Cấp cứu thành công bệnh nhân sốc phản vệ độ 3 do bị ong bắp cày đốt

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, vừa qua, bác sỹ Vũ Thị Ngọc Ninh là bác sỹ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hiện đang làm việc luân phiên tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên đã cấp cứu thành công bệnh nhân sốc phản vệ độ 3 do bị ong bắp cày đốt.

Theo đó, ngày 16/5, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên đã tiếp nhận 1 bệnh nhân nữ (19 tuổi) trong tình trạng sốc phản vệ sau khi bị ong bắp cày đốt. Bệnh nhân được chẩn đoán nguy kịch, tím tái, suy hô hấp, khó thở dữ dội, không đo được huyết áp, ban dị ứng toàn thân.

 Bác sỹ Vũ Thị Ngọc Ninh thăm khám cho bệnh nhân bị ong đốt.

Bác sỹ Vũ Thị Ngọc Ninh thăm khám cho bệnh nhân bị ong đốt.

Bác sỹ Vũ Thị Ngọc Ninh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã trực tiếp cấp cứu, xử trí ngay Adrenalin tiêm bắp, hỗ trợ hô hấp, truyền dịch và các thuốc chống dị ứng theo phác đồ sốc phản vệ của Bộ Y tế. Sau đó, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch.

Thạc sỹ, bác sỹ nội trú Vũ Thị Ngọc Ninh là bác sỹ chuyên ngành Hồi sức cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Bác sỹ khám, chữa bệnh trực tiếp và hỗ trợ chuyên môn cho cán bộ y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên trong vòng 2 tháng, từ ngày 13/5/2025.

 Tình trạng của bệnh nhân đã ổn định.

Tình trạng của bệnh nhân đã ổn định.

Hiện nay, tình trạng bệnh nhân ổn định, không còn mẩn ngứa, khó thở, tụt huyết áp; lâm sàng ổn định, cải thiện; dự kiến sẽ được ra viện trong 1 - 2 ngày tới.

Theo lời khuyên của chuyên gia y tế, khi bị ong vò vẽ, ong bắp cày đốt hay các loài côn trùng nguy hiểm cắn, nếu không được cấp cứu kịp thời, một số trường hợp nạn nhân có nguy cơ tử vong ngay trong 30 phút đầu. Nguy cơ tử vong không chỉ tùy thuộc vào lượng nọc độc của chúng mà còn phụ thuộc vào cơ địa, sự phản ứng của cơ thể mỗi người. Điều này có nghĩa, chỉ 1 con ong, 1 con côn trùng độc cũng có thể làm tử vong 1 người. Do đó, người dân tuyệt đối không chủ quan khi bị ong đốt hay côn trùng, rắn cắn…

Cách xử trí khi bị ong đốt: Đưa nạn nhân ra khỏi khu vực bị ong đốt; đặt nạn nhân nằm yên, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền trong cơ thể. Ong thường để lại kim và túi chứa nọc độc tại vị trí đốt, nếu vòi chích nổi lên bề mặt da, dùng nhíp gắp nhẹ để lấy kim ra, tránh dùng tay khều hoặc chà xát, đè lên vết chích bởi mũi kim dính vào da có kèm theo túi chứa nọc độc sẽ tiếp tục bơm chất độc vào cơ thể. Rửa vết chích bằng xà phòng hoặc nước sạch, nước ấm, dung dịch sát trùng. Đắp khăn lạnh hay túi chườm đá lên vùng bị đốt để giảm sưng, giảm đau… Cho nạn nhân uống nhiều nước để thải bớt độc tố.

Khi bị ong đốt nên sơ cứu nhanh chóng và theo dõi biểu hiện của nạn nhân. Nếu có các dấu hiệu nặng (khó thở, nhịp tim nhanh, nổi mề đay…), cần đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Đặc biệt, nạn nhân càng bị nhiều vết ong đốt càng cần đưa đến bệnh viện sớm nhất có thể. Tuyệt đối không dùng các phương pháp dân gian (như dùng vôi, ruột ong…) hay dùng các loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ để xử trí nạn nhân.

Phương Thảo

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/cap-cuu-thanh-cong-benh-nhan-soc-phan-ve-do-3-do-bi-ong-bap-cay-dot-post402061.html