có ngày chúng tôi làm 12-14 tiếng, chia thành nhiều ca, không ngơi tay. Mệt thì có mệt, nhưng nghĩ đến việc công trình về đích sớm, bà con có đường tốt để đi, mình lại có động lực”, anh Mạc Đình Dũng, công nhân vận hành máy rải thảm cho biết.

Nhìn từ trên cao, cầu số 2 đến cầu số 5 hiện ra như những dải lụa uốn mình giữa hồ Kim Sơn, vươn dài theo từng nhịp dầm nối tiếp nhau. Trên mặt cầu, hàng chục công nhân đang thi công rải thảm mặt đường bằng máy móc hiện đại.

Tuy khó khăn trong công tác thi công do địa hình hiểm trở nhưng các hạng mục cầu vượt tiến độ 6 tháng.

Tuy khó khăn trong công tác thi công do địa hình hiểm trở nhưng các hạng mục cầu vượt tiến độ 6 tháng.

Theo kỹ sư Cường, để đạt được tiến độ “vượt rào” 6 tháng so với hợp đồng, nhà thầu đã huy động cùng lúc nhiều mũi thi công, tổ chức làm việc ba ca liên tục, tranh thủ từng ngày nắng ráo. “Chúng tôi chia mặt bằng ra từng đoạn để thi công đồng loạt, không đợi từng bước như thông thường. Một mũi rải thảm, một mũi thi công lan can, một mũi lắp khe co giãn. Vừa tiết kiệm thời gian, vừa đảm bảo chất lượng,” ông Cường nói.

Đại diện Ban Quản lý dự án 6 (Chủ đầu tư dự án Vũng Áng - Bùng) cũng ghi nhận nỗ lực đặc biệt của nhà thầu: “Đây là đoạn tuyến có địa hình phức tạp bậc nhất. Nhưng với tinh thần vượt khó, đến thời điểm này, các hạng mục cầu vượt hồ Kim Sơn cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số chi tiết hoàn thiện cuối cùng”.

Các kỹ sư kiểm tra nhiệt độ để kiểm soát chất lượng nền đường sau khi thảm.

Các kỹ sư kiểm tra nhiệt độ để kiểm soát chất lượng nền đường sau khi thảm.

Nhiều mũi thi công “dàn quân” trên mặt hồ

Dưới ánh nắng gắt của tháng Tư, từng đoàn xe lu, xe rải thảm nối đuôi nhau chạy đều tăm tắp trên mặt cầu vừa hoàn thiện lớp bê tông nhựa. Mỗi tổ công nhân được chia khu vực cụ thể, phối hợp nhịp nhàng giữa lái máy, người rải nhựa, người cầm xẻng dàn đều mặt đường, tạo dây chuyền thi công khép kín.

“Chúng tôi chia mặt cầu ra từng đoạn khoảng 100-200 mét, bố trí nhiều mũi thi công rải thảm cùng lúc, làm cuốn chiếu từ sáng sớm đến tối muộn. Khi một mũi vừa xong, xe lu liền tiến hành lu lèn ngay, đảm bảo mặt đường bằng phẳng, độ chặt đạt chuẩn", anh Nguyễn Văn Đại, Tổ trưởng tổ rải thảm chia sẻ.

Không khí khẩn trương bao trùm cả công trường. Máy rải thảm nhả từng lớp nhựa đen bóng, bốc khói nghi ngút. Công nhân thay phiên nhau làm việc trong điều kiện nắng nóng, tay không ngừng dùng xẻng chỉnh mặt đường, mắt không rời đường lu. Từng chi tiết nhỏ được kiểm tra kỹ lưỡng, bởi ai cũng hiểu: chỉ cần một sai sót nhỏ, mặt cầu sẽ không đảm bảo độ bền lâu dài.

Anh Trần Tiến Thành, công nhân 35 tuổi quê ở Quảng Bình cười tươi sau lớp bụi đường: “Chưa có công trình nào tôi thấy đẹp như đoạn này. Làm cực nhưng vui. Chỉ mong sau này vợ con đi qua, chỉ tay nói: ‘Cầu này bố từng làm đó con!’”

Không riêng Thành, cả đội thi công đều có chung niềm tự hào. Anh Nguyễn Văn Hùng, kỹ sư phụ trách cầu số 3, kể: “Có những ngày gió to đứng trên cao mà vẫn phải hàn thép, đổ bê tông. Lúc đó không ai bảo ai, tất cả cùng cố gắng, vì biết rằng chậm một ngày là cả tuyến chậm một ngày.”

Điều kiện thời tiết nắng nóng những ngày đầu hè cộng thêm nhiệt độ từ bê tông nhựa nóng phả lên làm công nhân mất sức.

Điều kiện thời tiết nắng nóng những ngày đầu hè cộng thêm nhiệt độ từ bê tông nhựa nóng phả lên làm công nhân mất sức.

Theo kế hoạch, toàn tuyến cao tốc đoạn Vũng Áng - Bùng sẽ cán đích vào ngày 30/6/2025. Các cây cầu bắc qua hồ Kim Sơn từng được coi là “nút thắt” tiến độ nay lại trở thành điểm sáng khi về đích trước 6 tháng.

Cao tốc Vũng Áng - Bùng khởi công tháng 1/2023, vốn hơn 12.540 tỷ đồng. Điểm đầu tại nút giao xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, kết nối cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng. Điểm cuối tại xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nối với cao tốc Bùng - Vạn Ninh. Đoạn qua Hà Tĩnh dài 13 km, Quảng Bình hơn 42 km.

Dự án do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư. Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải - Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty 484 - Công ty xây lắp 368 - Công ty 479 Hòa Bình; Công ty Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty Lizen thi công.

Hà Vũ

Văn Thanh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/cao-toc-vung-ang-bung-nhieu-cau-vuot-ho-kim-son-but-toc-ve-dich-192250416120223738.htm