Cấp xã có nên tổ chức các hội thi liên quan đến chuyên môn của ngành Giáo dục?
Các hoạt động thi đua về chuyên môn chỉ nên dừng lại ở cấp trường và cấp tỉnh, nếu cấp xã tổ chức nữa thì không khác trước đây là bao nhiêu.
Từ ngày 01/7/2025, chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động, cấp huyện chính thức dừng hoạt động. Cũng thời gian này, phòng giáo dục và đào tạo ở các địa phương cũng kết thúc sứ mệnh của mình. Các trường từ mầm non đến trung học cơ sở công lập trước đây do ủy ban nhân dân huyện quản lý nhà nước về giáo dục đã chuyển về cho cấp xã.
Chính vì thế, Thông tư số 12/2025/TT-BGDĐT ngày 12/6/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn cấp xã sẽ tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi; giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi thay cho cấp huyện trước kia. Còn một số phong trào, hội thi trước đây do phòng giáo dục và đào tạo đảm nhận hiện chưa có hướng dẫn sẽ tổ chức ra sao, như: thi học sinh giỏi cấp huyện thi viết sáng kiến kinh nghiệm; thi làm đồ dùng dạy học (trước đây), …
Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cấp xã chỉ nên quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường từ mầm non đến trung học cơ sở công lập. Các hoạt động thi đua về chuyên môn chỉ nên dừng lại ở cấp trường và cấp tỉnh sẽ phù hợp với thực tế. Nếu cấp xã tổ chức nữa thì không khác trước đây là bao nhiêu. Vô tình, vẫn tăng áp lực cho giáo viên và lãng phí thêm nhiều nguồn lực khác.

Ảnh minh họa: Phạm Thi
Các hội thi, cuộc thi chỉ nên dừng lại ở cấp trường và cấp tỉnh
Thực ra, các phong trào thi đua trong ngành giáo dục ở những năm vừa qua có rất nhiều. Cấp học nào cũng có nhiều hội thi, kỳ thi, cuộc thi của giáo viên và học sinh được cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh tổ chức. Mỗi cấp tổ chức, tất nhiên giáo viên đều phải tham gia- dù trực tiếp hoặc gián tiếp.
Chẳng hạn như hội thi giáo viên dạy giỏi; giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh dù chu kỳ là 2 năm (cấp trường, cấp huyện), 4 năm (cấp tỉnh) nhưng vẫn có sự chồng lấn nên gần như năm nào cũng tổ chức, không cấp này thì cấp khác.
Khi bỏ cấp huyện, Thông tư số 12/2025/TT-BGDĐT hướng dẫn cấp xã tổ chức nên về cơ bản không hề giảm tải ở hội thi này. Trong khi, phòng văn hóa- xã hội cấp xã hiện nay cũng chỉ có 1-2 người là những lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục trước đây được phân công về đây.
Vì vậy, trình độ đào tạo là trung học cơ sở, nhưng cũng có khi là tiểu học hoặc mầm non nên tối đa mỗi chuyên viên cũng chỉ am hiểu được 1 chuyên ngành ở 1 cấp học. Thực tế, cấp tiểu học và trung học cơ sở có hàng chục môn học khác nhau.
Vì thế, cấp xã tổ chức thì nhân sự làm giám khảo cũng phải điều từ các trường trong xã đảm nhận. Trong khi, cấp trường cũng đã tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi; giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi.
Việc lặp lại hội thi ở cấp xã thêm một lần nữa sẽ dẫn đến sự nhàm chán cho cả người thi, người chấm và tốn kém kinh phí cho cấp tổ chức khi phải chi trả thù lao cho giám khảo và phát thưởng cho người đạt giải.
Nhưng, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở còn có rất nhiều cuộc thi khác như: thi học sinh giỏi; thi viết sáng kiến kinh nghiệm; thi làm đồ dùng dạy học; thi ca múa nhạc; thi vẽ tranh; thi thuyết trình tiếng Việt dành cho học sinh thiểu số; thi hùng biện tiếng Anh; thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học;
Thi chọn học sinh giỏi giải máy tính cầm tay; thi sân khấu hóa các câu chuyện văn học dân gian bằng tiếng Anh; thi “Văn- Toán tuổi thơ” dành cho học sinh tiểu học; thi “viết đúng, viết đẹp” dành cho học sinh tiểu học…Những hội thi, cuộc thi trên trước đây đều được cấp huyện tổ chức. Nếu năm học tới mà chuyển cho cấp xã thì sẽ gây áp lực cho cấp xã và dẫn đến nhiều bất cập.
Vì sao cấp xã không nên tổ chức các phong trào thi đua liên quan đến chuyên môn?
Thực hiện chính quyền 2 cấp hiện nay, cấp xã (phường) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non là phù hợp với thực tế vì nếu giao cho sở giáo dục hoặc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố sẽ quá tải.
Chính vì thế, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục và đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự kiến giao cho cấp xã, phường thực hiện việc bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý trường học từ cấp mầm non đến trung học cơ sở theo phân cấp quản lý nhà nước sẽ sát thực tế hơn.
Theo dự thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ, biệt phái, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng và kỉ luật đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý.
Điều này cũng đồng nghĩa, nếu dự thảo được thông qua chính thức thì tới đây cấp xã sẽ “bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ…” đối với các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non; tiểu học; trung học cơ sở trong phạm vi địa bàn xã quản lý.
Những công việc này, chúng tôi cho là phù hợp để giảm áp lực cho sở giáo dục ở các địa phương.
Riêng về chuyên môn và các phong trào thi đua về chuyên môn nên để sở giáo dục quản lý sẽ phù hợp hơn cả. Công tác chuyên môn sở chỉ đạo, thông qua hệ thống quản lý các nhà trường và đội ngũ cốt cán ở các địa bàn.
Các phong trào thi đua của ngành nên chỉ dừng lại ở cấp trường, thậm chí một số phong trào cấp trường chỉ cần lựa chọn đội tuyển, số người tham dự rồi thi cấp tỉnh là được. Càng ít cấp tổ chức thì càng đỡ áp lực cho cấp tổ chức (cấp xã, cấp trường) và tiết kiệm được kinh phí cho đơn vị.
Hơn nữa, nếu cấp xã đứng ra tổ chức các phong trào thi đua thì nhân sự cũng phải điều động ở các trường trong địa bàn của xã. Tính khách quan, công tâm ít nhiều sẽ bị thách thức mà những thầy cô được điều động họ cũng thấy băn khoăn, khó xử khi đứng ra chấm thi cho các đồng nghiệp trong đơn vị, trong xã của mình.
Tốt, giỏi thì không sao, nếu người thi hoặc sản phẩm dự thi không hiệu quả, người chấm để rớt thì sẽ phát sinh nhiều thị phi. Trong khi, thù lao chấm thi lâu nay cũng chỉ mang tính tượng trưng.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng các hội thi, như: giáo viên dạy giỏi; giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi; tổng phụ trách Đội giỏi, hoặc thi học sinh giỏi, thi viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học…không nên tổ chức ở cấp xã. Bởi thực tế, có nhiều bất cập mà hiệu quả của hội thi, cuộc thi cũng chẳng đáng là bao so với công sức giáo viên bỏ ra.
Khi thực hiện chính quyền 2 cấp là hướng đến bỏ cấp trung gian nên thêm cấp xã tổ chức thì vô tình các phong trào thi đua trong ngành giáo dục vẫn như trước đây. Áp lực của giáo viên cũng không hề giảm