Cặp đôi thạc sĩ khởi nghiệp với nghề 'mát xa' hoa dừa lấy mật

A (CLO) Từ bỏ công việc ổn định, hai vợ chồng anh Ngãi, ThS ngành Công nghệ thực phẩm và chị Chal Thi, thạc sỹ ngành Cơ điện đã trở về quê hương Trà Vinh để khởi nghiệp bằng cách thu mật từ hoa dừa.

Tuổi thơ, vốn gắn bó với ruộng vườn, nên lúc tốt nghiệp Cao học, anh Phạm Đình Ngãi (Đồng Tháp) và chị Thạch Thị Chal Ni (quê Trà Vinh) đã có ý định sau năm 40 tuổi rồi về quê “khởi nghiệp” về nông nghiệp.

 Hai vợ chồng anh Phạm Đình Ngãi và chị Chal Thi khởi nghiệp với nghề khai thác mật hoa dừa, nghề truyền thống đã bị mai một của người Khmer.

Hai vợ chồng anh Phạm Đình Ngãi và chị Chal Thi khởi nghiệp với nghề khai thác mật hoa dừa, nghề truyền thống đã bị mai một của người Khmer.

Năm 2018, chứng kiến cảnh giá dừa rớt giá trong khi tỉnh Trà Vinh có sản lượng dừa nhiều, nhà máy ít trong khi anh Ngãi và chị Chal Ni phát hiện cây dừa có thể thu được mật và giúp tăng giá trị kinh tế tế cho các hộ nông dân. Từ đó, hai anh chị đã quyết định về quê sớm.

“Tính ra lúc đầu cũng liều, chắc là thần dừa chọn 2 vợ chồng tôi rồi 2 đứa rủ nhau về quê để lập nghiệp. Chứ đối với một ông giáo là giảng viên bộ môn Điện Công Nghiệp - Cao Đẳng Cao Thắng lúc ấy thì đâu có biết là cây dừa có thể thu được mật đâu”, anh Ngãi nói.

“Sau khi tìm hiểu, chúng tôi phát hiện ra việc lấy mật, làm đường từ hoa dừa đã có từ lâu ở nhiều nước quanh khu vực và ngay tại Trà Vinh ngày xưa người Khmer cũng đã có. Nhưng sau này, do ngành chế biến đường mía phát triển mạnh nên người ta bỏ luôn nghề làm mật từ hoa dừa. Ngay sau đó, vợ chồng tôi quyết định bắt đầu khởi nghiệp tại quê nhà từ cây dừa”, chị Chal Thi chia sẻ.

Nói thêm về lý do chọn làm mật hoa dừa, anh Ngãi nói: đây là vùng nguyên liệu ổn định ở hiện tại và tương lai. Hơn nữa, mật hoa dừa có chỉ số đường huyết thấp, ít calo thuận lợi cho nhiều chế độ dinh dưỡng khác nhau. Mật hoa dừa giàu khoáng, điện giải, kali, magie… Rõ ràng mật hoa dừa có tiềm năng phù hợp với xu hướng thế giới và tận dụng được tối đa tính bản địa tại vùng đất Trà Vinh.

Sau nhiều tháng thử nghiệm và học hỏi, tới tháng 9/2019, những sản phẩm mật hoa dừa đầu tiên mang thương hiệu Sokfarm đã được giới thiệu tới tay người tiêu dùng trong nước. Theo chị Chal Thi, Sok trong tiếng Khmer có nghĩa là hạnh phúc, Sokfarm vừa là tên công ty nhưng cũng mang ý nghĩa là nông nghiệp hạnh phúc.

 Các sản phẩm Sokfarm được trưng bày tại triển lãm Mekong Startup 2022.

Các sản phẩm Sokfarm được trưng bày tại triển lãm Mekong Startup 2022.

Sokfarm là một trong những doanh nghiệp sản xuất mật hoa dừa đầu tiên tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ cô đặc chân không tiên tiến, được ra đời với mong muốn hướng đến nông nghiệp hạnh phúc, lấy lợi ích cộng đồng làm tiêu chí phát triển bền vững.

Sokfarm đã có mặt trên 20 tỉnh thành trong nước sau 1 năm ra mắt thị trường, ngoài ra còn được bán online trên sàn thương mại điện tử Amazon.com của Mỹ. Ngoài tạo việc làm cho nhiều công nhân trong nhà máy, Sokfarm còn tạo thêm thu nhập cho người dân nơi đây khi hướng dẫn và thu mua mật hoa dừa từ bà con nông dân quanh vùng.

 Quy trình sản xuất chặt chẽ của mật hoa dừa Sokfarm.

Quy trình sản xuất chặt chẽ của mật hoa dừa Sokfarm.

Hiện tại, Sokfarm đang có hơn 6 sản phẩm từ mật hoa dừa như: nước tương mật hoa dừa, nước uống mật hoa dừa, giấm mật hoa dừa, đường mật hoa dừa… đạt các chứng nhận về hữu cơ quốc tế như USDA, US, JAS, hay ISO22000, FDA; trong đó có 02 sản phẩm đạt OCOP 5 sao là Mật hoa dừa và Đường hoa dừa. Đặc biệt, sản phẩm của Sokfarm đã xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản, Hà Lan và Đức cho thấy sự nỗ lực không ngừng của SOKFARM và các đơn vị hỗ trợ.

Trong 20 ha trồng dừa đang cung cấp nguyên liệu cho SOKFARM chỉ có 2ha của doanh nghiệp, 18 ha còn lại của nông dân. Anh Ngãi cũng làm so sánh thêm để thấy so với việc chỉ trồng dừa thu trái thì thu mật hoa dừa mang lại giá trị gia tăng kinh tế gấp 3 lần.

 Công nhân tại Sokfarm mát xa hoa dừa trước khi thu mật.

Công nhân tại Sokfarm mát xa hoa dừa trước khi thu mật.

Nghề thu dừa truyền thống không yêu cầu người dân chăm sóc hàng ngày mà thương lái sẽ tự thu mua, trong khi đó với kỹ thuật thu mật hoa dừa thì đòi hỏi người nông dân phải làm việc đều đặn hàng ngày.

“Bằng cách đó, Sokfarm đã khuyến khích người dân tích cực tham gia lao động, điều này cũng giúp họ giảm nhậu hơn, cuộc sống được cải thiện về cả thu nhập và tinh thần. Đó là một trong những tác động về mặt xã hội mà Sokfarm đã cùng đồng hành với người dân tại vùng đất này. Mỗi tuần, chúng tôi đều có buổi họp với người nông dân nhằm phản ánh về chất lượng mật hoa dừa và tình hình kinh doanh của công ty”, anh Ngãi cho biết.

Trong tương lai, Sokfarm tiếp tục định hướng theo cách liên kết này với mong muốn lan tỏa giá trị với nông dân, đồng thời đây là cách giúp Sokfarm bền vững hơn khi chia sẻ cả về giá trị, rủi ro và hạnh phúc với bà con.

Lê Trang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cap-doi-thac-si-khoi-nghiep-voi-nghe-mat-xa-hoa-dua-lay-mat-post255327.html