Cấp cứu ngoại viện là tối quan trọng với người bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ

Người bệnh bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ nếu được sơ cấp cứu nhanh chóng, đúng cách sẽ giảm tối đa nguy cơ biến chứng và tử vong.

Đây là hai bệnh lý nguy hiểm, diễn tiến nhanh. Nếu không nhận biết đột quỵ và xử lý kịp thời, não bệnh nhân thiếu oxy dẫn đến giảm ý thức, hôn mê, tử vong. Còn tình trạng nhồi máu cơ tim có thể gây ngừng tuần hoàn, ngừng thở, đột tử.

Các dấu hiệu thường gặp ở người bị đột quỵ là đau đầu dữ dội, mất thăng bằng đi không vững, méo một bên mặt, nói khó, nói đớ, tê yếu một bên thân, không thể giơ hai tay lên cùng lúc,…

Người bệnh bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ nếu được sơ cấp cứu nhanh chóng, đúng cách sẽ giảm tối đa nguy cơ biến chứng và tử vong.

Người bệnh bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ nếu được sơ cấp cứu nhanh chóng, đúng cách sẽ giảm tối đa nguy cơ biến chứng và tử vong.

Khi một người không may bị đột quỵ, chỉ cần chậm một giây thì có đến 32.000 tế bào não chết, sau 59 giây con số tế bào não tổn thương lên tới có 1,9 triệu tế bào. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo 3-6 giờ đầu tiên là thời gian vàng cấp cứu người bệnh đột quỵ, giúp hạn chế tàn phế, hôn mê hay thậm chí tử vong.

Với người bị nhồi máu cơ tim, triệu chứng điển hình là đau ngực, tức ngực. Tuy nhiên, rất nhiều người bệnh nhân sẽ chỉ có các triệu chứng mơ hồ như khó thở, mệt mỏi, đau cứng vùng hàm, nhức mỏi vùng vai, đau lưng, bụng, vùng thượng vị, vùng bụng…

Thậm chí một số trường hợp nhồi máu cơ tim thầm lặng không có triệu chứng, cần có các thăm dò chuyên sâu để xử lý kịp thời. Nếu lưu lượng máu không được phục hồi nhanh chóng, cơn nhối máu cơ tim cấp có thể gây tổn thương cơ tim vĩnh viễn và khiến người bệnh tử vong.

Khi phát hiện người bệnh có dấu hiệu đột quỵ, hay nhồi máu cơ tim, người thân cần nhanh chóng liên hệ tổng đài cấp cứu 115, hoặc bệnh viện để được đội chuyên trách hỗ trợ đến tận nhà đưa người bệnh đi cấp cứu.

Nên liên hệ cơ sở tế có khả năng điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ, tránh đến những nơi chưa đủ điều kiện xử lý vì sẽ gây mất thời gian cấp cứu.

Trong thời gian chờ đội ngũ y tế, với người đột quỵ nên nới rộng quần áo, phụ kiện và đặt nằm người bệnh nằm nghiêng 30-45 độ để nghỉ ngơi.

Sau đó có thể hướng dẫn người bệnh hít thở chậm và đều, hoặc quấn khăn sạch vào ngón tay để lấy đờm, dãi trong cổ nếu bệnh nhân có dấu hiệu thở khò khè tăng tiết đờm dãi.

Tuyệt đối không tự ý cho người bệnh ăn uống vì dễ gây sặc. Nếu người bệnh ngừng thở và mất ý thức, có thể tim đã ngừng đập, nên tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực.

Trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim đã bất tỉnh, cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực bằng cách quỳ gối bên trái, đặt hai tay chồng lên trước ngực giữa xương ức, sau đó dùng lực đủ mạnh, ép xuống khoảng 2/3 độ sâu của lồng ngực (khoảng 3 - 5cm) rồi nới lỏng tay.

Sau thực hiện mỗi 15 lần ép tim cần thổi ngạt 2 lần. Lặp lại động tác này liên tục 100 - 120 lần/phút cho đến khi xe cấp cứu tới. Cấp cứu ngưng tim với động tác ép tim, thổi ngạt đúng cách là quan trọng nhất để cứu sống người bệnh trong khi chờ khi nhân viên y tế đến hỗ trợ.

