Cập nhật kịch bản điều hành 6 tháng cuối năm cho mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%

Nếu không có biến động lớn, Tổng cục Thống kê dự báo Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5%.

Người tiêu dùng mua sắm các sản phẩm tại siêu thị AEON MALL Hà Nội. (Ảnh: Duy Linh)

Người tiêu dùng mua sắm các sản phẩm tại siêu thị AEON MALL Hà Nội. (Ảnh: Duy Linh)

Tăng trưởng vượt kịch bản

Nhận định về bức tranh kinh tế Việt Nam quý II và 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thống kê cho biết nền kinh tế tiếp tục khởi sắc sau đà tăng trưởng trong quý I. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2024 tăng 6,93%.

Trong đó, khu vực I (nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản) tăng 3,34%, đóng góp tăng 0,38 điểm phần trăm; khu vực II (công nghiệp và xây dựng) tăng 8,29%, đóng góp tăng 3,25 điểm phần trăm; khu vực III (dịch vụ) tăng 7,07%, đóng góp tăng 3,48 điểm phần trăm.

Kinh tế 6 tháng đầu năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực: Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi từ quý I/2024 và tăng trưởng với xu hướng rõ nét hơn trong quý II; 3/4 ngành công nghiệp cấp I (công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải) tăng khá so cùng kỳ.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm hơn 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp) tiếp tục đà tăng trưởng với xu hướng rõ nét hơn, sáu tháng đầu năm tăng 8,5% so cùng kỳ (cùng kỳ năm trước giảm 1,8%).

Ngành sản xuất điện và phân phối điện tăng 13% so cùng kỳ; chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm về mức thấp hơn nhiều so cùng kỳ năm trước.

Tính chung sáu tháng đầu năm, GDP tăng 6,42%. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi tích cực, đặc biệt là ngành công nghiệp chủ lực chế biến, chế tạo; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ vẫn duy trì ổn định.

“Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả hoạt động kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm và một số nhận định về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm, và nếu không có biến động lớn, Tổng cục Thống kê cho rằng có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5”, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia lạc quan nhận định.

Theo kịch bản tăng trưởng GDP đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Chính phủ đề ra hai kịch bản điều hành tương ứng với các mức tăng trưởng GDP 6% và 6,5% như mục tiêu Quốc hội giao.

Từ kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cập nhật kịch bản tăng trưởng trong 2 quý còn lại tương ứng với mức tăng trưởng 6,53% trong quý III và 6,61% trong quý IV.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cho biết, để đạt mức tăng trưởng cận trên khoảng 6,5% vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cần tiếp tục thực hiện những giải pháp quyết liệt nhằm duy trì ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội; bảo đảm các cân đối vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát; phát huy hiệu quả, linh hoạt các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã được đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm.

Nhận diện khó khăn và kiến nghị giải pháp

Theo Tổng cục Thống kê, mặt bằng giá cả trong nước vẫn ở trong tầm kiểm soát nhưng áp lực lạm phát đang tạo áp lực lên chỉ số giá do từ nay đến cuối năm sẽ điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý theo lộ trình, gồm giá điện, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế.

Áp lực lạm phát trong nước còn đến từ việc tăng giá thịt lợn do giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp; giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

Bên cạnh đó, mối lo ngại về căng thẳng địa chính trị, cuộc xung đột ở Biển Đỏ, Nga-Ukraina khiến giá hàng hóa, giá xăng dầu, giá cước vận tải tăng... cũng là nguyên nhân có thể làm gia tăng chi phí sản xuất.

Tổng cục Thống kê cũng nhận định, rủi ro tỷ giá cùng với việc đẩy mạnh nhập khẩu để phục vụ sản xuất sẽ gây áp lực lên giá nguyên liệu đầu vào.

Từ góc độ doanh nghiệp, nội lực của nền kinh tế chưa mạnh, các doanh nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo tuy tăng trưởng tốt nhưng mức độ bền vững còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các ngành; khó khăn trong sản xuất còn tiềm ẩn do cầu trong nước và quốc tế chưa khôi phục hoàn toàn; các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Hơn nữa, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội; doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.

Từ thực tế nêu trên, Tổng cục Thống kê kiến nghị các ngành, lĩnh vực cần bám sát tình hình sản xuất kinh doanh để chủ động ứng phó với rủi ro phát sinh, tập trung vào các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ thị trường; bảo đảm cung ứng đầy đủ cho sản xuất và tiêu dùng.

Đồng thời, các ngành, lĩnh vực cần tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu.

Ngoài ra, Tổng cục Thống kê cũng khuyến khích các ngành, lĩnh vực tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh; xây dựng các kênh phân phối sản phẩm, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm mới giúp ngành công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ phát triển. Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và các lĩnh vực mới nổi như chíp, bán dẫn, AI…)

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần bảo nguồn cung trong nước; ổn định hàng xuất khẩu; bám sát diễn biến thị trường để xác định nhu cầu hàng hóa, nhằm giảm thiểu hàng tồn kho của doanh nghiệp, góp phần kiểm soát lạm phát đặc biệt khi chính sách tăng lương cơ sở bắt đầu được thực hiện từ ngày 1/7/2024.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cap-nhat-kich-ban-dieu-hanh-6-thang-cuoi-nam-cho-muc-tieu-tang-truong-6-65-post817028.html