Cập nhật 14h ngày 5/5: Láng giềng Mỹ kích hoạt kế hoạch đối phó thảm họa giai đoạn đỉnh dịch Covid-19. Nhiều nước châu Âu nới lỏng các hạn chế

Tính đến 14h ngày 5/5, theo trang thống kê Worldometers, châu Mỹ đã chính thức vượt châu Âu, trở thành khu vực có số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra cao nhất thế giới, với 1.545.705 người mắc.

Mexico bắt đầu triển khai Kế hoạch DN-III-E, được kích hoạt trong trường hợp đối phó khủng hoảng, thảm họa thiên tai và đại dịch. (Nguồn: Latitud Megalopolis)

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến mạnh lên tại châu Mỹ, Mexico đã bắt đầu triển khai Kế hoạch DN-III-E, được kích hoạt trong trường hợp đối phó khủng hoảng, thảm họa thiên tai và đại dịch, huy động sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang ở tất cả các cấp, nhằm đối phó với đại dịch Covid-19.

Theo kế hoạch, lực lượng thuộc hai bộ Quốc phòng và Hải quân Mexico sẽ tiếp quản 32 bệnh viện và 48 cơ sở y tế, tăng cường chiến lược ứng phó với tình huống mới có thể xảy ra và xây dựng bệnh viện dã chiến tại các điểm nóng có tỉ lệ lây nhiễm cao.

Tới nay, Mexico ghi nhận 24.905 ca nhiễm, trong đó có 2.271 ca tử vong. Dự báo đỉnh dịch tại quốc gia này sẽ bắt đầu từ ngày 6/5 và kéo dài trong vòng 3 tuần.

* Ngày 4/5, Hungary bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp dụng trước đó nhằm chống lại sự lây lan của Covid-19.

Sắc lệnh của Chính phủ Hungary cho biết, kể từ ngày 4/5, các doanh nhân từ 6 quốc gia gồm CH Czech, Ba Lan, Hàn Quốc, Đức, Áo và Slovakia được phép nhập cảnh vào nước này với mục đích kinh doanh. Biện pháp này cũng áp dụng cho các công dân Hungary đã từng đi công tác tới các nước nêu trên, nếu họ là nhân viên của công ty trong nước hoặc công ty của các nước trên.

Chính phủ Hungary cũng cho phép tổ chức các sự kiện thể thao không có khán giả. Các buổi thuyết trình đào tạo chuyên nghiệp và nghiệp dư cũng có thể được tổ chức miễn là có các tấm vách ngăn.

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến thời điểm hiện tại, Hungary ghi nhận 3.065 ca mắc Covid-19 và 363 ca tử vong.

* Tại Slovakia, Thủ tướng Igor Matovic thông báo sẽ đẩy nhanh tiến trình nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để phục hồi nền kinh tế.

Thủ tướng Matovic cho biết, các khách sạn, dịch vụ taxi, cửa hàng và quán ăn bên ngoài trung tâm thương mại, địa điểm du lịch ngoài trời, bảo tàng, triển lãm sẽ hoạt động trở lại từ ngày 6/5 với yêu cầu đảm bảo các quy định vệ sinh dịch tễ. Trong khi đó, các sự kiện công cộng và thể thao tập trung đông người, trung tâm thương mại, nhà hát, rạp chiếu phim sẽ được phép hoạt động trở lại từ sau ngày 20/5.

Nền kinh tế Slovakia đã bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Theo dự báo của Ngân hàng trung ương Slovakia, trong năm 2020, nền kinh tế của quốc gia Trung Âu này sẽ giảm từ 5,8-13,5%.

Đến nay, Slovakia có 1.413 ca nhiễm Covid-19, trong đó gần 50% trường hợp đã bình phục và 25 trường hợp tử vong.

* Phần Lan có kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế do dịch Covid-19 từ ngày 1/6, cho phép các nhà hàng và dịch vụ công cộng như thư viện, nhà hát và phòng tập thể thao dần mở cửa trở lại.

Trong thông báo ngày 4/5, Chính phủ Phần Lan cho biết, sẽ nới lỏng lệnh cấm tụ tập nơi công cộng, theo đó chỉ cấm các sự kiện có trên 50 người tham gia thay vì 10 người như trước đây. Các hoạt động đi lại thiết yếu như đi công tác, tới các nước trong khu vực tự do đi lại Schengen ở châu Âu sẽ được cho phép từ ngày 14/5, trong khi các giải đấu thể thao chuyên nghiệp cũng được phép khởi tranh từ ngày 1/6. Trước đó, Phần Lan ấn định thời điểm các trường học mở cửa trở lại là ngày 30/5.

Tính đến nay, Phần Lan phát hiện 5.327 ca mắc Covid-19 và 240 ca tử vong.

* Tại Áo, các trường học đã bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày 4/5 sau 7 tuần đóng cửa do dịch Covid-19. Các giáo viên và học sinh được khuyến cáo đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách với nhau.

Ở một số trường học, để thực hiện giãn cách xã hội, các tiết học không diễn ra trong lớp mà ở phòng thể chất. Nhiều biện pháp phòng dịch được áp dụng như tay vịn cầu thang được dán băng dính để đảm bảo vệ sinh, sàn nhà được dán vạch kẻ để đảm bảo khoảng cách an toàn. Các bảng quy định, hướng dẫn về vệ sinh học đường cũng được dán ở những vị trí dễ thấy trong trường.

