Cặp vợ chồng Hải Phòng cùng mắc chung 1 bệnh ung thư: 'Mắc bệnh rồi tôi mới thấy cần yêu bản thân mình hơn'
'Mắc ung thư rồi tôi nhận thấy cần phải trân trọng sức khỏe và yêu bản thân mình hơn. Trước đây tôi ăn uống không điều độ vì kinh doanh bận rộn, có hôm 1-2 giờ chiều và 12h đêm mới ăn cơm. Ngoài ra, tôi cũng nghiện đồ xào, chiên rán nữa'.
Chị Ninh Thị Oanh (sinh năm 1979), đến từ Hải Phòng, làm công việc kinh doanh, chưa bao giờ nghĩ rằng bản thân và gia đình sẽ mắc ung thư tuyến giáp, căn bệnh mà trước đó chị không hề hay biết gì. Câu chuyện về hành trình chiến thắng bệnh tật của vợ chồng chị Oanh là động lực để mọi người thêm quý trọng sức khỏe của bản thân cùng những người thương yêu khác.
Tình cờ phát hiện ung thư trong một lần đi khám bướu cổ cùng bạn
Trước khi biết mình mắc ung thư tuyến giáp vào tháng 11/2006, chị Oanh hoàn toàn khỏe mạnh, vẫn làm việc và hoạt động bình thường. Chỉ đến khi được người bạn rủ đi khám bệnh cùng, chị mới tá hỏa về mầm bệnh đang phát triển trong cơ thể mình.
Chị Oanh nhớ lại: "Tôi có một người bạn gặp phải tình trạng phần cổ to bất thường và hay bị viêm họng, lúc ấy chỉ nghĩ là bị bướu cổ. Sau đó, người bạn rủ tôi đi khám chung tại một bệnh viện ở Hải Phòng cho đỡ lẻ loi. Lúc đó sức khỏe của tôi không có vấn đề bất thường nào".
Kết quả khám cho thấy bạn chị Oanh sức khỏe rất tốt. Còn chị thì phát hiện có khối u tuyến giáp, nghi ngờ ung thư.
Chị tâm sự rằng lúc đó mọi thứ đều rất mông lung, mơ hồ vì chị chưa thấy ai xung quanh mình bị mắc căn bệnh này. Chị nhớ lại: "Tôi chỉ hay nghe nói đến ung thư phổi, ung thư cổ tử cung hay ung thư vú còn K tuyến giáp thì chưa từng nghe thấy trước đây".
Hoang mang về bệnh, chị Oanh quyết định lên Hà Nội khám lại một lần nữa. Tại đây, các bác sĩ cũng đưa ra chẩn đoán tương tự: Dựa trên kết quả siêu âm, sinh thiết cho thấy khối u tuyến giáp có nghi ngờ ung thư cao. Bác sĩ chỉ định làm phẫu thuật loại bỏ một bên thùy nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Ngay trong lúc mổ, các bác sĩ sẽ làm sinh thiết tức thì khối u để có kết quả chính xác có phải ung thư hay không.
"Ở bệnh viện đến ngày thứ 8, tôi vẫn chưa được về nhà. Khi hỏi các bác sĩ thì nhận được câu trả lời là cần ở lại thêm 2 ngày nữa để biết được kết quả chính xác. Cuối cùng, tôi được xác định mắc ung thư tuyến giáp", chị Oanh nhớ lại.
Vợ khỏi thì chồng lại mắc và hành trình chiến đấu ung thư dai dẳng
Hành trình chiến đấu với bệnh ung thư tuyến giáp của chị Oanh kéo dài trong nhiều năm liền với những dấu mốc không thể nào quên. Sau khi có được kết quả cụ thể, bác sĩ hẹn 1 tuần sau chị Oanh quay trở lại bệnh viện để mổ lần hai, cắt bỏ nốt bên thùy còn lại.
Vào thời điểm đó, chị Oanh kể rằng bản thân rất suy sụp, cơ địa chị vốn yếu nên khi trở về nhà cũng chuẩn bị tư tưởng là căn bệnh này rất khó chữa. Mặc dù vậy, chồng chị hết lòng động viên, khuyên nhủ chị hãy kiên trì và tiếp tục cố gắng để chiến thắng bệnh tật.
