Cập nhật Covid-19 ngày 16/8: Biến thể Lambda 'chọc thủng lưới' Đông Nam Á; 'Mỹ đang lâm khủng hoảng do Delta'; thêm quốc gia quyết tiêm chủng mũi 3
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận xấp xỉ 208 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 4,37 triệu ca tử vong và hơn 186,4 triệu bệnh nhân bình phục.
Tình hình dịch Covid-19
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 599 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 296 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribbean hiện có hơn 1,4 triệu ca tử vong trong hơn 42 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 60,5 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 1,2 triệu ca tử vong.
Châu Á ghi nhận hơn 965.000 ca tử vong trong hơn 66 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 959.800 ca tử vong trong hơn 44,8 triệu ca nhiễm. Châu Phi ghi nhận hơn 184.000 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.700 người.
Xét theo quốc gia, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 637.561 ca tử vong trong tổng số 37.466.718 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 431.674 ca tử vong trong số 32.225.175 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 569.218 ca tử vong trong số 20.364.099 bệnh nhân.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Á trong 24 giờ qua:
Tại Philippines, ngày 15/8, Bộ Y tế nước này cho biết đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể Lambda, đồng thời yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Biến thể Lambda được phát hiện lần đầu tiên tại Peru cuối năm ngoái và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh mục biến thể cần chú ý và đã xuất hiện ở gần 30 nước. Một số nghiên cứu mới đây cho biết, biến thể Lambda có những đột biến có thể "trốn" được vaccine.
Cùng ngày, Bộ trên cũng thông báo đã ghi nhận thêm 14.749 ca mắc mới, số ca nhiễm theo ngày cao thứ hai kể từ khi dịch bùng phát, trong đó có 270 ca tử vong, mức cao thứ ba kể từ đầu dịch đến nay.
Cho tới nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại Philippines là 1,74 triệu ca, trong đó có 30.340 ca tử vong.
Số ca mắc Covid-19 tại Lào đã vượt 10.000, lên 10.092 trường hợp sau khi ghi nhận thêm 198 ca dương tính.
Đáng chú ý, thủ đô Vientiane ghi nhận 1 ca cộng đồng là người Việt Nam có liên quan đến các ca bệnh trước đó. Thời gian gần đây, Lào ghi nhận một số trường hợp người Việt có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 khi làm xét nghiệm tại thủ đô Vientiane để làm thủ tục xuất cảnh về nước.
Tại Thái Lan, thống kê chính thức cho thấy, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 21.882 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên 907.157 trường hợp, trong đó có 7.552 người không qua khỏi, tăng thêm 209 ca so với một ngày trước đó.
Thủ đô Bangkok tiếp tục dẫn đầu danh sách địa phương có số ca mắc cao nhất với 4.215 ca trong vòng 24 giờ qua.
Trong khi đó, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết, tính đến ngày 14/8, số bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nặng là 1.563 ca, tăng thêm 42 ca so với ngày trước đó. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc Covid-19 nặng ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Tại thủ đô Tokyo, giới chức y tế cho hay đã ghi nhận thêm 4.295 ca mắc mới trong bối cảnh hệ thống y tế tại khu vực này đang trong tình trạng quá tải do số ca mắc mới tăng mạnh.
Số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua tại Tokyo đã tăng lên mức 4.263 ca/ngày, tăng 5,6% so với tuần trước đó, với nguyên nhân là sự lây lan của biến thể Delta.
Cùng ngày, Bộ Y tế Israel thông báo, số bệnh nhân Covid-19 với các biến chứng nặng tại nước này đã lên mức 525 ca, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021 trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Tại Iran, trong 24 giờ qua ghi nhận 620 ca tử vong do Covid-19, con số thống kê cao nhất theo ngày tại nước này, trong tổng số 36.736 ca mắc trong 24 giờ qua.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Iran, kể từ khi đại dịch bùng phát, nước này đã có 4.425.821 ca mắc Covid-19 và 97.828 trường hợp tử vong do đại dịch này. Các cơ quan y tế cũng thừa nhận, con số trên thực tế trên cả nước có thể còn cao hơn nhiều so với số liệu thống kê.
Tại châu Mỹ, các quốc gia cũng đang ghi nhận những diễn biến xấu của dịch:
Ở Mỹ, ngày 15/8, Giám đốc Viện Y tế quốc gia của Mỹ Francis Collinsdo cảnh báo, sự lây lan của biến thể Delta, số ca mắc Covid-19 mới ghi nhận hằng ngày tại nước này có thể vượt 200.000 ca trong vài tuần tới.
