Cấp cứu bệnh nhi 19 tháng tuổi nuốt phải đồng tiền xu
Trong lúc chơi, vô tình bệnh nhi 19 tháng tuổi nuốt phải 1 đồng tiền xu vào bụng.
Tiến hành nội soi gắp đồng xu cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC
Bệnh nhi N.M.A. (19 tháng tuổi), được mẹ đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) do trước đó vô tình nuốt phải đồng tiền xu.
Sau khi tiến hành thăm khám, dựa trên kết quả chụp X-quang ổ bụng, các bác sĩ đã hội chẩn đánh giá dị vật còn đang ở trong dạ dày của bệnh nhi. Rất nhanh chóng, bệnh nhi được chỉ định gây mê để nội soi thực quản dạ dày tá tràng cấp cứu để gắp dị vật.
Theo các bác sĩ, đây là một ca khá nguy hiểm vì kích thước đồng xu lớn. Bệnh nhi lại nhỏ tuổi nên đường thực quản và ngã ba cổ họng rất hẹp. Vì vậy, đòi hỏi các bác sĩ phải có sự khéo léo và kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, việc gây mê cho bệnh nhi nhỏ tuổi đòi hỏi sự tính toán kĩ lưỡng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhi.
Bằng sự phối hợp giữa các bác sĩ, đồng xu có kích thước 2,7cm đã được gắp bỏ thành công ra khỏi dạ dày của bệnh nhi.
Hàng năm, Khoa Nội tiêu hóa của bệnh viện tiếp nhận và can thiệp cho nhiều trường hợp trẻ nhập viện do có dị vật đường tiêu hóa đặc biệt là dị vật thực quản, dạ dày… Đa số dị vật đó là các đồ vật xung quanh trẻ khi chơi, khi ăn uống và vô tình nuốt phải như đồng xu, pin cúc áo, nam châm, kim, tăm, xương, nhân...
Phần lớn, dị vật có thể được đào thải tự nhiên theo phân, không gây vấn đề gì. Tuy nhiên, trong số đó vẫn có khoảng 10% dị vật bị mắc kẹt và gây ra tình trạng nôn, nuốt đau, nuốt khó, áp xe thực quản, tắc ruột, thủng ruột hoặc giải phóng các chất độc hại gây nguy hiểm tới tính mạng.
Như trường hợp bệnh nhi trên, nhờ phát hiện sớm và can thiệp kịp thời dị vật được lấy ra ngoài an toàn. Mặc dù dị vật là đồng xu tương đối to, khó di chuyển xuống ruột nhưng nếu để lâu ngày sẽ gây các rối loạn cho hệ tiêu hóa như đầy chướng, đau bụng, nôn.
Qua đây các bác sĩ khuyến cáo: Gia đình có con nhỏ cần lưu ý đến các vật nhỏ như: đồng xu, cục pin, kim, tăm, cúc áo... cần phải để xa tầm tay của trẻ. Cần kiểm tra kĩ lưỡng đồ ăn của trẻ như cá, gà…để đảm bảo không còn xương trong đồ ăn của trẻ.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ nuốt phải dị vật đường tiêu hóa, nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và có hướng xử trí phù hợp.