Cập nhật về tình hình thương vong trong vụ tai nạn máy bay Trung Quốc

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong khi các nỗ lực tìm kiếm đã bước sang ngày thứ hai, vẫn chưa tìm được ai sống sót trong vụ tai nạn máy bay của hãng China Eastern Airlines ngày 21/3.

Chiếc Boeing 737-800 - chở 132 người - đã gặp nạn vào chiều thứ Hai tại một vùng núi xa xôi ở miền nam Trung Quốc khi bay từ Côn Minh đến Quảng Châu. Vụ tai nạn này là thảm họa hàng không tồi tệ nhất của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ.

Nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn chưa được làm rõ và nhà chức trách chưa công bố thêm thông tin về thương vong. Theo tờ China Youth Daily, các nhà điều tra tại hiện trường đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do địa hình và thời tiết xấu và tới nay cũng chưa xác định được vị trí của hộp đen của máy bay.

"Các mảnh vỡ của máy bay đã được tìm thấy tại hiện trường, nhưng hiện tại, chưa tìm thấy những người mất tích trên máy bay", theo thông tin từ đài truyền hình CCTV sáng thứ Ba, dẫn lời các đội cứu hộ.

Máy bay đã mất liên lạc với các kiểm soát viên không lưu tại địa phận thành phố Wuzhou. Trong vài phút trước khi thảm họa xảy ra, máy bay đã ở độ cao bay 29.000 feet (khoảng 8.900 mét), theo dữ liệu theo dõi chuyến bay từ FlightRadar24. Sau đó, chiếc máy bay lao vọt đi, lao xuống hơn 25.000 feet (7.600 mét) trong vòng chưa đầy hai phút.

Các nhân chứng cho biết đã nhìn thấy một vụ nổ, các bộ phận máy bay và quần áo vướng vào cây và gây ra một vụ cháy rừng tại đó.

Lực lượng cứu hộ đã nỗ lực xuyên đêm để tìm kiếm người sống sót và hộp đen máy bay. Ảnh: Getty.

Lực lượng cứu hộ đã nỗ lực xuyên đêm để tìm kiếm người sống sót và hộp đen máy bay. Ảnh: Getty.

Vào tối thứ Hai, thân nhân của các hành khách đã tập trung ở sân bay Quảng Châu, chờ đợi tin tức về người thân khi nhà chức trách mở cuộc điều tra về vụ tai nạn.

David Soucie, cựu thanh tra an toàn tại Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), cho biết do vụ tai nạn diễn ra với tốc độ nhanh nên rất ít khả năng còn bất kỳ ai trên máy bay sống sót, thậm chí sẽ khó còn lại những dấu vết rõ ràng để nhận dạng.

Hoạt động điều tra và tìm kiếm

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một tuyên bố hiếm hoi trong vòng vài giờ sau khi máy bay gặp nạn, yêu cầu các cơ quan khẩn cấp của nước này tổ chức tìm kiếm cứu nạn và xác định nguyên nhân vụ tai nạn.

Ông Soucie nhận định nói: "Việc Chủ tịch nước đưa ra phản ứng nhanh chóng và rõ ràng như vậy cho tôi biết rằng họ đang rất, rất nghiêm túc".

Sau một số vụ rơi máy bay trong những năm 1990 và 2000, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các cải tiến an toàn sâu rộng. Thảm họa hôm thứ Hai là vụ tai nạn hàng không thương mại chết người đầu tiên của nước này kể từ thảm họa của hãng hàng không Henan Airlines năm 2010, khiến 44 trong số 96 người trên máy bay thiệt mạng.

Hàng trăm nhân viên cứu hộ đã được triển khai đến địa điểm máy bay của China Eastern Airlines rơi vào thứ Hai và tiếp tục công việc của họ suốt đêm. Đoạn phim cho thấy cảnh sát và nhân viên cấp cứu đang tìm kiếm xuyên rừng, xuyên đêm. Các đội hỗ trợ khác, bao gồm nhân viên y tế và nhân viên cứu hỏa, hối hả làm việc trong các căn lều chuẩn bị vật tư và máy bay không người lái để tìm kiếm người sống sót.

