Cập nhật Covid-19 ngày 10/7: Số ca nhiễm mới lại tăng đột biến; Thủ tướng Campuchia cảnh báo thảm họa biến thể Delta; Mỹ thực hiện lời hứa vaccine

Theo trang thống kê Worldometer.info, tính đến 8h30 ngày 10/7 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới ghi nhận 186.814.724 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, bao gồm 4.034.804 ca tử vong. Tổng số bệnh nhân hồi phục là 170.873.491 ca.

Tính đến 8h30 ngày 10/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 186.814.724 ca nhiễm Covid-19, bao gồm 4.034.804 ca tử vong.

Tính đến 8h30 ngày 10/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 186.814.724 ca nhiễm Covid-19, bao gồm 4.034.804 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 487.354 ca nhiễm mới, tập trung nhiều nhất tại Brazil (57.713 ca), tiếp sau là Ấn Độ (42.648 ca), Indonesia (38.124 ca), Anh (35.707 ca), Mỹ (26.804 ca), Nga (25.766 ca), Nam Phi (22.441 ca), Tây Ban Nha (21.536 ca), Colombia (21.536 ca),...

Như vậy, trong 7 ngày qua, thế giới ghi nhận số ca nhiễm mới tăng 10% so với tuần trước đó. Nguyên nhân là do sự lây lan nhanh của biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Nhiều nước trong đó có Mỹ, Anh, Nam Phi đã xác nhận đây là biến thể lây lan chủ đạo tại các nước này.

* Với số ca nhiễm mới kể trên, tổng số ca mắc Covid-19 tại Brazil đến nay đã lên vượt con số 19 triệu ca, trong đó số bệnh nhân không qua khỏi là 531.688 ca.

* Trong bối cảnh số ca nhiễm mới gia tăng trở lại tại Mỹ, Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh CDC của nước này đã công bố hướng dẫn mới, hối thúc các trường học mở cửa hoàn toàn trở lại vào mùa Thu bất kể nước này có thể tái áp đặt các biện pháp phòng dịch.

CDC khẳng định, việc không ngừng thúc đẩy chương trình tiêm chủng có thể hỗ trợ các trường học khôi phục hoạt động giảng dạy và học tập trực tiếp, cùng với các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao.

CDC khuyến cáo các trường học đảm bảo duy trì giãn cách 90cm giữa các sinh viên, học sinh trong lớp học, phối hợp thực hiện đeo khẩu trang trong lớp học ở người chưa tiêm chủng đầy đủ nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm. Trong tuần qua, số ca nhiễm mới tại Mỹ tăng 21%, tập trung chủ yếu tại các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

* Tại châu Á, Hàn Quốc sáng 10/7 đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ trước tới nay, tiếp tục vượt mốc 1.300 ca vào thời điểm chính phủ Hàn Quốc chuẩn bị thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất (cấp độ 4) để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 4 lan ra toàn quốc.

Số liệu thống kê của Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố sáng 10/7 cho thấy, nước này đã ghi nhận thêm 1.378 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.320 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 166.722 ca. Đây cũng là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm hàng ngày ở Hàn Quốc vượt ngưỡng 1.200 ca.

Theo KDCA, các ổ lây nhiễm tập thể gần đây được phát hiện ở rất nhiều nơi như: công ty, trường học và cửa hàng bách hóa... chủ yếu tập trung ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, chủ yếu có liên quan đến biến thể Delta và đang có xu hướng lây lan rộng ra toàn quốc.

KDCA nhận định, Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn đầu của làn sóng lây nhiễm lần thứ 4 khi số ca nhiễm mới bình quân một ngày trong tuần trước tăng 53% so với số liệu 3 tuần trước đó. Riêng thủ đô Seoul và khu vực lân cận tăng đến 68%. Trong số ca nhiễm mới của tuần trước, tỷ lệ nhiễm biến thể Delta là khoảng 40%. Đã có phân tích cho thấy tỷ lệ ca nhiễm virus biến thể Delta đã tăng gấp 3 lần chỉ trong một tuần.

Trong bối cảnh đó, từ ngày 12/7, Hàn Quốc sẽ áp đặt các biện pháp phòng dịch ở mức cao nhất tại thủ đô Seoul và khu vực lân cận. Đến nay, Hàn Quốc mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho 11% trong tổng số 52 triệu dân số của nước này và có 30% dân số đã được tiêm chủng 1 liều vaccine. Hàn Quốc phấn đầu đạt miễn dịch cộng đồng trước tháng 11/2021.

Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng ghi nhận nhiều người gặp phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19, trong khi các cơ quan y tế của nước này đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhằm ngăn chặn sự lây lan của làn sóng thứ 4.

Số liệu thống kê của KDCA cho thấy, chỉ tính riêng trong 3 ngày gần đây đã có 2.790 trường hợp có phản ứng sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp (2.625 trường hợp) chỉ xuất hiện các phản ứng nhẹ thường gặp sau tiêm chủng như: nổi vết đỏ, đau, sưng tấy tại chỗ tiêm, đau cơ, nhức đầu... Chương trình tiêm chủng của Hàn Quốc sử dụng vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Johnson&Johnson và Moderna.

* Ngày 10/7, bang đông dân nhất của Australia, New South Wales thông báo ghi nhận 50 ca lây nhiễm trong cộng đồng trong 24 giờ qua, trở thành ngày có số ca mắc COVID-19 mới cao nhất từ đầu năm đến nay. Đáng lưu ý, trong số 50 ca vừa được phát hiện có 26 ca mắc có sự tiếp xúc rộng rãi khi đã nhiễm SARS-CoV-2. Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian bày tỏ quan ngại rằng tình hình dịch bệnh có thể xấu đi trong thời gian tới.

Số ca nhiễm mới tại bang này gia tăng chỉ 2 tuần sau khi Sydney - thành phố lớn nhất Australia, áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Campuchia thắt chặt kiểm soát dịch tại khu vực biên giới. Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 tại các khu vực biên giới, đặc biệt ở những nơi giáp Thái Lan, nhằm ngăn chặn biến thể Delta xâm nhập.

Tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Campuchia ngày 9/7, Thủ tướng Hun Sen đã bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng số ca nhiễm Covid-19 là lao động nhập cảnh từ Thái Lan, hầu hết qua cửa khẩu hai tỉnh Banteay Meanchey và Oddar Meanchey của Campuchia. Thủ tướng Campuchia đánh giá: “Trước đây chỉ có từ 20 đến 30 ca nhiễm Covid-19 trong số 1.000 lao động từ Thái Lan nhập cảnh, nhưng tình hình hiện nay đã khác, khi có hơn 100 ca nhiễm bệnh trong số 300 lao động nhập cảnh và sau đó lên đến gần 200 ca nhiễm trong số 500 lao động nhập cảnh”.

Căn cứ diễn biến dịch bệnh, Thủ tướng Hun Sen chỉ đạo cơ quan chức năng trong nước tăng cường kiểm dịch tại biên giới Campuchia-Thái Lan để ngăn chặn sự lây nhiễm của biến thể Delta, trong lúc biến thể Alpha (phát hiện đầu tiên tại Anh) vẫn đang lây lan trong cộng đồng tại Campuchia. Thủ tướng Hun Sen cảnh báo: “Nếu chúng ta không thể ngăn chặn biến thể Delta xâm nhập cộng đồng, đó sẽ là thảm họa thực sự”.

Ngày 9/7, Campuchia đã phát hiện 988 ca mắc mới Covid-19 và 30 ca tử vong do căn bệnh này, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 59.045 ca và 855 ca.

* Tại Nam Mỹ, Bộ Y tế Cuba (Minsap) công bố con số lây nhiễm trong ngày cao chưa từng thấy kể từ đầu mùa dịch với 6.422 ca dương tính với SARS-CoV-2. Thông báo cập nhật của Minsap cho biết, cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong do dịch COVID-19 là 26 người, cũng là con số kỷ lục ghi nhận trong ngày. Theo Minsap, hơn một nửa số ca nhiễm ghi nhận trong 24 giờ qua là tại tỉnh miền Tây Matanzas (3.559 ca), tâm chấn mới của dịch bệnh tại đảo quốc Caribe.

Ngoài ra, thủ đô La Habana đã có dấu hiệu tăng trở lại tình trạng lây nhiễm sau nhiều ngày ghi nhận các con số giảm.

