Cấp bách đáp ứng nguồn vật liệu cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam

Với 12 dự án thành phần trải dài trên nhiều địa phương của cả nước, dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đang bước vào giai đoạn thi công cao điểm.

Tuy nhiên, việc bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án-yếu tố hàng đầu quyết định đến tiến độ, chất lượng-đang gặp không ít khó khăn, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của địa phương, các bộ, ngành và nỗ lực của đơn vị thi công.

Nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ

Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có chiều dài hơn 720km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố, được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập với 25 gói thầu xây lắp. Sau khi khởi công đồng loạt 14 gói thầu đầu tiên vào ngày 1-1-2023, các gói thầu tiếp theo cũng lần lượt được khởi công và trên toàn tuyến đang nỗ lực triển khai thi công.

Tuy nhiên, nhiều dự án đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn vật liệu, nhất là đất, cát đắp. Là một trong những dự án thành phần có quy mô lớn trên toàn tuyến, tại dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn (Bình Định), theo tính toán, nhu cầu đất, cát đắp nền đường hơn 11 triệu m3, ngoài ra còn cần khoảng 3 triệu m3 cát, đá xây dựng. Để có đủ nguồn vật liệu thi công, nhiều mỏ vật liệu trên địa bàn đã được khảo sát, đánh giá nhưng việc cấp phép và đủ điều kiện khai thác còn nhiều vướng mắc.

Thi công dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Ảnh: THANH XUÂN

Thi công dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Ảnh: THANH XUÂN

Theo ông Nguyễn Tấn Đông, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, đại diện nhà thầu chính thi công dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn: Quy trình, thủ tục để địa phương cấp phép khai thác mỏ vật liệu hiện đang gặp vướng mắc. Bên cạnh đó, địa phương không thực hiện giải phóng mặt bằng tại khu mỏ vật liệu mà giao cho nhà thầu tự thỏa thuận với người dân.

Điều này dẫn đến bất cập là chi phí đền bù theo yêu cầu của người dân cao hơn quy định của Nhà nước; có trường hợp không đồng ý nhận tiền đền bù, giao đất, địa phương cũng không có cơ sở để cưỡng chế.

"Chúng tôi kiến nghị sớm có quy định cụ thể về trình tự hồ sơ, thủ tục cấp phép mỏ vật liệu theo hướng nhà thầu lập hồ sơ đăng ký khai thác các mỏ, địa phương giao mỏ cho nhà thầu khai thác phục vụ dự án và nộp thuế phí theo quy định. Bên cạnh đó, bổ sung phạm vi giải phóng mặt bằng các mỏ vật liệu và bãi thải vào dự án", ông Nguyễn Tấn Đông đề xuất.

Cũng là dự án cao tốc có nhu cầu bức thiết về vật liệu xây dựng, dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và đoạn Hậu Giang-Cà Mau cần khoảng 9,1 triệu m3 cát đắp nền đường trong năm 2023 trên tổng số 18,07 triệu m3 của toàn bộ dự án. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị các địa phương bố trí vật liệu cho hai dự án, trong đó, tỉnh An Giang khoảng 7 triệu m3; tỉnh Đồng Tháp khoảng 7 triệu m3; tỉnh Vĩnh Long khoảng 5 triệu m3 cát.

Đến nay, các địa phương mới có kế hoạch cung cấp khoảng 3 triệu m3 và dự kiến tiếp tục bố trí khoảng 5,1 triệu m3 cát. Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tại hai dự án thành phần này, các nhà thầu đã huy động đủ máy móc, thiết bị, tiến hành đào bóc hữu cơ gần như toàn tuyến nhưng chưa có nguồn vật liệu cát san lấp để đắp nền. Việc thiếu nguồn cát ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án.

Địa phương cần đồng hành gỡ khó về nguồn vật liệu

Trong giai đoạn tới, ngoài hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và đoạn Hậu Giang-Cà Mau thuộc cao tốc Bắc-Nam, trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ triển khai một số dự án cao tốc khác với tổng nhu cầu cát đắp nền đường khoảng 35,6 triệu m3 như cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh; cao tốc Cao Lãnh-An Hữu.

Điều này càng gây sức ép lên việc bảo đảm cung cấp vật liệu. Trong khi các dự án cao tốc khác chưa triển khai hoặc thực hiện sau khoảng 6 tháng đến 1 năm, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) đề nghị, trước mắt phân bổ nguồn cát cho dự án Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau trong năm 2023 từ tỉnh An Giang là 3,3 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp là 3,3 triệu m3, tỉnh Vĩnh Long là 2,5 triệu m3 để bảo đảm tiến độ thi công.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, dự kiến sẽ triển khai thực hiện trong năm 2023.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang chủ động chỉ đạo triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến sẽ có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023. Trước mắt, nguồn vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc chủ yếu vẫn là cát sông. Nếu có thể sử dụng cát biển để bổ sung sẽ hỗ trợ khối lượng lớn vật liệu đáp ứng cho công tác thi công.

Với 10 dự án thành phần còn lại của cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 qua địa phận nhiều địa phương từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa, Bộ GTVT đã yêu cầu các ban quản lý dự án khẩn trương làm việc với các cấp chính quyền của địa phương để thực hiện thủ tục khai thác mỏ; thỏa thuận phương án, giá đền bù giải phóng mặt bằng với chủ đất khu vực mỏ để khai thác. Đến đầu tháng 5-2023, các địa phương mới chấp thuận được hai mỏ đất giao cho nhà thầu khai thác tại tỉnh Bình Định (thuộc dự án Hoài Nhơn-Quy Nhơn) và tỉnh Khánh Hòa (thuộc dự án Vân Phong-Nha Trang).

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 194/CĐ-TTg yêu cầu các địa phương chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm cùng các chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với những chủ sở hữu về giá đền bù, hỗ trợ, thuê đất, bồi thường cây cối, hoa màu...

Áp dụng đối với các mỏ mới nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án cao tốc, bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định. Những chủ đầu tư và nhà thầu cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai thực hiện. Để thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị các nhà thầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi cơ quan quản lý của địa phương, hoàn tất các thủ tục khai thác. Qua đó giúp tháo gỡ nút thắt, bảo đảm nguồn vật liệu đủ chất lượng, trữ lượng phục vụ thi công.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cap-bach-dap-ung-nguon-vat-lieu-cho-du-an-duong-cao-toc-bac-nam-728795