Sớm minh bạch tiền công đức

Các di tích, cơ sở tôn giáo thực hiện tốt việc quản lý thu chi tiền công đức sẽ đóng góp tích cực nguồn thu cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa là nguồn tài chính rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động thu chi tiền công đức, tài trợ của các di tích hiện nay vẫn còn không ít bất cập.

Khó kiểm soát

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, cả nước hiện có 31.211 di tích lịch sử - văn hóa. Báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên toàn quốc cho thấy tổng số tiền công đức thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỉ đồng. Trong đó, số thu tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng 3.062 tỉ đồng (75%). Có 63 di tích thu trên 5 tỉ đồng, trong đó có 28 di tích thu trên 10 tỉ đồng, cao nhất là 7 di tích thu trên 25 tỉ đồng, gồm: Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang; Đền Bảo Hà ở Bảo Yên, Lào Cai; Khu Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo ở Bà Rịa - Vũng Tàu; Đền Sòng Sơn ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa; Đền Hùng ở Phú Thọ; Đình La Khê ở Hà Đông, Hà Nội và Đền trình Ngũ Nhạc (chùa Hương) ở Mỹ Đức, Hà Nội.

Việc thu chi tại Miếu Bà Thiên Hậu được quản lý chặt chẽ. Ảnh: THẢO NGUYỄN

Việc thu chi tại Miếu Bà Thiên Hậu được quản lý chặt chẽ. Ảnh: THẢO NGUYỄN

Số thu tại các di tích là cơ sở tôn giáo 1.038 tỉ đồng (25%). Có 15 di tích thu trên 5 tỉ đồng, trong đó chỉ có 4 di tích thu trên 10 tỉ đồng, gồm: Chùa Tranh ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương; chùa Tàm Xá ở Đông Anh, Hà Nội; chùa Ông ở Biên Hòa, Đồng Nai; Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Cà Mau. 7 tỉnh, thành phố có số thu trên 200 tỉ đồng, gồm: Hà Nội, Hải Dương, An Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định. Tổng số chi trong năm 2023 là 3.612 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đa số báo cáo của địa phương cho rằng số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ.

Tại các di tích là cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31%, tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo. Tại các di tích là đền, chùa có đặt đĩa, đặt khay trên các ban thờ khiến du khách đặt nhiều loại tiền lộn xộn, không chỉ làm mất đi sự tôn nghiêm, thanh tịnh nơi thờ tự mà còn gây lòng tham cho người khác.

Báo cáo cũng chỉ rõ việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại không ít di tích chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro, để thất thoát, trộm cắp. Một số di tích giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm, cho các cá nhân vay, đã có trường hợp bị lừa nhiều tỉ đồng như ở Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh; Phủ Tây Hồ ở quận Ba Đình, Đền Rừng ở quận Long Biên, Hà Nội... Trong đó, Ban Quản lý Đền Rừng giao số tiền tích lũy trong nhiều năm cho thủ quỹ đứng tên gửi tiết kiệm dẫn đến bị lừa mất 5,6 tỉ đồng.

Phải vì lợi ích chung cho cộng đồng

Trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, chi cho lĩnh vực văn hóa hằng năm còn khiêm tốn, tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa được xem là nguồn tài chính rất quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Ngoài những bất cập trong thu chi, Bộ Tài chính cũng chỉ ra nhiều di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng dân gian thực hiện tốt việc quản lý thu, chi tiền công đức, đóng góp tích cực nguồn thu cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong số này có Miếu Bà Chúa Xứ (Núi Sam, tỉnh An Giang), Miếu Bà Thiên Hậu (tỉnh Bình Dương) và Khu Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Người dân đi lễ tại Đền Bà Chúa Kho (tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: YẾN ANH

Người dân đi lễ tại Đền Bà Chúa Kho (tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: YẾN ANH

Ông Phan Hữu Nghĩa, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cho biết Miếu Bà Thiên Hậu (hay còn gọi là Chùa Bà Bình Dương) không phải là di tích lịch sử hay cơ sở Phật giáo mà chỉ là tín ngưỡng dân gian, thờ một vị thánh được người dân tôn sùng. Hiện nay, Miếu Bà Thiên Hậu được 4 bang người Hoa ở tỉnh này quản lý và điều hành, mang tính chất tự thu, tự chi. Nơi đây nổi tiếng cả nước với lễ hội rằm tháng giêng (diễn ra trong vòng 1 tháng) - mà nhiều du khách thập phương vẫn hay nói vui là lễ hội miễn phí. Ông Trần Vĩnh An, Phó Ban Thường trực Miếu Bà Thiên Hậu, xác nhận dịp rằm tháng giêng năm nay, có khoảng 350.000 lượt du khách khắp cả nước tới đây hành hương, doanh thu đạt hơn 12 tỉ đồng, bao gồm tiền cúng dường, bán lồng đèn, đồng tiền, hồ lô… Số tiền này được dùng để chi cho các hoạt động diễn ra trong mùa lễ hội; chi các hoạt động thiện nguyện và chi phúc lợi cho 4 bang… "Đối với những ngày thường thì Miếu Bà Thiên Hậu rất ít du khách đến thăm viếng, trung bình mỗi tháng chỉ thu khoảng 100 triệu đồng. Việc thu chi được 16 thành viên trong 4 bang người Hoa giám sát chặt chẽ bằng cách niêm phong thùng công đức, khi nào có đầy đủ các thành phần thì mới tổ chức kiểm đếm" - ông An nói.

