Cấp bách gỡ vướng vật liệu xây dựng

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề cập tình trạng vật liệu xây dựng khan hiếm và tăng giá rất cao. Đơn cử ở Đà Nẵng, giá cát xây dựng lên tới 700.000 đồng/m³, khiến nhiều công trình, từ nhà dân, dự án của doanh nghiệp đến dự án đầu tư công, rơi vào cảnh 'đứng bánh'. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, nếu không tháo gỡ kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của ngành xây dựng và kết cấu hạ tầng.

Khủng hoảng vật liệu xây dựng không chỉ diễn ra ở miền Trung mà đã lan rộng trên cả nước. Theo khảo sát quý II/2025 của Cục Thống kê, 57,2% doanh nghiệp xây dựng cho rằng “giá nguyên vật liệu tăng cao” là yếu tố cản trở lớn nhất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hơn 50% doanh nghiệp lo ngại xu hướng tăng giá này sẽ tiếp diễn trong quý III. Đáng lo ngại, nhóm vật liệu cơ bản như đá, cát, sỏi, đất sét đã tăng trên 10% trong quý II do nhiều cơ sở khai thác bị tạm ngừng, nguồn cung khan hiếm.

Không chỉ thiếu hụt, thị trường vật liệu xây dựng còn nguy cơ méo mó sau các cuộc đấu giá bất thường. Gần đây, ba mỏ cát tại Quảng Nam (cũ) được đấu giá với mức cao gấp hàng chục, hàng trăm lần giá khởi điểm. Có mỏ từ 7,59 tỷ lên đến 491,7 tỷ đồng, mỏ khác từ 3,46 tỷ lên gần 320 tỷ đồng. Những con số khó tin đặt ra câu hỏi lớn về năng lực thật sự của nhà đầu tư, cũng như nguy cơ “ôm mỏ”, bỏ hoang hoặc đẩy giá thị trường tăng vọt để thu hồi vốn.

Vật liệu xây dựng thiếu hụt, giá tăng cao đang đẩy các nhà thầu vào thế lưỡng nan. Chấp nhận mua với giá cao thì đội vốn; nếu không, dự án chậm tiến độ, chịu phạt hợp đồng, thậm chí bị thu hồi.

Thời gian qua, Chính phủ liên tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng. Gần đây nhất là Công điện 85/CĐ-TTg ngày 10/6/2025 yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tăng cường các giải pháp quản lý, bình ổn giá. Chính phủ cũng đã cho phép dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tiếp tục được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 60/NQ-CP (2021), đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết 133/NQ-CP. Ngoài ra, một số mỏ đá tại Đồng Nai, dù chưa hoàn tất thủ tục thuê đất nhưng đã đền bù, giải phóng mặt bằng, vẫn được cho phép khai thác tạm thời để phục vụ các dự án giao thông cấp quốc gia.

Dẫu vậy, đây vẫn là những giải pháp tình thế. Đầu tư dồn dập vào các dự án hạ tầng lớn là nguyên nhân chủ đạo gây áp lực cung – cầu cát, đá… trong ngắn hạn. Song, căn nguyên của khủng hoảng nằm ở chỗ: bài toán vật liệu xây dựng chưa được tính đến một cách bài bản ngay từ khi lập dự án. Sự thiếu chủ động trong quy hoạch mỏ; chậm trễ, ách tắc trong cấp phép khai thác, quy trình phức tạp giữa các cơ quan trung ương và địa phương... khiến vật liệu xây dựng - vốn là yếu tố đầu vào thiết yếu, trở thành “nút thắt” của mọi công trình.

Bài toán vật liệu xây dựng không thể tiếp tục giải bằng cách “giật gấu vá vai” hay “chạy theo từng công trình”. Một chiến lược phát triển hạ tầng bền vững đòi hỏi sự chủ động từ khâu quy hoạch, chuẩn bị vật liệu. Như nhiều nhà thầu đề xuất, việc xác định rõ nguồn cung vật liệu phải là điều kiện tiên quyết trước khi phê duyệt hoặc khởi công dự án. Đồng thời, phải đẩy nhanh tiến độ cấp phép mỏ và minh bạch hóa đấu giá. Về dài hạn, Việt Nam cần tính đến giải pháp thay thế: phát triển vật liệu mới, sử dụng cát nghiền từ đá, tận dụng chất thải xây dựng như nhiều nước tiên tiến đang thực hiện. Cùng với đó, cần cơ chế điều phối vùng, điều tiết cung - cầu vật liệu giữa các địa phương để tránh tình trạng “nơi thiếu, nơi thừa”.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc đầu tư hạ tầng: cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao, cảng biển, sân bay, đô thị mới... Nhưng nếu nút thắt vật liệu xây dựng không được tháo gỡ một cách căn cơ, đồng bộ, thì không chỉ các công trình bị chậm trễ mà cả quá trình phát triển của đất nước cũng sẽ bị níu lại.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cap-bach-go-vuong-vat-lieu-xay-dung-10379814.html