Chị Oanh đã mất nhiều đêm suy nghĩ và trăn trở để đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất cho chính mình. Chị tâm sự: "Tôi đã gọi lại cho bác sĩ nói bản thân mình vẫn yếu, chưa thể mổ tiếp được, để được nghỉ ngơi thêm 1 tháng. Nếu sức khỏe ổn định, tôi sẽ quay lại bệnh viện. Nếu cảm thấy không ổn, tôi sẽ dừng điều trị".
Vào thời điểm mang bệnh, cứ trái gió trở trời, chị Oanh lại bị ho, viêm họng, đường hô hấp bị ảnh hưởng rất nhiều. Chưa dừng lại ở đó, bệnh K tuyến giáp cũng khiến cơ thể của chị bị “bào mòn” hơn, chị hay bị đau mỏi xương khớp và cảm thấy không còn khỏe như lúc trước.
Những lúc nằm viện, đã nhiều lần chị rơi nước mắt mỗi khi nghĩ đến chồng con. Anh chị mới lập nghiệp, kinh tế còn chưa ổn định, các con còn đang thơ dại. Chị lo ca mổ của mình không thành công thì lấy ai chăm sóc gia đình, lo từng miếng ăn giấc ngủ cho các con. Tuy nhiên, sau khi được người thân động viên, chị Oanh dần lạc quan, tiếp tục điều trị theo chỉ định của bác sĩ để chiến thắng bệnh ung thư.
"1 tháng sau, ăn Tết âm lịch xong, đến mùng 6 tôi lên Hà Nội để mổ lần hai. Tôi cũng tự nhủ mình cần phải mạnh mẽ vì gia đình, con cái. Nếu bản thân suy sụp thì sẽ khiến các con mất đi chỗ dựa", chị Oanh nhớ lại.
Rất may ca mổ thành công và chị dần ổn định sức khỏe. Chị uống thuốc theo phác đồ điều trị, sử dụng thêm thực phẩm chức năng để nâng cao sức đề kháng. Những tưởng rằng mọi sóng gió đều đã qua, vợ chồng chị có thể yên tâm làm ăn, chăm lo cho con cái thì sự cố khác bất ngờ lại ập đến.
4 năm sau, chồng chị đi viện kiểm tra sức khỏe tổng quát thì cũng phát hiện mắc căn bệnh ung thư tuyến giáp. Lần này khi nhận kết quả, vợ chồng chị đã bình tĩnh hơn, không quá suy sụp vì từng có kinh nghiệm chiến đấu với loại ung thư này.
"Hai vợ chồng tôi động viên nhau vì tôi từng mắc bệnh nên nhìn mọi thứ nhẹ nhàng hơn. Đàn ông cũng có sức khỏe tốt hơn phụ nữ nên chúng tôi có niềm tin mọi thứ sẽ ổn thôi”, chị Oanh cho biết.
Chị Oanh đã luôn ở bên chồng để cùng anh chống chọi với bệnh tật giống như cách mà anh đã hết lòng vì chị trước đây. Chị chăm sóc anh tận tình và chu đáo, theo anh đến bệnh viện để xét nghiệm và làm phẫu thuật. Sau khi ca mổ thành công, với kinh nghiệm có được, chị Oanh thiết lập chế độ nghỉ ngơi và ăn uống phù hợp cho chồng mình.
Với chị, tình yêu thương và sự lạc quan chính là “những liều thuốc” quý giá để chiến thắng căn bệnh ung thư này. Và quả thật, chỉ sau một thời gian ngắn, chồng chị đã vượt qua được cửa ải khó khăn của cuộc đời mình. Với anh chị đó là phép “nhiệm màu” tuyệt vời mà cuộc đời đã mang đến cho cả hai.
“Chồng tôi điều trị rất nhanh chóng và ổn định đến tận bây giờ. Sau khi khỏi bệnh, cả hai vợ chồng vẫn đi khám định kỳ đều đặn", chị Oanh cho hay.
Một thời gian sau, chị gái chị Oanh cũng phát hiện mắc K tuyến giáp. Bằng kinh nghiệm của mình, chị vừa là chỗ dựa tinh thần, vừa là người hướng dẫn, chia sẻ cho chị gái những việc cần làm khi mắc bệnh.