Hiện số ca mắc Covid-19 ở Áo là 15.621 người, trong đó, số ca tử vong là 600 người.

* Trong khi đó, Đức cảnh báo về hành động quá vội vàng trong việc mở cửa biên giới ở châu Âu trong bối cảnh số liệu mới nhất cho thấy số ca lây nhiễm mới chưa có dấu hiệu suy giảm rõ rệt.

Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Horst Seehofer cho biết, Berlin đã quyết định kéo dài lệnh kiểm soát biên giới với Áo, Thụy Sỹ, Pháp, Luxemburg và Đan Mạch cho tới ngày 15/5 và sau đó các hạn chế sẽ dẫn được nới lỏng. Các quy định liên quan tới các chuyến bay từ Tây Ban Nha và Italy cũng sẽ được tiếp tục gia hạn.

Bộ trưởng Seehofer nhấn mạnh, chừng nào dịch Covid-19 còn hoành hành, Đức sẽ vẫn phải hạn chế kế hoạch đi lại.

Hiện tại, số ca mắc Covid-19 ở Đức cao thứ 6 trên thế giới, với 169.462 trường hợp, trong đó có 6.993 người tử vong và 135.100 bệnh nhân bình phục.

* Ngày 5/5, giới chức y tế Hàn Quốc xác nhận ngày thứ 6 liên tiếp nước này có số ca mới mắc bệnh Covid-19 ở mức dưới 10 người.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy, tính tới 10h ngày 5/5 (giờ địa phương), tổng số ca nhiễm là 10.804, trong đó bao gồm 3 ca mới được phát hiện khi làm thủ tục nhập cảnh (không phát sinh ca lây nhiễm mới ở trong nước).

Số ca tử vong do Covid-19 ở Hàn Quốc là 254 người, trong đó hơn 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền. Đã có thêm 66 bệnh nhân hoàn toàn bình phục, nâng tổng số người được điều trị khỏi bệnh lên 9.283 người (chiếm 85,9%).

Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm cho 640.237 người, trong đó 96% có kết quả âm tính.

Theo KCDC, lây nhiễm tập thể chiếm trên 80% tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc tính đến thời điểm hiện tại và chưa có ca tử vong ở độ tuổi dưới 30. Số ca tái nhiễm sau khi khỏi bệnh và gỡ bỏ cách ly đã tăng lên trên 300 ca.

Trước tình hình dịch bệnh có xu hướng giảm khi các ca nhiễm mới duy trì liên tục ở mức dưới 20 ca kể từ ngày 18/4, ngày 4/5, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và chuyển sang thực hiện chương trình kiểm dịch trong cuộc sống hằng ngày kể từ ngày 6/5, kêu gọi người dân hợp tác trong chiến dịch mới nhằm đối phó với dịch bệnh Covid-19.

* Ngày 4/5, Trung Quốc xác nhận 1 ca nhiễm mới Covid-19 (người từ nước ngoài nhập cảnh) và không có thêm ca tử vong. Tính đến nay, Trung Quốc có tổng cộng 82.881 ca nhiễm và 4.633 ca tử vong.

* Tại Philippines, trong ngày 4/5 ghi nhận thêm 262 trường hợp mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 9.485, với 623 ca tử vong; số ca hồi phục là 1.315 người; 113.574 người đã được xét nghiệm.

Chính phủ Philippines đặt mục tiêu có 78 phòng xét nghiệm Covid-19 vào cuối tháng 5 để tăng cường năng lực xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm liên quan tới SARS-CoV-2 hàng ngày.

Hiện tại, Philippines chỉ có 20 phòng xét nghiệm được cấp phép trên toàn quốc và Manila đặt mục tiêu đến ngày 30/5 sẽ tự thiết kế, xây dựng hoặc mua thêm được 58 phòng xét nghiệm nữa. Việc trang bị thêm các phòng xét nghiệm nhằm đạt mục tiêu tăng cường năng lực thực hiện 30.000 xét nghiệm mỗi ngày vào cuối tháng 5 mà Bộ Y tế nước này đề ra.

* Tại Indonesia, Bộ trưởng Điều phối Phát triển con người và Các vấn đề văn hóa Muhadjir Effendy cho biết, Chính phủ "rất lạc quan" nhận định, đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc vào tháng 6 tới.

Theo vị Bộ trưởng này, nếu đại dịch Covid-19 đạt đỉnh vào cuối tháng 5 và giảm dần sau đó, dịch bệnh có thể sẽ chấm dứt hoàn toàn vào cuối tháng 6 tới. Tuy nhiên, ông Muhadjir cho rằng có nhiều biến số ảnh hưởng đến tính chính xác của dự báo, như kỷ luật của người dân trong việc thực hiện giãn cách xã hội.

Dịch Covid-19 đã khiến 864 người tử vong trong tổng số 11.587 trường hợp nhiễm bệnh ở Indonesia.

Thế Việt

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-14h-ngay-55-lang-gieng-my-kich-hoat-ke-hoach-doi-pho-tham-hoa-giai-doan-dinh-dich-covid-19-nhieu-nuoc-chau-au-noi-long-cac-han-che-114998.html