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý dược phẩm, thiết bị và dụng cụ y tế Cuba (CECMED) công bố đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine mang tên Abdala do chính nước này bào chế, trở thành loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được phát triển tại Mỹ Latinh. Trước đó hồi tháng 6, Tập đoàn công nghệ sinh học và dược phẩm BioCubaFarma, đơn vị sản xuất vaccine Abdala, thông báo loại dược phẩm ngăn ngừa này đã chứng minh đạt hiệu quả 92,28% trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng với 3 mũi tiêm.

* Tại châu Phi, nhiều quốc gia ở khu vực này như Tunisia, Maroc, Libya và Algeria đang đối mặt với sự bùng phát mạnh mẽ của làn sóng dịch Covid-19 mới.

Bộ Y tế Tunisia ngày 9/7 cho biết, nước này đã ghi nhận 8.506 ca mắc mới Covid-19 và 189 ca tử vong, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát ở nước này đến nay. Tính đến thời điểm hiện tại, Tunisia đã có 481.735 ca mắc Covid-19 và 16.050 ca tử vong. Trong số các ca bệnh có 378.917 người đã được chữa khỏi, 4.345 người vẫn đang phải điều trị trong bệnh viện.

Trước làn sóng dịch mới này, Tunisia đang lên kế hoạch phối hợp giữa lực lượng vũ trang với các cơ quan y tế nhà nước và dân sự tại 24 tỉnh thành để tăng cường chiến dịch tiêm chủng. Các bệnh viện dã chiến di động cũng sẽ được thiết lập ở những vùng có diễn biến dịch nguy hiểm.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi), tính đến hết ngày 8/7, châu lục này đã ghi nhận gần 5,8 triệu ca mắc Covid-19 và 148.736 ca tử vong. Đã có hơn 5,013 triệu người được chữa khỏi.

10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất châu lục này gồm Nam Phi, Morocco, Tunisia, Ai Cập, Ethiopia, Libya, Kenya, Zambia, Nigeria và Algeria. Tính theo khu vực thì miền Nam châu Phi có số ca mắc nhiều, tiếp theo là khu vực Bắc Phi.

* Về vaccine Covid-19, một quan chức Nhà Trắng ngày 9/7 cho biết, nước này đang chuyển 3 triệu liều của Moderna tới Indonesia, 1,5 triệu liều của Johnson & Johnson tới Nepal và 500.000 liều của Moderna sẽ tới Bhutan. Cùng lúc, nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, 2 triệu liều vaccine của hãng dược phẩm Moderna do Washington hỗ trợ Việt Nam theo cơ chế COVAX cũng đã đến Hà Nội trong sáng sớm 10/7, theo giờ Việt Nam.

Đây là một phần trong cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden hỗ trợ các nước trên thế giới 80 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên do Mỹ sản xuất, trong bối cảnh có nhiều lo ngại trước sự chênh lệch lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước phát triển và đang phát triển. Trong danh sách các nước châu Á nhận vaccine do Mỹ hỗ trợ, ngoài 4 nước trên còn có Philippines, Thái Lan, Lào, Papua New Guinea và Campuchia.

Đến nay, Mỹ đã giao tổng cộng chừng 40 triệu liều vaccine cho các quốc gia và vùng lãnh thổ. Washington cũng thông báo sẽ mua 500 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech để phân phối cho Liên minh châu Phi và 92 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.

* Cũng trong ngày 9/7, tại thủ đô Dakar, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ cùng một số đối tác và nước chủ nhà Senegal đã ký thỏa thuận tài trợ cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất vaccine tại Senegal. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt vaccine và làn sóng nhiễm Covid-19 thứ 3 đang quét qua "lục địa đen".

Thỏa thuận tài chính mới này nhằm khởi động việc sản xuất vaccine tại châu Phi, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Bộ trưởng Kinh tế Senegal, ông Amadou Hott cho biết, cơ sở sản xuất vaccine mới sẽ đặt nền tảng cho chủ quyền dược phẩm và y tế, tăng cường khả năng tiếp cận với các loại vaccine giá cả phải chăng ở châu Phi cũng như cho phép sản xuất vaccine nhanh chóng để đối phó với các đại dịch mới.

Việc xây dựng nhà máy dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm nay, đặt mục tiêu đạt sản lượng 25 triệu liều vaccine mỗi tháng vào cuối năm 2022.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-covid-19-ngay-107-so-ca-nhiem-moi-lai-tang-dot-bien-thu-tuong-campuchia-canh-bao-tham-hoa-bien-the-delta-my-thuc-hien-loi-hua-vaccine-150941.html