Cát công nghiệp thay thế cát tự nhiên ở Lai Châu có đảm bảo chất lượng công trình?
Công trình sử dụng cát công nghiệp nghiền từ đá vôi thi công và xuống cấp chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng. Thực trạng này đang diễn ra ở tỉnh biên giới Lai Châu, nơi cát tự nhiên đang khan hiếm và đây có phải là giải pháp để đảm bảo chất lượng lâu dài của các công trình sau nghiệm thu đưa vào sử dụng?
Hơn 5 năm sau khi đưa vào sử dụng tuyến đường nội đồng và cũng là tuyến đường dân sinh của bà con, người dân bản Chom Chăng, xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên (Lai Châu) vẫn hàng ngày đi về nhà trên con đường bê tông xuống cấp lổn nhổn đá. Kỳ vọng ban đầu về một con đường nông thôn mới khang trang, sạch đẹp chỉ được duy trì trong một thời gian ngắn và nay bà con cho rằng, con đường đã xuống cấp không bằng đường cũ.
Ông Hoàng Văn Yên, ở bản Chom Chăng, xã Thân Thuộc bức xúc nói: “Đoạn đường đầu tiên tự tay tôi đi đổ bê tông, nhưng do ít xi măng quá. Doanh nghiệp sử dụng mạt đá đến 7 - 8 xô, nên bây giờ đường mục hết, sỏi đá lổn ngổn, vì ít xi măng nên bê tông không thể đông kết chặt. Tôi đã từng trộn đoạn đường từ Hạt Kiểm lâm sang đến nhà tôi và bây giờ bong hết rồi. Sử dụng chưa đầy một năm cả tuyến đường đã hỏng hết rồi”.
Ngay sau khi tuyến đường hoàn thành vào năm 2018, nhiều nhóm hộ sinh sống dọc tuyến đã được Nhà nước hỗ trợ thêm vật liệu xây dựng để làm đường đấu nối về nhà. Bộ mặt đường quê tưởng chừng sẽ khang trang hơn, nhưng vật liệu nhà nước cho không đảm bảo, nên chỉ vài tháng nhiều tuyến đường nhánh cũng hư hỏng nặng.
Chị Hoàng Thị Bua, ở bản Chom Chăng, xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên chia sẻ: “Xã cho vật liệu xây dựng như: sỏi, cát, xi măng rồi bà con khác tự đổ lấy, xin thêm một ít xi măng họ cũng không cho. Mặt đường bây giờ càng ngày càng lột ra, bà con cũng bảo nhau quét dọn, nhưng càng quét mặt đường càng lột đá lên. Mong muốn nhà nước hỗ trợ để sửa con đường đẹp một chút, trời mưa bà con đi lại rất khó khăn và bẩn lắm”.
Dự án nâng cấp đường sản xuất bản Chom Chăng giai đoạn 1 được đầu tư năm 2014, có chiều dài hơn 800m và giai đoạn 2 được đầu tư thêm hơn 800m đấu nối, do UBND xã Thân Thuộc làm chủ đầu tư. Đây cũng là dự án đường giao thông nhóm C, có chiều rộng đường 3m, kết cấu mặt bê tông dày 14cm, với tổng vốn gần 1,5 tỷ đồng và được đầu tư theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, chủ đầu tư đã thuê doanh nghiệp thi công và người dân phải đóng góp số tiền 176 triệu đồng tiền công.
Ông Lò Văn Hòa, Trưởng bản Chom Chăng, xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên khẳng định: Chất lượng công trình quá kém, thi công không đảm bảo nên đường mới làm được có 3 tháng đã bắt đầu bong tróc, bề mặt đường vỡ vụn. Đến nay, đường bê tông còn xấu hơn đường cấp phối, có đoạn còn không bằng đường cũ. Đi xe không đã khổ, mỗi khi đi lại chở nông sản, phân bón, người dân rất vất vả.
“Tuyến đường sử dụng được có 3 tháng thì chóc mặt lên rồi. Vật liệu do doanh nghiệp đổ, trộn bằng máy. Đường đầu tư theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, dân thì đóng góp ngày công nhưng quy đổi ra tiền. Tiền đóng góp là 176 triệu nhưng dân không đóng góp, bởi vì đường được 3 tháng hỏng nên họ không đóng góp”, ông Hòa nói.
Hiện nay, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đang quản lý xây dựng 27 công trình, dự án vốn ngân sách nhà nước, với tổng vốn đầu tư khoảng 255 tỷ đồng. Hầu hết các công trình đang sử dụng cát công nghiệp nghiền từ đá vôi thay cho cát tự nhiên trong thi công. Nguyên nhân các công trình sử dụng loại vật liệu này thay cho cát tự nhiên được lãnh đạo Ban Quản lý Xây dựng cơ bản và hỗ trợ bồi thường di dân tái định cư huyện Tân Uyên đưa ra là do trên địa bàn thiếu và có mỏ đá được cấp và chấp thuận hợp quy đối với sản phẩm cát nghiền.
Ông Nguyễn Văn Kiều, Phó Giám đốc Ban Quản lý Xây dựng cơ bản và hỗ trợ bồi thường di dân tái định cư huyện Tân Uyên khẳng định, chất lượng bê tông sử dụng cát công nghiệp nghiền từ đá vôi không đảm bảo bằng cát tự nhiên. Đa phần các công trình xây dựng trên địa bàn được chấp thuận sử dụng loại cát này đều là các công trình tiếp chi, được khởi công nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, các hạng mục kết cấu quan trọng của công trình vẫn đang được các nhà thầu chủ động sử dụng cát tự nhiên để đảm bảo chất lượng.
“Hiện tại, chưa có công trình nào trên địa bàn sử dụng hoàn toàn bằng cát công nghiệp xay từ đá vôi, mà các nhà thầu sử dụng cả hai loại. Vì các nhà thầu cũng có nhận định, nếu cát đó sử dụng riêng hoàn toàn thì độ đông kết của bê tông quá nhanh, khi đổ bê tông xong sẽ có hiện tượng đứt mặt. Hiện tại các nhà thầu đang sử dụng cả hai loại phối trộn với nhau để chất lượng bê tông được cải thiện hơn”, ông Nguyễn Văn Kiều cho biết.
Chất lượng cát công nghiệp nghiền từ đá vôi như thế nào, quy trình cấp phép sản xuất, chấp thuận hợp quy đưa vào sử dụng đối với sản phẩm cát này ra sao, đang là dấu hỏi lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Vấn đề này sẽ được VOV tiếp tục phản ánh để có cái nhìn toàn diện, nhiều chiều về chất lượng công trình sử dụng sản phẩm này sau khi được nghiệm thu và đưa vào sử dụng./.