Cấp phép trông giữ xe tại các ô đất trống: thiếu quy trình chuẩn

Hà Nội đã có chủ trương tận dụng các ô đất trống, đất dự án chậm triển khai làm điểm trông giữ xe tạm, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân, tuy nhiên việc triển khai trong thực tế còn rất chậm và kém hiệu quả.

Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thực trạng này do thiếu quy trình chuẩn để thực hiện.

Nghịch lý

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tĩnh trên diện tích đất xây dựng đô thị của TP mới đạt dưới 1%, trong khi theo quy hoạch phải đạt từ 3 - 4%. TP mới đưa được 72 dự án bãi đỗ xe vào khai thác, hiện đang đầu tư 61 dự án, còn lại 1.557 dự án chưa thực hiện được. Năng lực của hạ tầng giao thông tĩnh Thủ đô vì vậy mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thực tế.

Song song với việc thiếu điểm trông giữ xe, là tình trạng “chảy máu” nguồn lực, trục lợi từ đất công, mất trật tự, văn minh đô thị do trông giữ xe trái phép. Hiện đại đa số phương tiện cá nhân của TP đang gửi tại các bãi xe không phép, trái phép, lợi nhuận chạy vào túi một số cá nhân, còn chi phí duy tu, sửa chữa hạ tầng ngân sách TP phải gánh.

Bên cạnh đó, tình trạng mất an ninh trật tự, ATGT do trông giữ xe không phép cũng gây nhức nhối kéo dài cho Thủ đô nhiều năm qua.

Trong bối cảnh đó, Hà Nội có hàng trăm dự án chậm triển khai, đất quây rào để không, hoặc đất công do địa phương quản lý, đã có quy hoạch nhưng chưa được đầu tư. Nghịch lý là những khoảng trống rất quý giá giữa lòng đô thị này đang nằm im hoặc thậm chí biến thành bãi xe “lậu” làm giàu cho một số cá nhân ngang nhiên phạm luật trong khi người dân phải trầy trật tìm chỗ đỗ, gửi xe.

Một điểm trông giữ xe tạm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Một điểm trông giữ xe tạm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo cho hay, năm 2023, UBND TP đã có chỉ đạo về việc quản lý, khai thác bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe tạm thời trên địa bàn TP.

“Sở cũng đã có văn bản số 7489/SGTVT - QLKCHTGT gửi các địa phương đề nghị rà soát các khu đất trống, dự án chậm triển khai và nhu cầu đỗ xe để bố trí, cấp phép tạm thời làm bãi đỗ xe” - ông Trần Hữu Bảo nói.

Tuy nhiên, dù đã được TP “bật đèn xanh”, Sở GTVT hướng dẫn, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội vẫn rất chậm trong việc cấp phép bãi gửi xe tạm thời. Trong khi đó, Trung tá Nguyễn Thành Lâm - Trưởng phòng PC06, Công an TP Hà Nội, cho biết, qua rà soát tại thời điểm gần nhất, trên địa bàn TP có 340 điểm trông giữ phương tiện ổn định mà không có giấy phép.

Trung tá Nguyễn Thành Lâm nói: “Chúng tôi rất mong muốn UBND các quận, huyện rà soát lại các khu vực đất trống, đất dự án, nếu đủ điều kiện thì phải cấp phép trông giữ xe tạm. Nhiều điểm đủ điều kiện nhưng không hiểu vì sao lại không được cấp phép”.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ: “Tôi cho rằng việc chậm cấp phép trông giữ xe tạm tại các ô đất trống, đất dự án chậm triển khai xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhưng không thể không đặt câu hỏi: chủ trương đã có mà không triển khai được là do vướng mắc về cơ chế, chính sách, hay vướng mắc trong quan điểm của chính quyền địa phương?”.

Loay hoay với quy định

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, nhiều địa phương đang khá rụt rè trong việc cấp phép điểm trông giữ xe tạm do thiếu một quy trình pháp lý chuẩn mực, thiếu hướng dẫn và sự chỉ đạo tập trung quyết liệt.

Lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị, UBND quận Thanh Xuân cho biết, qua rà soát trên địa bàn có 20 ô đất đủ điều kiện để cấp phép trông giữ xe tạm, trong đó bao gồm cả đất công và dự án chậm triển khai. Nhưng quận mới tiếp nhận được có 3 đề xuất cấp phép trông giữ xe, và cả 3 đều đang phải chờ chỉ đạo của TP.

“Quận đã làm văn bản gửi lên TP để xin ý kiến chỉ đạo cho Quận được cấp phép, đồng thời hướng dẫn về thu tiền sử dụng đất, thu phí trông giữ xe. Hiện những vấn đề này chưa có quy định nào cụ thể, rõ ràng” - vị này cho hay.