Trong 7 di tích có nguồn thu trên 25 tỉ đồng trong năm 2023, đáng chú ý Khu Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) tạo được nguồn thu 34 tỉ đồng, với hoạt động thu chi được kiểm soát chặt chẽ.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích được mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép và việc giám sát tiếp nhận, kiểm đếm, thu chi được bảo đảm công khai, minh bạch. Cụ thể, có 2 hình thức tiếp nhận tiền công đức gồm tiếp nhận qua sổ công đức và thùng công đức đặt tại các điểm đền thờ Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương, nghĩa trang Hàng Keo. Danh sách các cá nhân, tổ chức có ghi sổ công đức đều được thống kê, công khai theo tháng và quý. Việc mở thùng công đức cũng được thực hiện từ 1 đến 3 lần trong tháng với nhiều thành phần tham dự, ký biên bản. Các khoản thu sẽ được chuyển vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước huyện Côn Đảo.

Ngoài tiền công đức, các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng đóng góp kinh phí để tôn tạo, trùng tu di tích, thì phía trung tâm quản lý sẽ tiếp nhận để trình các cấp có thẩm quyền. Sau khi được phê duyệt, kinh phí đóng góp mới được chuyển trực tiếp cho đơn vị thi công, trung tâm chỉ tiếp nhận bàn giao khi công trình hoàn thành.

Không chỉ riêng khu di tích này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là một trong những địa phương quản lý tốt thu, chi tại các di tích, cơ sở tôn giáo, nhờ cách làm sâu sát, phù hợp.

Gần đây nhất, vào tháng 2-2024, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành quyết định kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh trên địa bàn. Việc kiểm tra nhằm tổng hợp, đánh giá công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa; qua đó giúp các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, rõ ràng để tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương.

Khuyến khích công đức, tài trợ qua chuyển khoản

Theo Bộ Tài chính, việc công đức, tài trợ cho tu bổ, tôn tạo di tích và hoạt động lễ hội là nét văn hóa mang ý nghĩa đẹp. Vì thế, để sự đóng góp đó được trọn vẹn ý nghĩa, khi trao tiền công đức, tài trợ, hãy thực hiện bằng cách trao trực tiếp cho người đại diện di tích tại bàn ghi công đức, đặt vào hòm công đức hoặc chuyển vào tài khoản của cơ sở di tích. Đối với người đại diện hoặc ban quản lý di tích, cần mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch. Trường hợp chưa mở tài khoản tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước thì cần thực hiện ngay để bảo đảm việc quản lý an toàn.

Bộ Tài chính cho rằng cần quản lý chặt chẽ các khoản tiền đã tiếp nhận, bao gồm tiền trong hòm công đức; đối với tiền mặt tạm thời chưa sử dụng cần gửi kịp thời vào tài khoản để bảo đảm việc quản lý an toàn, hạn chế thiệt hại do hành vi trộm cắp. Trường hợp ban quản lý di tích đang giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm hoặc cho vay cần thực hiện thu hồi ngay để quản lý theo tài khoản của ban quản lý.

Bộ Tài chính cũng khuyến nghị cần giữ gìn nơi thờ tự trang nghiêm, thanh tịnh để du khách đến tìm thấy sự bình an, yên tĩnh và thanh thản; không đặt đĩa, đặt khay nơi thờ tự cho mục đích tiếp nhận tiền công đức, tài trợ và các khoản tiền có tính chất tương tự; lắp camera giám sát tại các điểm tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức, tài trợ.

H.L.Anh

PGS-TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

Thu chi không tiền mặt giúp công khai minh bạch hơn

Hoạt động quản lý tiền công đức hiện vẫn còn nhiều bất cập do phạm vi pháp lý của Thông tư 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội có giới hạn. Điểm yếu của thông tư là không có chế tài xử phạt.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành thói quen của mọi người thì việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản cũng nên làm vì đây là điều bình thường, vừa văn minh, vừa dễ dàng kiểm soát. Hoạt động chi tiêu không dùng tiền mặt giúp công khai minh bạch và thuận tiện hơn.

PGS-TS PHẠM NGỌC TRUNG, nguyên Trưởng Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền:

Củng cố hệ thống thanh tra, kiểm tra

Tiền công đức không phải nguồn tiền nhỏ. Đây là nguồn lực cùng ngân sách nhà nước phát triển cơ sở vật chất đền chùa, di tích ở địa phương, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Các địa phương phải nghiên cứu, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các ban quản lý di tích. Các thành viên ban quản lý cần được đào tạo chuyên môn về chức năng quản lý tài chính. Ngoài ra, hệ thống thanh tra, kiểm tra cũng nên được củng cố.

Y.Anh ghi

Hoàng Lan Anh - Thảo Nguyễn - Ngọc Giang

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/som-minh-bach-tien-cong-duc-196240701223722118.htm