Cấp tốc cứu nguy nhà cổ cụ Vương

UBND TPHCM đã nhanh chóng chỉ đạo cho các sở, ngành có liên quan cấp tốc cứu nguy ngôi nhà của cụ Vương. Các ngành chức năng có liên quan hiện nay đang rất khẩn trương thực hiện - bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch TPHCM, cho biết.

. Phóng viên: Sau loạt bài "Hoang tàn nhà cổ cụ Vương" đăng trên Báo Người Lao Động số ra các ngày 13 và 14-4, bà nói gì trước một di sản văn hóa quý giá như ngôi nhà cổ cụ Vương Hồng Sển đang có nguy cơ sụp đổ?

- Bà Vũ Kim Anh:

Đúng như phản ánh của Báo Người Lao Động, kể từ ngày cụ Vương Hồng Sển qua đời, đến nay đã 13 năm, dự án nhà lưu niệm cụ vẫn chưa thực hiện. Sự chậm trễ này khiến những ai kính yêu cụ và biết rõ những giá trị về ngôi nhà cổ đều cảm thấy bức xúc. Với vai trò là cơ quan quản lý di sản văn hóa, chúng tôi cũng sốt ruột không kém.

. Vì sao việc tiếp quản để trùng tu và đưa vào sử dụngngôi nhà này lại kéo dài quá lâu như vậy?

- Có rất nhiều vấn đề tế nhị trong giải quyết tranh chấp tài sản của những thành viên trong gia đình cụ Vương. Mặt khác, con trai của cụ là ông Vương Hồng Bảo đã mất khi thi hành án, số nợ mà Vương Hồng Bảo phải trả cho 41 chủ nợ tính đến thời điểm hiện nay lên đến hàng tỉ đồng. Điều này khiến chúng tôi không thể tiếp nhận ngôi nhà cổ theo kế hoạch.

. Việc tranh chấp tài sản chủ yếu là ở 4 căn nhà trệt xây bằng xi măng, không nằm trong công trình nhà cổ, nhưng vì sao không tách riêng ra để bảo vệ nhà cổ?

- Trong di chúc của cụ Vương có đề cập đến dãy phố bốn căn này và đã thuộc quyền sở hữu của các con cháu của cụ. Việc tranh chấp dãy phố này không thể giải quyết theo một phía nào mà phải dựa trên quyền thừa kế chính đáng. Chúng tôi sẽ tổ chức cuộc gặp mặt gia đình cụ Vương, cụ thể là ba người cháu nội của cụ (con của ông Vương Hồng Bảo) để lắng nghe ý kiến của các cháu.

. Vì sao suốt thời gian qua các cơ quan chức năng không bảo vệ ngôi nhà, để dân nhập cư chiếm dụng phá nát?

- Như tôi đã trình bày, vấn đề dân nhập cư trái phép vào ngôi nhà cụ Vương chỉ được giải quyết khi các vấn đề về tranh chấp được tiến hành một cách ổn thỏa. Còn việc bảo vệ các cổ vật, sách quý thì từ tháng 7-1997 chúng tôi đã di chuyển 928 cổ vật của cụ Vương về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TPHCM và đã tổ chức một gian trưng bày 100 cổ vật được chọn lọc của cụ Vương tại đây, một cách trang trọng. Riêng sách quý và tư liệu, gồm: 313 cuốn sách quý, 683 bức ảnh, 169 bản thảo nghiên cứu của cụ đang được chúng tôi bảo quản rất tốt tại Thư viện Tổng hợp.

Song chắn gỗ trước hàng hiên nhà cổ cụ Vương bị phá nát để làm kho chứa hàng của dân nhập cư. Ảnh: T.Hiệp

. Bao giờ thì dự án nhà lưu niệm cụ Vương thành hiện thực?

- Việc bàn giao ngôi nhà cổ của cụ Vương sẽ được tiến hành trong thời gian sớm nhất. UBND TPHCM đã nhanh chóng chỉ đạo cho các sở, ngành có liên quan cấp tốc cứu nguy ngôi nhà của cụ Vương. Các ngành chức năng có liên quan hiện nay đang rất khẩn trương thực hiện. Vì từ năm 2006, Sở Văn hóa Thông tin TPHCM (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM) đã thẩm định dự án trùng tu tôn tạo. Điều chúng tôi mong muốn là các con cháu của cụ phải hết sức hợp tác với Nhà nước để thực hiện nguyện vọng của cụ – một học giả có tấm lòng nhân ái đối với nền di sản văn hóa của đất nước.

“UBND TPHCM đã nhanh chóng chỉ đạo cho các sở, ngành có liên quan cấp tốc cứu nguy ngôi nhà của cụ Vương. Các ngành chức năng có liên quan hiện nay đang rất khẩn trương thực hiện” - bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch TPHCM, cho biết

Thanh Hiệp thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/cap-toc-cuu-nguy-nha-co-cu-vuong-20090415101210586.htm