Cấp cứu nhiều ca tai nạn giao thông do rượu bia, dọn nhà bị ngã chấn thương
Vào những ngày cận Tết, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận một số lượng lớn ca tai nạn, trong đó tai nạn giao thông (TNGT) do sử dụng rượu bia chiếm ưu thế, tiếp theo là các tai nạn sinh hoạt và những sự cố từ pháo nổ tự chế.
Từ ngày 20-24/1, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận 245 ca cấp cứu do TNGT, 169 trường hợp cấp cứu do tai nạn sinh hoạt.
Vào nhập viện trong tình trạng đa chấn thương nghiêm trọng, bệnh nhân H.T.H (39 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán máu tụ dưới màng cứng và gãy xương. Theo người nhà cho biết, nguyên nhân dẫn đến anh H bị tai nạn là do uống rượu. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của nam bệnh nhân cao. Anh H được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng lơ mơ, xây xát chảy máu nhiều chỗ. Hiện, anh đã được điều trị ổn định và tiếp tục theo dõi.
Cũng uống rượu bia sau đó điều khiển xe máy, nam thanh niên N.T (19 tuổi, Thái Bình) tự ngã và bị chấn thương nặng.
Nam thanh niên được đưa đến cấp cứu trong tình trạng hàm mặt sưng nề, bầm tím, chảy máu mũi không cầm được, cùng với các chấn thương nặng: đụng dập não hai bên, gãy cung tiếp gò má trái và đụng dập phổi hai bên.
Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị với kháng sinh, dịch truyền, và chống phù não. Đồng thời, bệnh nhân đang được hồi sức tích cực và điều trị bảo tồn tại Khoa cấp cứu.
Những ngày giáp Tết, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận nhiều ca TNGT chủ yếu xảy ra do thiếu kiểm soát sau các bữa tiệc liên hoan. Ngoài ra, các hoạt động dọn dẹp và sửa chữa nhà cửa cuối năm cũng dẫn đến không ít chấn thương đáng tiếc. Như trường hợp của bà T.T.N (63 tuổi, Thái Bình) bắc thang trèo lên cây để hái mâm ngũ quả bày bàn thờ khiến bà ngã từ trên cáo xuống và bị xẹp đốt sống L1. Bà được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức cấp cứu và đang được điều trị tại Khoa Phẫu thuật Cột sống
Đáng chú ý, trẻ em là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất trong các vụ tai nạn pháo nổ, để lại những hậu quả đau lòng khi Tết đến gần.
Bệnh nhân vừa được đưa vào cấp cứu là nam thiếu niên 16 tuổi ở Hà Nam. Nam sinh lên mạng học chế pháo, khi đang sử dụng thì pháo tự chế phát nổ khiến nam sinh bị chấn thương nặng, mất các ngón tay và nhiều vết thương khác.
Mặc dù các bác sĩ đã cảnh báo về những chấn thương nghiêm trọng do pháo tự chế gây ra, nhưng tình trạng mua pháo tự chế trên mạng về chơi, hoặc học theo mạng xã hội, mua thuốc pháo về tự chế rồi phát nổ, gây tai nạn thương tích nghiêm trọng cho trẻ em vẫn liên tiếp xảy ra. Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức trong 3 tháng cuối năm 2024, nơi đây đã tiếp nhận 21 ca tai nạn do pháo nổ, với hơn 50% số nạn nhân là trẻ em. Điều này là lời cảnh báo mạnh mẽ về sự nguy hiểm của pháo tự chế và tác động lâu dài đối với sức khỏe của trẻ em, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trước thực trạng này, các bác sĩ đã đưa ra những khuyến cáo nhằm giúp người dân đón Tết an toàn, trọn vẹn như: Tuyệt đối không lái xe khi đã uống rượu bia, cẩn thận khi làm việc ở độ cao và sử dụng dụng cụ sắc nhọn. Việc leo thang hái quả, dọn dẹp hay sửa chữa nhà cửa cần được thực hiện cẩn trọng với các dụng cụ hỗ trợ an toàn. Đảm bảo không gian đủ sáng, thang chắc chắn và có người hỗ trợ khi cần thiết.
Pháo tự chế luôn tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường. Người dân không tự ý chế tạo hoặc sử dụng pháo nổ trái phép, đặc biệt là pháo tự chế. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức, tuyệt đối không mua bán, sử dụng pháo lậu và cần hướng dẫn con em tránh xa các hành động nguy hiểm này để bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Cha mẹ cần tuyệt đối cấm trẻ em tiếp cận hoặc sử dụng pháo, đồng thời giáo dục trẻ nhận thức được mối nguy hiểm này.