Cấp bách nâng cấp đường ngang để đảm bảo an toàn chạy tàu
Không ít vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra tại các đường ngang cắt qua đường sắt. Mặc dù các địa phương cảnh báo, tuyên truyền sâu rộng và tai nạn vẫn gia tăng, nhưng nhiều người dân vẫn phớt lờ nguy hiểm. Thực tế này đặt ra vấn đề ngành Đường sắt phải cấp bách nâng cấp hệ thống đường ngang nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu.
Tai nạn luôn rình rập tại các đường ngang
Chia sẻ với phóng viên, anh Lê Công Thức, lái tàu Thống Nhất Đội lái máy 10, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết, sau mỗi chuyến tàu Bắc Nam, chỉ khi tàu về đến ga cuối, tổ lái và đoàn tiếp viên mới thở phào nhẹ nhõm, vì mỗi hành trình lái tàu trong điều kiện đường ngang, lối đi tự mở nhan nhản khắp các địa phương có đường sắt đi qua, tai nạn luôn rình rập và không biết trước sự cố có thể xảy lúc nào...
Mặc dù các nhà ga dọc tuyến đường sắt Bắc Nam, ngành Đường sắt và các địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí rào đóng, xóa bỏ các lối đi tự mở nguy hiểm, nhưng không được bao lâu, các lối mở tự phát lại mọc lên chỉ để đáp ứng như cầu tiện đâu đi đó của người dân.
Từ thực tế trên, có thể thấy, nguyên nhân của các vụ tai nạn đường sắt và sự cố chủ yếu do ý thức người tham gia giao thông chưa cao. Nhiều vị trí đường ngang cảnh báo có cần chắn tự động, khi chuông đã kêu, đèn đỏ đã nháy sáng báo hiệu có tàu đến, nhưng nhiều lái xe vẫn cố điều khiển xe vượt qua đường sắt, dẫn đến tai nạn va đâm, chệch đường ray đáng tiếc. Hay tại các vị trí lối đi tự mở, người dân thiếu ý thức vẫn đi, đứng, ngồi sát đường sắt... đến khi lái tàu phát hiện thì đã muộn.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thống kê từ đầu năm đến nay đã xảy ra 68 vụ tai nạn đường sắt, trong đó 31 vụ xảy ra tại lối đi tự mở (chiếm tỷ lệ 46%), 27 vụ xảy ra dọc đường sắt (40%), 10 vụ tại đường ngang cảnh báo tự động (15%).
Theo ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 358/TTg ban hành Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, đề ra lộ trình cụ thể với nhiều giải pháp về hạ tầng như làm hàng rào, đường gom, cầu vượt, hầm chui, mở đường ngang...; đồng thời, nêu rõ nguồn vốn Trung ương, địa phương triển khai để đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở.
Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc các địa phương chưa thực hiện hoặc chậm thực hiện việc lập kế hoạch kiến nghị các cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí vốn triển khai Quyết định 358/TTg, với tổng kinh phí dự kiến hơn 7.185 tỷ đồng.
Nâng cấp 452 đường ngang biển báo
Xác định đường ngang là "mắt xích" quan trọng hàng đầu trong đảm bảo an toàn chạy tàu, VNR đang tập trung triển khai nhiều dự án cải tạo, nâng cấp đường ngang. Đến nay, VNR đã hoàn thành nâng cấp 452 đường ngang chỉ có biển báo thành đường ngang có cần chắn tự động và đường ngang có người gác. Tất cả các đường ngang sau khi được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo độ êm thuận, thanh thoát, cảnh báo và cung cấp đầy đủ các tín hiệu báo hiệu cho người và phương tiện tham gia giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, trên mạng lưới đường sắt quốc gia hiện vẫn có hơn 5.000 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó, có 1.510 đường ngang, chiếm tỉ lệ 30% tổng số giao cắt, gồm 660 đường ngang có gác; 9 đường ngang cảnh báo tự động; 704 đường ngang cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động; 137 đường ngang biển báo... Thực tế này cho thấy việc đảm bảo an toàn tàu chạy vẫn còn nhiều gian nan.
Trong năm 2023, VNR dự kiến tiếp tục đầu tư kinh phí trung hạn sửa chữa, bổ sung tín hiệu tại 200 đường ngang có gác cảnh báo tàu đến. VNR cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kéo dài thời gian hoàn thành nâng cấp, lắp đặt bổ sung tín hiệu cảnh báo tự động có người gác chắn đón tàu tại 566 đường ngang khác đến hết năm 2025.
Khi hoàn thành, tại các vị trí giao cắt đường sắt giữa ga và đường ngang sẽ có cảm biến tự động, khi tàu chạy qua các cảm biến này, tín hiệu từ cảm biến sẽ thông qua đường cáp dọc đường sắt truyền về tủ điều khiển đặt tại đường ngang. Thiết bị tại tủ điều khiển sẽ tự động bật chuông trong nhà gác để báo cho nhân viên gác chắn biết 120 giây nữa có tàu đến, thực hiện tác nghiệp theo quy trình, phòng ngừa trường hợp quên thao tác hoặc thao tác chậm. Các thiết bị tại tủ điều khiển cũng tự động bật chuông kêu, đèn đỏ cảnh báo ở đường ngang để báo cho người tham gia giao thông đường bộ biết sắp có tàu đến và dừng lại trước đường ngang, không đi vào khu vực nguy hiểm...
Trên mạng lưới đường sắt quốc gia hiện vẫn có hơn 5.000 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó, có 1.510 đường ngang, chiếm tỉ lệ 30% tổng số giao cắt, gồm 660 đường ngang có gác; 9 đường ngang cảnh báo tự động; 704 đường ngang cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động; 137 đường ngang biển báo...
Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, quan trọng hơn cả vẫn là mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông qua những điểm giao cắt với đường sắt. Khi nào người dân vẫn còn chưa chủ động trong việc phòng tránh tai nạn giao thông, cố tình tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật như: Tự mở lối đi dân sinh; lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt để xây dựng công trình, tụ tập buôn bán, đổ rác thải bừa bãi… thì ẩn họa tai nạn giao thông vẫn sẽ thường trực.