Cập nhật 19h ngày 3/6: Bắc Kinh tuyên bố điều tra Covid-19 của AP sai sự thật, Chính phủ Venezuela và thủ lĩnh đối lập bắt tay chống dịch
Phía Trung Quốc nói kết luận điều tra của hãng Thông tấn AP (Mỹ) nói nước này trì hoãn chia sẻ thông tin Covid-19 với WHO là hoàn toàn sai sự thật.
Chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và thủ lĩnh đối lập Juan Guaido đã nhất trí hợp tác chống dịch Covid-19. (Nguồn: BBCNews)
Trong cuộc họp báo hàng ngày tại Bắc Kinh hôm nay (3/6), trả lời giới truyền thông về bài điều tra của Hãng tin AP, trong đó nói rằng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thất vọng vì sự chậm trễ đáng kể trong việc chia sẻ thông tin của Trung Quốc khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán hồi tháng 1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định thông tin sai sự thật.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi AP ngày 2/6 công bố báo cáo điều tra nói rằng, các phòng thí nghiệm của Chính phủ Trung Quốc chỉ công bố bản đồ gen SARS-CoV-2 sau khi một phòng thí nghiệm khác đăng nó lên trang web về virus học hôm 11/1. Thêm vào đó, họ còn trì hoãn ít nhất thêm hai tuần trước khi cung cấp cho WHO dữ liệu chi tiết về các ca nhiễm và bệnh nhân.
Theo AP, ở hậu trường, các chuyên gia WHO phàn nàn rằng, Bắc Kinh không chia sẻ đủ dữ liệu để đánh giá mức độ lây lan của virus từ người sang người, hoặc nguy cơ tiềm ẩn với thế giới, nên đã gây lãng phí thời gian. AP đánh giá những thông tin họ mới phát hiện cho thấy sự bế tắc của WHO khi cố gắng thu thập thêm dữ liệu về Covid-19 khi quyền lực có hạn.
* Đại diện Chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và thủ lĩnh đối lập Juan Guaido đã nhất trí hợp tác để huy động các nguồn tài chính dành cho cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Theo thỏa thuận được Bộ trưởng Thông tin truyền thông Venezuela Jorge Rodriquez công bố trên truyền hình ngày 3/6, với sự trợ giúp của Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO), hai bên đã nhất trí sẽ phối hợp tìm kiếm các nguồn tài chính nhằm giúp đất nước đối phó với đại dịch Covid-19. Thỏa thuận, được ký kết vào ngày 1/6 tại Caracas, thiết lập các biện pháp "ưu tiên" nhằm đối phó với đại dịch, bao gồm việc phát hiện các ca mắc, theo dõi dịch tễ học và điều trị kịp thời các bệnh nhân mắc Covid-19.
Trước đó, đội ngũ truyền thông của ông Guaido cũng cho biết một "kế hoạch hợp tác mang tính kỹ thuật nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo do virus SARS-CoV-2 gây ra" đã được ký kết. Tuy nhiên, PAHO sẽ tiếp nhận các khoản tài trợ dành cho mục đích viện trợ nhân đạo, đảm bảo thỏa thuận trên được phép giải ngân cho các trường hợp khẩn cấp. Mỹ đã hoan nghênh thỏa thuận trên. Trên tài khoản Twitter, Đại sứ quán Mỹ tại Caracas đánh giá đây là một "bước đi quan trọng".
Theo thống kê chính thức, Venezuela hiện có 1.819 ca mắc Covid-19, trong đó 18 trường hợp tử vong. Đại dịch Covid-19 đã tấn công Venezuela trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này vẫn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Giá dầu thô lao dốc trong thời gian qua càng khiến nền kinh tế nước này vốn phụ thuộc vào dầu mỏ thêm khó khăn.
* Trong buổi phỏng vấn với Đài phát thanh Thụy Điển hôm 3/6, khi được hỏi liệu có phải đã có "quá nhiều người chết do dịch Covid-19 ở nước này hay không", Anders Tegnell, nhà dịch tễ học Chính phủ và là người phụ trách chiến lược "miễn dịch cộng đồng" của Thụy Điển, đã thừa nhận: "Đúng như vậy" và đáng lẽ nên hành động nhiều hơn để ngăn virus.
Tuyên bố được Tegnell đưa ra sau khi số liệu từ trang web khoa học Ourworldindata.com cho thấy, tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên đầu người của Thụy Điển cao nhất thế giới trong 7 ngày qua. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Thụy Điển là 5,29 người/1 triệu dân mỗi ngày, cao hơn mức 4,48 ở Anh - vùng dịch chết chóc thứ hai thế giới. Thụy Điển hiện ghi nhận hơn 38.000 người nhiễm và hơn 4.400 người chết do Covid-19.
* Trong khi đó, tại Nga, Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học trung ương số 48 Bộ Quốc phòng nước này, ông Sergei Borisevich cho biết, các chuyên gia viện này đã hoàn tất thành công các thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2 trên khỉ và chuột. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy và chứng minh tính an toàn và hiệu quả của chế phẩm này.