"Mắc ung thư rồi tôi mới thấy cần yêu bản thân mình hơn"
Kể từ sau khi chiến thắng bệnh tật, vợ chồng chị Oanh đã thay đổi lối sống trước kia để bảo vệ sức khỏe của mình. Chị chia sẻ: "Mắc ung thư rồi tôi nhận thấy cần phải trân trọng sức khỏe và yêu bản thân mình hơn. Trước đây tôi ăn uống không điều độ vì kinh doanh bận rộn, có hôm 1-2 giờ chiều và 12h đêm mới ăn cơm. Ngoài ra, tôi cũng nghiện đồ xào, chiên rán nữa".
Giờ đây, vợ chồng chị Oanh đã có lối sống và chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh hơn. Chị tâm sự: "Hiện vợ chồng tôi đã thuê thêm người làm để công việc bớt bận rộn, ăn đúng giờ đúng bữa. Sau khi mắc bệnh, mâm cơm thường ngày của gia đình tôi sẽ chủ yếu là canh, đồ luộc hấp. Các món nhiều dầu mỡ, cay nóng, chiên xào gần như tôi không còn đụng đến. Tôi cũng duy trì việc tập thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng. Hiện tại, sức khỏe của hai vợ chồng đã tốt lên rất nhiều".
Sau tất cả những gì đã trải qua, chị Oanh khuyên mọi người nếu mắc bệnh K tuyến giáp hoặc các bệnh ung thư khác thì cần giữ tinh thần lạc quan, tư tưởng thoải mái, tích cực thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn.
"K tuyến giáp khác với các bệnh ung thư khác ở chỗ, trong quá trình điều trị người bệnh vẫn có thể lao động, sinh hoạt như bình thường. Do đó, với tôi, bệnh ung thư không quá đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ, quan trọng là tinh thần của bản thân cần được giữ vững để vượt qua bạo bệnh", chị Oanh chia sẻ.
Ngoài ra, chị Oanh cũng khuyên những ai mắc bệnh ung thư rằng: "Tránh nghe nhiều chiều thông tin từ mọi người xung quanh, cần giữ vững lập trường và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Y tế ngày nay rất tiên tiến và hiện đại. Mọi người cần tin tưởng vào bác sĩ điều trị và tin vào nền y học nước nhà".
ThS. BS Nội trú Nguyễn Xuân Tuấn, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, là người đang trực tiếp theo dõi cho sức khỏe của vợ chồng chị Oanh. Đồng thời, là người phẫu thuật cho chị gái của chị Oanh, BS Tuấn cho biết, các ca mổ rất thuận lợi. Bác sĩ đánh giá, hiện tại tình trạng sức khỏe của của 3 chị em đều ổn định. Kết quả khám sức khỏe định kỳ của hai vợ chồng chị Oanh chưa thấy tái phát.
Đối với những bệnh nhân đã điều trị ung thư tuyến giáp, bác sĩ Tuấn khuyên đây là những việc người bệnh nên tuân thủ để đảm bảo sức khỏe tốt:
- Điều chỉnh liều hormon tuyến giáp theo mục tiêu ức chế TSH và không bị cường giáp. Định kỳ 3 tháng/lần. Khi nào có vấn đề bất thường cần điều chỉnh thì nên lấy máu xét nghiệm sau 1 tháng để đánh giá lại.
- Bổ sung canxi và vitamin D nếu cần, tùy theo tình trạng từng người. Mục tiêu tránh hạ canxi máu và dự phòng loãng xương, đau mỏi cơ khớp.
- Theo dõi định kỳ phát hiện tái phát sớm nếu không may mắc bệnh. Thông qua việc xét nghiệm Tg, antiTg (với người đã cắt toàn bộ TG) và siêu âm hạch cổ. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ tái phát có thể sẽ cần được làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu hơn tiếp theo tùy từng tình huống.
- Cái gì tốt cho sức khỏe thì có thể bổ sung, quan trọng nhất vẫn là dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ, không kiêng khem khắt khe.
- K giáp đã điều trị không phải bệnh lý nền nghiêm trọng.
- Mọi người không phải lúc nào cũng chỉ nghĩ tới K giáp, các vấn đề sức khỏe khác vẫn còn rất nhiều. Do đó, cần khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm thay vì chỉ khám mỗi K tuyến giáp.