ThS.Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay, với người bị nhồi máu cơ tim, cứ mỗi phút chậm trễ thì người bệnh mất đi 10% cơ hội được cứu sống.

Cấp cứu đúng cách và kịp thời giúp bảo tồn các chức năng sống của người bệnh cho đến khi tiếp cận với dịch vụ y tế chuyên nghiệp.

Bệnh nhân sẽ sống sót hoặc ít để lại di chứng nếu sơ cứu kịp thời và đúng cách. Vì vậy thời gian là tối quan trọng trong sơ cấp cứu, là mạng sống của người bệnh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ nhưng chỉ 33% trường hợp đến bệnh viện trong 6 giờ đầu, trong đó mới có 14% người bệnh vào cấp cứu được điều trị tái tưới máu hoặc sử dụng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, sử dụng các dụng cụ cấy nối đường động mạch.

Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện này trong tháng 7/2024 trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 100 - 110 ca cấp cứu, trong đó nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

BS.CKI Hồng Văn In, Phó trưởng Khoa Cấp cứu của Bệnh viện cho biết, thực tế không ít trường hợp được đưa đến bệnh viện muộn, bỏ qua giai đoạn “giờ vàng”, một phần do yếu tố địa lý (ở xa các cơ sở y tế), hoặc thiếu kiến thức sơ cấp cứu cơ bản.

Theo báo cáo tổng hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050 của Bộ Y tế, một số tỉnh có khoảng cách đến bệnh viện tuyến trung ương gần nhất mất 4-5 tiếng bằng ô tô, có những tỉnh phải mất 10-11 tiếng. Vì vậy việc cấp cứu tại chỗ là vô cùng cần thiết, gia tăng cơ hội sống cho người bệnh.

Tại TP.HCM, mạng lưới cấp cứu 115 có 41 Trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại các bệnh viện trong khu vực TP.HCM và TP.Thủ Đức, trang bị xe cấp cứu hiện đại với đầy đủ các trang thiết bị máy móc và nhân sự chuyên môn cao, sẵn sàng thực hiện sơ cấp cứu hiện trường, tại nhà bệnh nhân với chất lượng chuyên môn tương đương tại bệnh viện đối với nhiều tình huống;

Đặc biệt là phương án cấp cứu đột quỵ tại nhà cho người bệnh khó di chuyển hoặc khoảng cách xa với các bệnh viện nhằm tiết kiệm tối đa thời gian vàng của tình trạng nguy hiểm này.

Việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện giúp người bệnh có khả năng tiếp cận được chăm sóc y tế nhanh chóng, giúp giảm mức độ thương tật và nguy cơ tử vong cho người bệnh, nhất là đối với trường hợp bệnh lý nguy hiểm, diễn tiến nhanh. Từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính.

Theo bác sỹ Hồng Văn In, để thực hiện hiệu quả, cần phát triển song song kỹ năng sơ cấp cứu của người dân và hệ thống cấp cứu ngoại viện của các cơ sở y tế.

Cấp cứu ngoại viện hiệu quả phải đảm bảo hai yếu tố kịp thời và đúng cách. Người bệnh được vận chuyển bằng xe cứu thương sẽ được thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng và điều trị cấp cứu trên xe, cùng lúc đó thông tin đã chuyển về bệnh viện và có sự chuẩn bị trước, nâng cao cơ hội sống.

Nhồi máu cơ tim diễn tiến nhanh nên vấn đề cấp cứu quyết định tính sống còn của bệnh nhân, giúp duy trì lượng tuần hoàn nhất định để đủ tưới máu cho các cơ quan như não để không bị tổn thương quá nhiều, dẫn đến di chứng nặng nề.

Nhồi máu cơ tim và đột quỵ có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Việc nắm bắt các kỹ thuật cấp cứu cơ bản và liên hệ cơ sở y tế trong thời gian sớm sẽ giúp nâng cao cơ hội sống cho bệnh nhân.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cap-cuu-ngoai-vien-la-toi-quan-trong-voi-nguoi-bi-nhoi-mau-co-tim-dot-quy-d221946.html