Cập nhật Covid-19 ngày 8/6: Báo động vaccine bị 'thổi giá', New York ăn mừng 'tái sinh', châu Âu có 'dấu hiệu của niềm tin và hy vọng'

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận gần 174,4 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 3,75 triệu trường hợp tử vong và xấp xỉ 157,6 triệu bệnh nhân bình phục.

WHO khuyến nghị các nước sử dụng những vaccine ngừa Covid-19 đã được tổ chức này phê duyệt sử dụng khẩn cấp. (Nguồn: Reuters)

WHO khuyến nghị các nước sử dụng những vaccine ngừa Covid-19 đã được tổ chức này phê duyệt sử dụng khẩn cấp. (Nguồn: Reuters)

* Tại châu Mỹ

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch Covid-19 với 34.226.765 ca mắc, trong đó có 612.692 ca tử vong.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo thông báo sẽ dỡ bỏ đa số các biện pháp hạn chế hiện được áp dụng để phòng dịch Covid-19 nếu 70% cư dân của bang được tiêm một mũi vaccine ngừa bệnh này.

Ngày 7/6, thị trưởng New York Bill De Blasio tuyên bố sẽ tổ chức sự kiện âm nhạc lớn tại khu Central Park vào tháng 8 tới mừng thành phố "tái sinh" sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông De Blasio không đề cập đến thời điểm cụ thể tổ chức sự kiện trên. Trong khi đó, báo New York Times đưa tin sự kiện này có thể được tổ chức vào ngày 21/8.

Kế hoạch tổ chức sự kiện âm nhạc lớn trên được công bố trong bối cảnh New York - thành phố đông dân nhất của Mỹ, đang chuẩn bị tái khởi động ngành du lịch. Theo số liệu báo cáo chính thức, hiện có hơn 63% người trưởng thành ở New York đã được tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19.

Trong khi đó, Chile ghi nhận tổng số ca tử vong do Covid-19 vượt 300.000 ca, cụ thể là 30.058 ca sau khi xác nhận thêm 121 ca tử vong trong 24 giờ qua. Bộ Y tế cũng công bố thêm 6.958 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên 1.434.884 ca.

Cuba ghi nhận tổng số ca mắc tại nước này đã vượt 150.000 người, cụ thể là 150.103 ca sau khi có thêm 1.185 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Số ca tử vong tại Cuba tăng thêm 13 ca lên 1.025 ca.

Từ ngày 7/6, hơn 1,6 triệu trẻ em tại hơn 24.000 trường học của Mexico đã quay trở lại trường sau hơn 1 năm thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng tránh dịch Covid-19.

Theo Bộ Giáo dục Mexico, các trường học được phép mở cửa đón học sinh trở lại là những trường học nằm tại 13 bang có tỷ lệ ca nhiễm mới giảm mạnh trong thời gian gần đây. Hiện Mexico vẫn duy trì các biện pháp phòng dịch tại 19 bang còn lại.

Theo báo cáo của Tổ chức Năng lượng Mỹ Latinh (OLADE), Mỹ Latinh hiện phải đương đầu với thách thức trong việc đẩy mạnh sự phục hồi bền vững của ngành năng lượng và củng cố quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, trong bối cảnh khu vực này chịu tác động kinh tế - xã hội nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Một số quốc gia trong khu vực phải chịu tác động nghiêm trọng với thách thức này do nguồn thu nhập chủ yếu đến từ ngành sản xuất và xuất khẩu các loại nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và khí đốt.

* Tại châu Âu

Ngày 7/6, Nghị viện châu Âu (EP) đã mở phiên họp đầu tiên tại Strasbourg (Pháp) trong 15 tháng qua, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lây lan trên toàn châu lục này cũng như thế giới.

Tại phiên họp, Chủ tịch EP David Sassoli nhấn mạnh, việc cơ quan lập pháp châu Âu nhóm họp trở lại tại Strasbourg là "dấu hiệu của niềm tin và hy vọng" với tất cả các nước thành viên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang dần bị đẩy lùi.

Từ ngày 21/6, CH Czech sẽ mở cửa biên giới với các nước EU và Serbia sau khi nước này dần hồi phục sau cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19. Theo đó, người nhập cảnh vào Czech sẽ phải trình giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Ngoài mở cửa biên giới, Czech cũng sẽ nới lỏng một số biện pháp phòng dịch khác như điều chỉnh số lượng người được phép tham gia các sự kiện văn hóa lớn.

Ngày 7/6, công ty tư vấn EY công bố nghiên cứu cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thụy Sỹ đã tăng mạnh trong năm ngoái bất chấp đại dịch Covid-19.

Trái ngược với xu hướng suy giảm chung trên toàn châu Âu, số lượng dự án đầu tư ở Thụy Sỹ đã tăng 25% lên 91 dự án - mức cao nhất kể từ năm 2011. Con số này đưa Thụy Sỹ lên vị trí thứ 14 trong bảng xếp hạng các quốc gia châu Âu trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, từ vị trí thứ 17 trong năm 2019.

Cùng ngày, Tòa án phúc thẩm Brussels đã ra phán quyết bác bỏ khiếu nại của Liên minh Nhân quyền của Bỉ (LDH) phản đối chính phủ nước này áp dụng các biện pháp siết chặt phòng dịch bệnh Covid-19.

Hồi cuối tháng 2/2021, LDH đã kiện chính phủ Bỉ vi phạm các quyền tự do khi áp đặt các biện pháp phòng dịch và yêu cầu mở cuộc tranh luận tại Quốc hội nhằm mục đích thông qua luật phòng chống dịch bệnh.

Bỉ là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 tính trên dân số cao nhất thế giới. Để ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh, chính phủ nước này đã áp dụng các biện pháp phòng dịch khẩn cấp để ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 2 tại nước này, từ tháng 10/2020.

Theo kế hoạch, Bỉ sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch từ ngày 9/6, cho phép các quán cà phê và nhà hàng phục vụ khách hàng ngay tại nhà hàng, trong khi cho phép các đơn vị tổ chức sự kiện lên kế hoạch tổ chức các lễ hội mùa Hè.

* Tại châu Á

Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới duy trì ở mức 400 ca ngày thứ hai liên tiếp. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 8/6 thông báo nước này ghi nhận thêm 454 ca mắc mới, trong đó có 435 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 145.091 ca. Trước đó, Hàn Quốc ngày 7/6 ghi nhận 485 ca mắc mới.

Chính phủ thông báo nước này sẽ trở lại cuộc sống bình thường từ tháng 7 tới khi số người tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đạt tỷ lệ cao.

Theo Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc (MOHW) Kwon Deok-cheol, với hơn 25% dân số được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 như dự kiến, mọi hoạt động kinh tế - xã hội có thể trở lại bình thường vào mùa Hè này.

Theo đó, từ tháng 7 tới, những người đã được tiêm một mũi vaccine ngừa Covid-19 sẽ chỉ phải thực hiện quy định giãn cách xã hội ở một số môi trường nhất định. Họ cũng không bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng cấp giấy chứng nhận cho những người đã tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 từ mùa Hè 2021, với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân nước này khi ra nước ngoài.

Trong thời gian đầu, “hộ chiếu vaccine” có thể sẽ được cấp dưới dạng giấy tờ. Tuy nhiên, trong tương lai, chứng nhận này có thể được cấp dưới dạng ứng dụng trên điện thoại di động.

Trong diễn biến liên quan, dù Nhật Bản bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) từ ngày 12/4 nhưng cho tới ngày 6/6, mới có 7.747.259 người, chiếm 21,8% trong tổng số người cao tuổi ở nước này, được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19.

* Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về việc các nước mua vaccine ngừa Covid-19 với mức giá đắt do mua qua trung gian, đồng thời khuyến cáo rằng các nước chỉ nên mua các loại vaccine được WHO chứng thực và có nguồn gốc rõ ràng.

WHO khuyến nghị các nước sử dụng những vaccine ngừa Covid-19 đã được tổ chức này phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Đến nay, những loại vaccine đã được WHO đưa vào danh sách này gồm vaccine do các hãng Sinopharm và Sinovac, AstraZeneca/Oxford, Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson sản xuất.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-covid-19-ngay-86-bao-dong-vaccine-bi-thoi-gia-new-york-an-mung-tai-sinh-chau-au-co-dau-hieu-cua-niem-tin-va-hy-vong-147684.html