Cấp thẻ Căn cước theo Luật Căn cước 2023

Luật Căn cước 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 là bước đột phá trong việc đổi mới, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác quản lý dân cư, bảo đảm quyền công dân, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Công an TP Hà Nội cấp thẻ Căn cước cho trẻ em sáng 1/7. Ảnh: X.Ngọc.

Công an TP Hà Nội cấp thẻ Căn cước cho trẻ em sáng 1/7. Ảnh: X.Ngọc.

Nhiều điểm mới

Ngày 1/7, Luật Căn cước 2023 chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới so với Luật Căn cước công dân 2014, trong đó, chuyển từ cấp Căn cước công dân sang Thẻ Căn cước; cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch.

Thẻ căn cước cấp từ ngày 1/7 gồm 2 loại dành cho đối tượng từ 0 đến 6 tuổi và trên 6 tuổi với một số khác biệt. Cụ thể, mặt trước thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam dưới 6 tuổi sẽ có các thông tin như: Biểu tượng chip điện tử; Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; giới tính; Quốc tịch...

Mặt trước thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi trở lên gồm các thông tin: Biểu tượng chip điện tử; ảnh khuôn mặt của người được cấp thẻ căn cước; Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Quốc tịch.

Mặt sau thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam dưới 6 tuổi và thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi trở lên sẽ có thông tin về nơi cư trú; Nơi đăng ký khai sinh; Chip điện tử; Mã QR; Ngày, tháng, năm cấp; Ngày, tháng, năm hết hạn...

Từ ngày 1/7, khi người dân đi làm thẻ căn cước, Công an sẽ lấy dữ liệu sinh trắc học mống mắt, vân tay và ảnh khuôn mặt (từ đủ 6 tuổi trở lên).

Đối với căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1/7 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, người dân vẫn sử dụng bình thường, không bắt buộc phải thu thập mống mắt để bổ sung. Nếu người dân đã được cấp thẻ căn cước công dân trước 1/7 muốn bổ sung mống mắt thì có thể đến cơ quan công an làm thủ tục cấp thẻ căn cước để đăng ký. Về quy trình thu nhận mống mắt tương tự như khi cấp mới.

Người dân hài lòng

Có mặt từ sớm tại trụ sở Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội (PC06) để cùng con trai thực hiện các thủ tục làm thẻ căn cước, chị Nguyễn Thị Uyên (phường Phương Liên, quận Đống Đa) chia sẻ, tới đây khi con trai nhỏ có thẻ căn cước sẽ rất thuận lợi cho cháu và gia đình khi đi du lịch hoặc tham gia các hoạt động, sự kiện. “Có giấy tờ tùy thân mang theo bên mình, cháu cũng sẽ tự tin hơn khi tham quan, du lịch, học tập” – chị Uyên nói.

Cũng giống như chị Uyên, chị Bạch Thị Yến (trú tại quận Đống Đa) đưa hai con dưới 14 tuổi đến làm thủ tục cấp căn cước mới. Chị Yến cho biết, các thủ tục được thực hiện rất nhanh chóng, thuận lợi. Phụ huynh chỉ cần cập nhật thông tin online trên VNeID, sau đó đưa trẻ tới thực hiện thu nhận vân tay, chụp ảnh gương mặt và thu nhận mống mắt. Cả quá trình chỉ mất khoảng 10-15 phút nên rất tiết kiệm thời gian cho cả gia đình.

Vui mừng chia sẻ với phóng viên sau khi hoàn thành xong các thủ tục cấp Thẻ căn cước, anh Nguyễn Đình Vũ (trú tại phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm) nói: “Hôm nay Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó có quy định Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 6 tuổi, tôi và gia đình thấy việc này là rất cần thiết nên đã đến trụ sở cơ quan Công an từ sớm để thực hiện các thủ tục cho con gái mới 6 tháng tuổi. Sau này đưa con đi du lịch cùng gia đình bằng máy bay sẽ thuận tiện hơn, không còn phải lo lắng việc để quên giấy khai sinh của con nữa”.

Trung tá Nguyễn Thành Lâm - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội cho biết: Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 là dự án luật thể hiện rõ tính khoa học, bao quát, không chỉ đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số.

Theo ông Lâm, thẻ Căn cước mới có nhiều ưu việt, tính bảo mật cao, được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ Căn cước có công nghệ xác thực thông tin qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ. Quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi cũng mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.

Xuân Ngọc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cap-the-can-cuoc-theo-luat-can-cuoc-2023-10284570.html