Theo vị đại diện UBND quận Thanh Xuân, đối với đất dự án chậm triển khai nhưng đã giao cho DN quản lý có thu thêm tiền sử dụng đất vào mục đích trông giữ xe nữa không hay chỉ thu một lần theo dự án là vấn đề chưa có lời giải. Liên quan đến vấn đề này, phía Sở GTVT Hà Nội cho rằng sẽ không thu tiền sử dụng đất 2 lần đối với DN, mà chỉ thu theo dự án được duyệt chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Nguyễn Văn Đức lại cho biết: “Hiện quận đã cấp phép tạm một số bãi trông giữ xe trên đất dự án và vẫn thu tiền sử dụng đất đối với mục đính này”.

TP Hà Nội rà soát lại các khu vực đất trống, đất dự án chưa triển khai, giao nhiệm vụ cho UBND các cấp thẩm định và cấp phép trông xe, bảo đảm về diện tích, phòng cháy, chữa cháy và an ninh trật tự. Thời hạn cấp phép ít nhất phải 6 tháng hoặc 1 năm để đơn vị trông giữ có đủ thời gian thu hồi vốn đầu tư trang thiết bị, máy móc ban đầu.

Ngoài ra, với những điểm có đơn vị xin nhưng không được cấp phép, các địa phương cần nêu rõ lý do vì sao không cấp, báo cáo giải trình với TP để TP có biện pháp tháo gỡ khó khăn.

Trưởng phòng PC06, Công an TP Hà Nội - trung tá Nguyễn Thành Lâm

Bên cạnh đó, những vấn đề như: mức thu phí trông giữ xe, thuế, thời hạn cấp phép tạm cũng đang khiến sở, ngành, địa phương “đau đầu”. Đặc biệt thời hạn cấp phép cho các điểm trông giữ xe hiện chưa có quy định thống nhất, cụ thể. Có nơi cấp 3 tháng, 6 tháng, có nơi thậm chí cấp 1 tháng/lần.

Chính vì cơ chế không rõ ràng, ổn định nên nhiều DN không muốn đầu tư làm điểm trông giữ xe tạm trên các ô đất trống, đất dự án chậm triển khai. Có DN mong muốn được làm thì lại vướng mắc không xin được cấp phép.
Đơn cử như Công ty CP Đào tạo và xây lắp điện Hà Nội - đơn vị được giao quản lý, sử dụng ô đất rộng 2.700m tại Tam giác điện tử (quận Thanh Xuân).

Bà Hà Thị Bích Ngọc - Trưởng phòng Đầu tư, Công ty CP Đào tạo và xây lắp điện Hà Nội cho biết, ô đất được giao cho DN từ năm 2012 để xây dựng tòa nhà hỗn hợp, tuy nhiên do nhiều vướng mắc dự án chưa thể triển khai. Từ giữa năm 2023 đến nay, Công ty đã hai lần đề xuất với UBND quận Thanh Xuân xin cấp phép trông giữ phương tiện tại đây nhưng vẫn chưa được phê duyệt.

“TP Hà Nội có chủ trương cấp phép trông giữ xe tại các khu vực đất dự án chưa thể triển khai, DN rất ủng hộ. Chủ trương này sẽ giải quyết được tình trạng thiếu chỗ đỗ xe cũng như tránh lãng phí đất, tạo nguồn thu cho cả DN và nhà nước. Tuy nhiên việc xin cấp phép lại vô cùng khó khăn và kéo dài” - bà Hà Thị Bích Ngọc chia sẻ.

Với trường hợp này, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận Thanh Xuân cho biết đã báo cáo và đang chờ UBND TP chỉ đạo, hướng dẫn. Có thể thấy việc thiếu một quy trình chuẩn đang khiến chính quyền địa phương cũng như sở, ngành chuyên trách khá bối rối trong việc vận dụng cơ chế để cấp phép trông giữ xe tạm, dẫn đến một chủ trương đúng đắn, cấp bách lại rất chậm chạp, kém hiệu quả khi đưa vào thực tế.

Sở GTVT đã có văn bản đề nghị Sở Tài chính, Cục Thuế Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá công tác thu phí sử dụng tạm thời lòng đường hè phố và giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô theo Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND.

Đây sẽ là cơ sở để báo cáo, đề xuất TP điều chỉnh giá dịch vụ phù hợp hơn với tình hình kinh tế hiện nay; đồng thời tạo điều kiện cho DN đầu tư trang thiết bị, nhân lực ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo

Ngọc Hải - Phạm Công

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cap-phep-trong-giu-xe-tai-cac-o-dat-trong-thieu-quy-trinh-chuan.html