Theo ông Collins, Mỹ đang lâm vào khủng hoảng khi có tới 90 triệu người vẫn chưa tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và việc số ca nhiễm mới tại Mỹ quay trở lại mốc 200.000 ca/ngày mặc dù là điều không mong đợi, song là hiện thực Mỹ phải đối mặt.
Bên cạnh đó, Giám đốc Collins bày tỏ quan ngại về thực trạng số bệnh nhi Covid-19 nhập viện điều trị tăng mạnh, hiện đã lên tới gần 2.000 ca, trong đó có nhiều ca đang phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt. Đáng báo động, trong đó có cả những bệnh nhi dưới 4 tuổi.
Ông Collins cho biết thêm, đã có ít nhất 400 trẻ em tử vong tại Mỹ trong đại dịch Covid-19.
Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins, trong 1 tuần qua, Mỹ có gần 94.000 ca mắc Covid-19 là trẻ em. Kể từ dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ đến ngày 5/8, nước này đã có gần 4,3 triệu trẻ em dương tính với Covid-19.
Số ca mắc Covid-19 ở quốc gia láng giềng, Canada, tiếp tục tăng cao, với phần lớn các trường hợp nhiễm biến thể Delta.
Theo giới chức Canada, chính phủ liên bang sẽ sớm yêu cầu tất cả những người làm việc trong lĩnh vực công hay các doanh nghiệp đều phải tiêm chủng.
Trong khi đó, ngày 15/8, số người tử vong do Covid-19 tại Cuba vượt mốc 4.000 trường hợp, với 98 ca tử vong mới trên tổng số 8.636 ca mắc trong 24 giờ qua.
Đến nay, Cuba ghi nhận 517.668 ca nhiễm bệnh, trong đó có 4.023 người tử vong. Thủ đô Havana là nơi có số ca mắc mới cao nhất cả nước với 1.071 trường hợp.
Tại Australia, sáng 16/8, hàng trăm binh sĩ vũ trang, cùng với hàng nghìn cảnh sát bổ sung đã thiết lập chốt chặn tại các ngả đường và giám sát việc thực hiện lệnh phong tỏa của người dân thành phố Sydney, thủ phủ của bang New South Wales.
Việc Australia tăng cường lực lượng giám sát tại Sydney nhằm đảm bảo người dân thành phố nghiêm chỉnh chấp hành quy định phòng dịch là do các biện pháp hạn chế trong 7 ngày qua không thể ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta lây lan.
Tiêm chủng và điều trị
Ngày 15/8, Bộ trưởng Lao động Serbia Darija Kisic Tepavcevic thông báo, từ ngày 17/8, các cơ quan y tế nước này sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch yếu, đội ngũ nhân viên y tế và những người đã được tiêm vaccine ít nhất 6 tháng trước đây.
Hiện quốc gia này đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho hơn 50% trong tổng số dân khoảng 7 triệu người.
Tại Israel, sau khi quyết định tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 3 cho người trên 60 tuổi, tuần này, quốc gia Do Thái bắt đầu tiêm mũi 3 cho người trên 50 tuổi, đồng thời tiếp tục các chiến dịch đẩy mạnh tiêm chủng đối với những người đủ điều kiện nhưng vẫn chưa chịu tiêm vaccine.
Theo đó, chính phủ Israel triển khai sáng kiến mới, tổ chức hoạt động tiêm trên quy mô lớn ở thành phố Tel Aviv suốt đêm 14/8 tại quảng trường Dizengoff.
Trong khi đó, tại Anh đã ban hành quy định mới trong phòng dịch Covid-19, theo đó, những người đã tiêm đủ liều vaccine tại vùng England sẽ không phải tự cách ly nếu họ tiếp xúc gần với ca bệnh mà chỉ cần thực hiện xét nghiệm PCR miễn phí.
Ở Nhật Bản, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu thuốc điều trị cũng như các biện pháp dự phòng với những bệnh truyền nhiễm mới, bao gồm biến thể Covid-19, 500 trung tâm nghiên cứu tại Nhật Bản đã thành lập một ngân hàng dữ liệu về bệnh nhân mắc Covid-19.
Ngân hàng dữ liệu về bệnh nhân Covid-19 tại Nhật Bản đặt mục tiêu ban đầu là thu thập các thông tin về mẫu máu, thông tin bộ gene của virus SARS-CoV-2, triệu chứng bệnh và phương pháp điều trị của 10.000 người và hiện đã có 200 người đăng ký.
Các thông tin thu thập được sẽ được cung cấp cho các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu có nhu cầu để phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển.