Cập nhật giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại theo Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy, trong giai đoạn 5 năm tới, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục tái cơ cấu cây trồng đa dạng, đạt hiệu quả cao.

Toàn tỉnh Lâm Đồng đang phát triển 60.200 ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Toàn tỉnh Lâm Đồng đang phát triển 60.200 ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chuyển đổi gần 83.490 ha cây trồng các loại

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 83.490 ha cây trồng các loại. Trong đó, cây rau, hoa phát triển thêm khoảng 7.000 ha; cây dâu tằm mở rộng hơn 4.000 ha; cây ăn quả tăng 6.300 ha.

Cụ thể, đạt các tỷ lệ diện tích cây trồng chuyển đổi gồm: 85% dâu lai; 70% cây ăn quả chất lượng cao; 60% cà phê giống ghép hoặc giống thực sinh chất lượng tốt; 60% giống chè cành cao sản; 17% cây điều tái canh, cải tạo... Năng suất thu hoạch tăng với tỷ lệ tương ứng như: chè (5,5%), cà phê (4%), cây ăn quả (3,6%), hoa (2,6%), rau (1,3%). Riêng diện tích canh tác kém hiệu quả giảm tỷ lệ từ 31,7% xuống còn 18,6%.

Đến nay, Lâm Đồng tiếp tục phát triển khoảng 300.000 ha diện tích đất canh tác nông nghiệp, đạt giá trị sản xuất bình quân 185,6 triệu đồng/ha/năm, tăng 28% so với năm 2016. Trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 60.200 ha, giá trị ước đạt trên 40% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Các loại cây trồng rau, hoa với diện tích canh tác khoảng 28.000 ha, cà phê 174.000 ha, chè 12.000 ha, cây ăn quả 23.600 ha, cây dâu 9.100 ha. Tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua 165 chuỗi liên kết đạt khoảng 12% và tiêu thụ qua hợp đồng đạt khoảng 45% trên tổng sản lượng.

“Từ Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng; kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh Lâm Đồng tại Quyết định số 756/QĐ-UBND, ngày 19/4/2017 phù hợp, sát thực tiễn; mô hình nông nghiệp phát triển toàn diện và hiện đại đang dần hình thành trên địa bàn. Đó là một nền nông nghiệp tiềm năng, có sức cạnh tranh và uy tín trên thị trường, hiệu quả kinh tế cao, hứa hẹn trong thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, là động lực to lớn và bền vững để xây dựng nông thôn mới...”, theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng.

Tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích lên 220 triệu đồng/ha/năm

Mục tiêu đến năm 2025, ngành nông nghiệp Lâm Đồng nâng cao hiệu quả sử dụng trên 300.000 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó phấn đấu đạt 75.000 ha diện tích nông nghiệp công nghệ cao; 1.000 ha diện tích nông nghiệp thông minh; 1.600 ha diện tích sản xuất hữu cơ. Giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đạt trung bình 220 triệu đồng/ha/năm. Nâng tỷ lệ tiêu thụ nông sản qua chuỗi liên kết đạt tỷ lệ 50% tổng sản lượng nông sản. Tiếp tục chuyển đổi giống cây trồng để giảm khoảng 40.000 ha diện tích có giá trị dưới 50 triệu đồng/ha/năm, đưa diện tích sản xuất kém hiệu quả này xuống còn dưới 5% diện tích canh tác, tương ứng 15.000 ha.

Nhiệm vụ cơ cấu, bố trí lại và phát triển các sản phẩm chủ lực đến năm 2025 trên địa bàn Lâm Đồng được triển khai với diện tích rau đạt 28.000 ha (diện tích gieo trồng 78.000-79.000 ha), sản lượng 2,9-3 triệu tấn; diện tích hoa 3.900 ha (diện tích gieo trồng 10.800-11.000 ha), sản lượng khoảng 3,6 tỷ cành và 364 triệu chậu; diện tích dược liệu 480 ha (diện tích gieo trồng 780 ha), sản lượng 20.000 tấn. Duy trì diện tích cây lúa 14.000-15.000 ha (diện tích gieo trồng 26.600 ha), sản lượng khoảng 156.000 tấn; ngô 7.500 ha (diện tích gieo trồng 10.600 ha), sản lượng 67.000 tấn. Giảm và ổn định diện tích cà phê 160.000 ha, sản lượng 547.000 tấn; chè 12.000 ha, sản lượng 157.000 tấn; cây ăn quả 32.900 ha, sản lượng 159.000 tấn.

Theo đó, đối với cây rau tập trung sản xuất các sản phẩm giá trị cao như ớt ngọt, khoai tây, hành tây, pó xôi, cà rốt; các loại rau, củ baby; bí Nhật, xà lách cao cấp trồng trên giá thể trên địa bàn Đà Lạt và các vùng phụ cận. Đồng thời, mở rộng diện tích sản xuất rau phù hợp trên địa bàn các huyện phía Nam Lâm Đồng như măng tây, dưa leo, cải xanh, cải thìa...

Với cây hoa tiếp tục ổn định sản xuất các loại giống cắt cành truyền thống (cúc, hồng, lay ơn) tại các vùng Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng; đẩy mạnh phát triển các diện tích sản xuất giống mới phù hợp với điều kiện từng khu vực như các loại lan, cẩm chướng, cát tường, oải hương, thu hải đường... và các loại hoa chậu phục vụ nhu cầu trang trí cho thị trường trong nước.

Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn giống cà phê bằng các biện pháp xây dựng các vườn đầu dòng, ưu tiên sử dụng các giống cà phê ghép có năng suất, chất lượng vượt trội và độ đồng đều cao như TR4, TR9, TR11, TS5, Thiện Trường, Hữu Thiên; khôi phục và phát triển các giống cà phê chè đặc hữu Bourbon, Typica, Moka... Khuyến khích trồng xen cây ăn quả, cây che bóng theo mô hình canh tác bền vững gắn với chứng nhận tiêu chuẩn UTZ, 4C, Rainforest.

Ngoài ra, triển khai quy hoạch các vùng sản xuất chè tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm và cơ giới hóa thí điểm một số mô hình IOT trong sản xuất, thu hoạch, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, đạt chất lượng phục vụ cho hoạt động chế biến. Đặc biệt, sản xuất thử nghiệm một số giống cây ăn quả mới, giống trái vụ để đánh giá hiệu quả, nhân rộng. Mở rộng diện tích cây ăn quả trồng xen tại các vườn cây công nghiệp; sử dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ từ việc thiết kế bố trí vườn cây, công nghệ tưới tự động, tiết kiệm nước kết hợp châm phân tự động đến các giải pháp phòng trừ sâu bệnh thông qua các mô hình công nghệ cao, mô hình IoT..., góp phần tạo bước đột phá mới gia tăng thu nhập đối với từng vùng nông nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng.

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202103/cap-nhat-giai-phap-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-3048597/