Cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ? | Hà Nội tin mỗi chiều

Cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ?; Người lao động ngóng thưởng Tết... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ?

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Chính phủ thống nhất với phương án tại dự thảo luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý. Cụ thể, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất, không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật đất đai và không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền trước ngày 1/7/2014 sẽ được xem xét cấp sổ đỏ. Như vậy, ở lần chỉnh sửa này, thời điểm công nhận quyền sử dụng đất với đất không giấy tờ, đang được cá nhân, hộ gia đình sử dụng ổn định kéo dài thêm 10 năm so với quy định cũ.

Theo ý kiến của nhiều Luật sư, nếu quy định vừa nêu được thông qua sẽ tháo gỡ điểm nghẽn về việc cấp sổ đỏ cho các trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc do ông cha để lại, đất không có tranh chấp đang sử dụng ổn định. Đây là các trường hợp còn phổ biến, nhất là ở khu vực nông thôn. Điều kiện để cấp sổ đỏ với những trường hợp này là không thuộc các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai và giao trái thẩm quyền đã được quy định trong dự luật và đất phải phù hợp quy hoạch. Đồng thời không thuộc trường hợp lấn chiếm đất đai, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Vì vậy, quy định mới không nhằm hợp thức hóa cho các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.

Việc dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) mở rộng thời hạn đến ngày 1/7/2014 là kết quả từ việc tiếp thu ý kiến nhân dân. Ảnh: LDO

Việc dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) mở rộng thời hạn đến ngày 1/7/2014 là kết quả từ việc tiếp thu ý kiến nhân dân. Ảnh: LDO

Cũng tại báo cáo này, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Quỹ Phát triển đất (điều 114). Quỹ Phát triển đất không phải là chính sách mới, mà đã được quy định từ Luật Đất đai năm 2003, 2013. Đây là quỹ nhận vốn từ nguồn tiền sử dụng đất, thuê đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và huy động các nguồn khác theo quy định để ứng vốn và chi hỗ trợ trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thời gian qua, Quỹ Phát triển đất là nguồn tài chính quan trọng để Nhà nước chủ động thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, xây dựng các khu tái định cư; phát triển quỹ đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo việc tiếp cận đất đai kịp thời, minh bạch, khách quan, hạn chế tiêu cực và tăng thu ngân sách. Chính phủ khẳng định nếu bỏ Quỹ Phát triển đất sẽ dẫn đến thiếu linh hoạt, chủ động trong tạo quỹ đất, xây dựng các khu tái định cư, các dự án sẽ phải kéo dài khâu giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ trong giải ngân vốn đầu tư công, không khả thi trong đấu giá quyền sử dụng đất. Việc phải có Quỹ Phát triển đất là góp phần thực hiện thể chế đầy đủ quan điểm của nghị quyết số 18 của trung ương. Theo Chính phủ quy định này cũng nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua.

Vì vậy, cùng với việc giữ nguyên quy định này, Chính phủ cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo nguồn vốn cho Quỹ Phát triển đất hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước. Luật Đất đai sửa đổi dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 trong tháng 1 này. Trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Người lao động ngóng thưởng Tết

Hơn 5 tỷ 600 triệu đồng là mức thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài - FDI tại Long An. Cụ thể, mức thưởng 5 tỷ 686 triệu đồng được Long An ghi nhận có thể sẽ xác lập kỷ lục mới về thưởng Tết cao nhất cả nước.

Những năm gần đây, mức thưởng Tết cao nhất thường dao động từ 1-2 tỷ đồng. Còn tại Hà Nội, doanh nghiệp FDI có mức thưởng Tết năm 2024 cao nhất là 405 triệu đồng/người. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã tổng hợp báo cáo của các tỉnh, thành về tình hình tiền lương, thưởng Tết 2024. Báo cáo cho thấy, về tiền lương năm 2023, tăng 3% so với năm ngoái, bình quân ước đạt 8 triệu 490 ngàn đồng một tháng.

Theo quy định hiện hành, người sử dụng lao động không bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động, ngoại trừ các trường hợp có trong hợp đồng. Việc thưởng Tết phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cùng với năng suất làm việc của người lao động. Vậy nên tùy điều kiện kinh doanh của công ty trong năm đó mà mức thưởng Tết khác nhau, thậm chí có sự chênh lệch rất lớn. Thế nhưng, tâm lý chung của người lao động là cứ cuối năm thì trông ngóng xem sẽ được thưởng Tết như thế nào.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, đòi hỏi thưởng Tết xứng đáng với thành quả lao động bỏ ra sau một năm làm việc vất vả là quyền chính đáng của người lao động được doanh nghiệp tôn trọng thực hiện và pháp luật bảo vệ. Quyền này được đảm bảo thực hiện tốt là yếu tố quan trọng giúp cho quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh, là nhân tố thúc đẩy người lao động gắn bó với doanh nghiệp.

Nếu nhìn vấn đề từ quyền lợi chính đáng của người lao động thì tổ chức công đoàn tại công ty có vai trò quan trọng. Công đoàn mạnh thì việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động sẽ tốt hơn, và ngược lại, nếu tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp chỉ là cánh tay nối dài của ban lãnh đạo thì rất khó để là chỗ dựa cho người lao động.

Bên cạnh đó, sự thấu hiểu, chia sẻ sẽ dễ dàng hơn khi doanh nghiệp công khai, minh bạch kết quả sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là lợi nhuận. Do đó, nếu doanh nghiệp thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, công khai minh bạch lỗ hay lãi sẽ thuyết phục được người lao trong việc có thưởng Tết hay không, thưởng nhiều hay ít và không dẫn đến phản ứng của người lao động, gây ảnh hưởng quan hệ lao động.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/cap-so-do-cho-dat-khong-giay-to-ha-noi-tin-moi-chieu-212230.htm