Trả lời phỏng vấn báo “Sao đỏ”, ông Borisevich cho biết, hiện 50 tình nguyện viện đã được chọn để thử nghiệm vaccine ở người gồm 45 nam và 5 nữ từ 25-50 tuổi. Một nhóm các tình nguyện viên đã đến một cơ sở đặc biệt để kiểm tra y tế. Trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tiếp theo, các chuyên gia của viện sẽ kiểm tra xem vaccine có an toàn với người hay không cũng như khả năng hấp thụ tới mức độ nào. Ngoài ra, thử nghiệm sẽ xác định vaccine giúp phát triển các kháng thể bảo vệ như thế nào.
Trước đó, ông Ivan Vasilenko, Tiến sĩ Hóa học, Giáo sư Viện Công nghệ sinh hóa và công nghệ nano thuộc Đại học Tổng hợp hữu nghị giữa các dân tộc Nga (RUDN) cho biết, vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 của Nga có thể được sử dụng trước cuối năm 2020.
* Ngày 3/6, các trường học ở Triều Tiên đã mở cửa trở lại đón học sinh sau khi học kỳ mới bị hoãn lại hai tháng nhằm phòng ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 lây lan.
Theo kế hoạch ban đầu, học kỳ mới bắt đầu vào đầu tháng Tư vừa qua, nhưng đã bị hoãn lại. Một số trường đại học và trường trung học phổ thông đã được phép mở cửa trở lại vào giữa tháng Tư. Các trường học ở Triều Tiên cũng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như học sinh phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt trước khi vào lớp và rửa tay sạch sẽ...
Mặc dù không phát hiện ca mắc Covid-19 nào cho đến nay, nhưng Triều Tiên vẫn áp đặt các quy định nghiêm ngặt trong phòng chống dịch như đóng cửa biên giới và tiến hành cách ly hàng nghìn người.
* Trong khi đó, một số nước châu Á như Indonesia, Malaysia, Philippines và Bangladesh tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ngày 3/6, Bộ Y tế Indonesia thông báo số ca mắc Covid-19 tại nước này đã lên tới 28.233 ca sau khi có thêm 684 ca mắc mới trong 24 giờ qua, trong khi số ca tử vong lên tới 1.698 ca (thêm 35 ca mới). Cho đến nay, tổng số bệnh nhân phục hồi và xuất viện ở nước này là 8.406 người. Dịch bệnh đã lây lan tới 34 tỉnh, thành của Indonesia. Cơ quan chức năng Indonesia đang tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại những vùng dịch bệnh và kêu gọi người dân luôn đeo khẩu trang.
* Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này ghi nhận thêm 93 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 7.970 ca trong khi số ca tử vong là 115 ca.
* Còn tại Philippines, Bộ Y tế thông báo có thêm 751 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 19.748 ca. Số ca tử vong cũng tăng lên 974 ca sau khi có thêm 8 ca tử vong mới. Đến nay, số bệnh nhân phục hồi là 4.153 người.
* Cùng ngày, Bangladesh thông báo có thêm 2.695 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, giảm so với 2.695 ca nhiễm mới một ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 55.140 ca trong khi số ca tử vong hiện là 746 ca (thêm 37 ca tử vong mới). Trong 24 giờ qua, 470 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi phục hồi, nâng tổng số bệnh nhân bình phục ở nước này đến nay lên 11.590 người.
* Tương tự, ngày 3/6, Iran cho biết, trong 24 giờ qua có thêm 3.134 ca nhiễm mới và 70 ca tử vong nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 160.696 ca và 8.012 ca tử vong. Cho đến nay, 125.206 bệnh nhân đã bình phục và được xuất viện.
Iran đã áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc hồi cuối tháng Hai vừa qua. Kể từ cuối tháng Tư, nước này bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
* Bộ Y tế Israel đã xác nhận 116 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong ngày 2/6, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này lên 17.285 trường hợp. Đây là số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất tại Israel kể từ ngày 1/5 vừa qua, khi quốc gia Trung Đông này xác nhận 155 ca mắc bệnh.
* Cũng trong ngày 2/6, Israel ghi nhận thêm 5 trường hợp tử vong - số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ ngày 11/5. Mặc dù vậy, số bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch của nước này đã giảm từ 32 người xuống chỉ còn 28 người - mức thấp nhất kể từ ngày 22/3 vừa qua, trong tổng số 106 người hiện đang điều trị trong bệnh viện.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi và phục hồi sức khỏe đã tăng lên 14.940 người, với 62 trường hợp được xuất viện trong ngày 2/6. Bộ Y tế Israel cho biết nước này sẽ mở rộng số lượng xét nghiệm tầm soát Covid-19 từ 15.000 người lên 30.000 người trong vòng hai tháng. Đối tượng được xét nghiệm cũng được mở rộng hơn, theo đó tiến hành cả với những người không có triệu chứng bệnh.