Tuy nhiên, họ phải đối mặt với vô số thách thức. Nơi máy bay rơi được bao quanh bởi các dãy núi và chỉ có một lối đi hẹp dẫn tới đây, gây khó khăn cho việc tiếp cận của các thiết bị cứu hộ hạng nặng. Khu vực này cũng không có điện. Theo Cục Khí tượng Quảng Tây, một đợt lạnh với lượng mưa lớn cũng sắp diễn ra trong những ngày tới.

Cuộc điều tra lần này do Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) dẫn đầu, với sự hỗ trợ của Ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Mỹ (NTSB). Boeing, nhà sản xuất động cơ, CFM và FAA cũng sẽ tham gia vào cuộc điều tra. Sự phối hợp lần này được thực hiện theo tiêu chuẩn đối với các sự cố hàng không liên quan đến máy bay do Mỹ thiết kế xảy ra ở nước ngoài.

Việc tổng hợp tất cả thông tin và bằng chứng về vụ tai nạn của một chiếc máy bay phản lực hiện đại có thể mất vài tháng hoặc lâu hơn. Báo cáo cuối cùng về vụ tai nạn của Hãng hàng không Henan năm 2010 phải mất gần hai năm sau đó mới được công bố.

Trong khi đó, hãng hàng không China Eastern Airlines cũng đang liên lạc với tất cả gia đình các nạn nhân, theo CCTV. Nhà chức trách Wuzhou đã cử hàng chục xe buýt và taxi đến đón các thành viên trong gia đình.

Ông Soucie nói: "Đó là phần khó khăn nhất của quá trình giải quyết một vụ tai nạn, đó là tháo gỡ khúc mắc của các gia đình. Những gì các gia đình muốn ở thời điểm này là tìm được bất cứ thứ gì còn sót lại từ các người thân của họ. Trong trường hợp này, họ sẽ không có nhiều điều để hi vọng."

Rắc rối của Boeing

Mặc dù dòng máy bay 737 của Boeing đã phải đối mặt với rất nhiều lo ngại về an toàn trong ba năm qua, chiếc máy bay gặp nạn hôm thứ Hai là một phiên bản khác của dòng máy bay này và vụ tai nạn đã làm rung chuyển danh tiếng của Boeing.

Máy bay của China Eastern Airlines là Boeing 737-800, phiên bản phổ biến nhất trong các loại máy bay phản lực đang được phục vụ của Boeing và được rất nhiều hãng hàng không thế giới sử dụng. Chiếc máy bay gặp nạn hôm thứ Hai đã được đưa vào sử dụng từ năm 2015.

CCTV đưa tin, hãng China Eastern Airlines sẽ tạm dừng hoạt động tất cả các máy bay Boeing 737-800 của họ. Nhưng các hãng hàng không khác của Trung Quốc vẫn tiếp tục khai thác cùng loại máy bay này.

737-800 là một phiên bản của dòng máy bay phản lực Boeing 737-NG, viết tắt của "Thế hệ tiếp theo". Các cơ quan quản lý của Mỹ đã chỉ ra rằng các máy bay này có một số vấn đề về an toàn, mặc dù không có lỗi nào trong số đó đến mức phải yêu cầu các máy bay này dừng hoạt động.

Boeing đã bán được hơn 7.000 máy bay 737-NG trên toàn thế giới và cho đến thứ Hai, loại máy bay này chỉ để xảy ra khoảng 10 vụ tai nạn chết người trong lịch sử 25 năm của hãng.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cap-nhat-ve-tinh-hinh-thuong-vong-trong-vu-tai-nan-may-bay-trung-quoc-20220322155405364.htm