Cấp thiết 'siết' phòng cháy, chữa cháy nhà cao tầng
Trong bối cảnh các tòa nhà chung cư được xây dựng ngày càng nhiều, phòng cháy, chữa cháy trở thành một trong những vấn đề cấp thiết. Khi các vụ cháy vẫn liên tiếp xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý, nhà đầu tư và cả người dân.
Cách đây chưa lâu (tháng 10/2021), nhiều người dân sống tại Khu chung cư cao cấp Mandarin Garden, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) bàng hoàng trước thông tin có vụ cháy ô tô ở tầng hầm B2, tòa D2 xảy ra tối hôm trước, khói bay mù mịt, nhưng họ không hề hay biết.
Muôn kiểu “chạy” cháy
Đám cháy được dập tắt sau 20 phút, nhưng điều đáng nói là hệ thống báo cháy của tòa nhà hoạt động không có hiệu quả khiến nhiều hộ dân vẫn “bình chân như vại” khi hỏa hoạn ghé thăm. Có những người biết tình hình, chạy ra thang bộ thoát thân thì lối thoát hiểm tối om do ban quản lý cắt điện.
Theo phản ánh của cư dân, là một thương hiệu chung cư cao cấp, có phí dịch vụ vào hàng “top”, tuy nhiên đây không phải lần đầu tiên Mandarin Garden vướng lùm xùm liên quan đến cháy nổ. Dự án Mandarin Garden 2 tại số 493 Trương Định, quận Hoàng Mai từng bị cảnh báo vì đưa dân vào ở khi chưa tổ chức nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy là một ví dụ.
Trước đó, vào giữa tháng 9, một vụ cháy xảy ra ở chung cư Ecolife Tố Hữu (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng khiến cư dân tòa nhà rơi vào cảnh... cười ra nước mắt. Bởi thời gian trước, tại cả 3 tòa chung cư này (A1, A2, A3) thường xuyên xảy ra báo cháy giả, vì vậy khi có cháy thật, mọi người cũng… không sợ (!).
"Chính xác đây là phiên bản truyện “cậu bé chăn cừu” tại Ecolife, cư dân chúng ta thành cừu hết từ bao giờ", một cư dân ngao ngán đăng trạng thái trên group cộng đồng chung cư Ecolife.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng hơn 3.600 tòa nhà cao tầng. Các công trình ở từng mức độ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Minh chứng là hàng năm, trên địa bàn các tỉnh, thành phố xảy ra hàng trăm vụ cháy, gây thiệt hại lớn cả về người và tài sản.
TS. Hoàng Anh Giang, Phó giám đốc Viện Chuyên ngành kết cấu xây dựng (Viện Khoa học công nghệ Xây dựng - IBST) cho rằng, công tác phòng cháy, chữa cháy tại các công trình cao tầng, đặc biệt là các tòa chung cư hiện còn tồn tại rất nhiều bất cập.
Do có công năng đa dạng, phức tạp, thường xuyên tập trung đông người, với đặc điểm độ tuổi, nhận thức, sức khỏe khác nhau, cũng như việc bố trí mặt bằng, lối, đường thoát nạn phức tạp mà công trình cao tầng, siêu cao tầng luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cháy nổ.
Ngoài các yếu tố về đặc điểm kiến trúc, một trong những yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy ở nhà cao tầng là ý thức của chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành công trình.
Nhiều công trình xây dựng không đúng quy hoạch, giấy phép xây dựng, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn, việc trang bị các thiết bị chưa đáp ứng đúng yêu cầu, hệ thống thiết bị điện, bảo trì bảo dưỡng, hệ thống báo cháy hư hỏng, thiếu đồng bộ trong quy hoạch xây dựng nên không đảm bảo về điều kiện giao thông khoảng cách, an toàn cháy nổ và nguồn nước phòng cháy, chữa cháy.
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý
Một nguyên nhân khác là nhiều công trình cao tầng hoạt động trong nhiều năm (chung cư mini, văn phòng khách sạn, nhà nghỉ cao tầng), nhà dân sau một thời gian sử dụng lại chuyển đổi mục đích kinh doanh và chưa đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy.
Cũng cần nhìn nhận một thực tế là sự phối hợp giữa các ban ngành quản lý trong phòng chống cháy nổ vẫn còn mang tính hình thức, chưa thống nhất trong việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, công tác thanh tra kiểm tra còn chưa thực sự tốt.
Bàn về giải pháp, ông Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), cho rằng cần tiếp tục củng cố hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý đối với các công trình cao tầng. Cơ quan quản lý các cấp trong từng lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc… cần tiếp tục tham mưu, đề xuất sửa đổi.
Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác phối hợp trong việc thẩm định, phê duyệt phòng cháy chữa cháy đối với các công trình xây dựng. Tăng cường thanh kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống cháy nổ.
Ở một khía cạnh khác, bà Vũ Kiều Hạnh, đại diện Savills Hà Nội, nhận định về phía người dân, công tác tuyên truyền cần được đặc biệt quan tâm, bởi không ít cư dân tại các nhà cao tầng hiện vẫn chưa đủ kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy.
Về công tác bảo trì chung cư, hiện tại hoạt động này đang còn nhiều khó khăn do các chung cư xây dựng trước đây không có quỹ bảo trì. Trong khi đó, việc bảo trì chung cư và ngăn ngừa cháy nổ ngay từ khi công trình đưa vào sử dụng là rất quan trọng. Vì vậy, các chung cư cần xem xét, đưa vào một nguồn ngân sách để thực hiện công tác bảo trì hệ thống phòng cháy chữa cháy nhằm đảm bảo an toàn cháy nổ
Bên cạnh đó, để giảm thiệt hại trong các vụ cháy nổ, cần có quy định rõ ràng về hạ tầng kỹ thuật đảm bảo các điều kiện tiếp cận, triển khai hoạt động cứu hộ, đặc biệt tại các đô thị có mật độ dân số cao như Hà Nội, TP.HCM. Đồng thời, gỡ bỏ những vướng mắc về quy trình, thủ tục để hoạt động cứu hộ, đơn cử như sử dụng máy bay trực thăng, tạo thuận lợi cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy.