Cắt đường, xén công viên làm bãi đậu xe (bài 1)
Là đô thị lớn, phát triển nhanh về kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh kéo theo nhiều hệ lụy phát sinh như dân số, phương tiện giao thông, nhu cầu giao thương… Những năm qua tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng nhưng chính quyền thành phố vẫn loay hoay với chuyện giảm phương tiện cá nhân, đẩy mạnh phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn.
Trong khi đó, sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều loại hình vận tải khách mới để thay thế cho vận tải truyền thống. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng đã có hàng chục nghìn đầu xe container, xe khách tập trung về hoạt động hàng ngày nhưng việc xây dựng hệ thống bến bãi đậu xe theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã không được quan tâm. Do đó hàng trăm nghìn phương tiện vẫn lấy vỉa hè, lòng đường làm nơi dừng đậu xe…
Khi chủ trương chưa đi vào thực tế
Trước thực trạng số lượng ôtô, xe máy cá nhân tăng nhanh tại TP Hồ Chí Minh, ngày 8/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 568 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 (Quy hoạch 568). Theo đó, đối với hạ tầng giao thông tĩnh, yêu cầu đặt ra với TP Hồ Chí Minh là sắp xếp lại toàn bộ hệ thống các điểm, bến, bãi đỗ xe cho phù hợp, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông cũng như đảm bảo mỹ quan đô thị. Ưu tiên dành quỹ đất hợp lý để phát triển giao thông tĩnh; các công trình xây dựng mới phải có tỷ lệ quỹ đất hợp lý dành cho giao thông tĩnh. Đồng thời ưu tiên sử dụng một phần quỹ đất dành cho giao thông tĩnh từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan... khi di dời ra khỏi trung tâm thành phố. Diện tích đất của các bến xe cũ khi di chuyển phải giữ lại làm điểm trung chuyển, điểm đầu cuối xe buýt và giữ lại một phần diện tích dành cho giao thông tĩnh.
Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu trên, TP Hồ Chí Minh cần dành tổng diện tích bến bãi lên đến 1.146 ha. Trong đó, cải tạo, xây dựng, chuyển công năng bến bãi để hình thành 7 bến xe khách liên tỉnh với diện tích khoảng 79 ha; bố trí 22 bến xe buýt, gồm 11 bến chính và 11 bến khu vực với diện tích khoảng 30 ha; quy hoạch 20 bến ôtô hàng hóa ở cửa ngõ ra vào nội đô và trên đường Vành đai 2 để phục vụ tập kết hàng hóa từ các tỉnh về, sau đó chuyển tiếp vào nội đô hoặc chuyển tiếp ra cảng và ngược lại với diện tích khoảng 305 ha. Đồng thời cải tạo, xây dựng mới 3 bến hàng hóa, diện tích 130 ha, nâng tổng diện tích cho các bến xe chở hàng hóa lên mức 544 ha.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh phải bố trí 15 bãi đậu xe taxi với diện tích khoảng 31 ha; quy hoạch 42 bãi đỗ xe ôtô với diện tích khoảng 520 ha cho xe tải và xe con, ưu tiên bố trí các bãi đỗ xe ôtô dọc theo đường Vành đai 2, tại các vị trí ra vào nội đô với tổng diện tích lên đến 602 ha. Tuy vậy đến thời điểm này số bến bãi đậu xe ôtô với diện tích rất lớn trên mới chỉ được xây dựng với diện tích rất nhỏ.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đậu ôtô, xe máy ở khu vực trung tâm, cách đây khoảng 15 năm TP Hồ Chí Minh đã thông qua chủ trương xây dựng 4 bãi đậu xe ngầm tại sân khấu Trống Đồng và khu vực sân bóng đá ở công viên Tao Đàn; cùng các bãi đậu xe ngầm ở sân vận động Hoa Lư và công viên Lê Văn Tám. Chính quyền thành phố kỳ vọng khi các bãi đậu xe ngầm này đi vào khai thác sẽ đáp ứng chỗ đậu xe cho khoảng 6.000 ôtô và 6.000 xe máy nhưng đến nay vẫn chưa một bãi đậu xe ngầm nào được hình thành.
Ngoài bãi đậu xe ngầm phía dưới sân khấu Trống Đồng vẫn đang phải chờ gỡ vướng thì dự án bãi đỗ xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám đã được UBND TP Hồ Chí Minh quyết định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn vào năm 2020. Hai dự án bãi đậu xe ngầm còn lại nằm tại khu vực sân bóng đá ở công viên Tao Đàn và sân vận động Hoa Lư cũng đã được nhà đầu tư thông báo chấm dứt từ năm 2019.
Các bãi đậu xe ngầm chưa thể hình thành nên cách đây mấy năm Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã phải tính đến phương án “xén” đất công viên làm bãi đậu xe lắp ghép cao tầng như bãi đậu xe trong khu vực công viên 23/9; bãi đậu xe tại công viên Gia Định hoặc bãi đậu xe ở công trường Lam Sơn. Ngoài ra, từ năm 2016, Sở GTVT đã làm việc với Sở Y tế, các nhà đầu tư và 11 bệnh viện để cắt một phần đất vốn đã chật hẹp trong khuôn viên các bệnh viện ra để làm bãi đậu xe cao tầng nhằm phục vụ nhu cầu tại chỗ. Mặt khác, do hệ thống bến bãi đậu xe theo quy hoạch không được xây dựng nên việc đậu xe ở khu vực trung tâm đều phải trông chờ vào diện tích hầm để xe của các tòa nhà cao tầng.
Sở GTVT tính toán, trong phạm vi bán kính 500m từ trung tâm thành phố có 59 tòa nhà cao tầng có từ 1-5 tầng hầm để xe với tổng diện tích 94.233m2, nhưng cũng chỉ dành được khoảng 20% cho nhu cầu đậu xe công cộng. Ngoài ra khu vực này có 2 bãi đậu xe cao tầng do doanh nghiệp đầu tư với quy mô 1.900 xe ôtô và 2.900 xe máy. Vậy nhưng đến nay, tình hình phát triển bến bãi đậu xe vẫn không khả quan là mấy. Phương tiện tăng nhanh trong khi một loạt dự án bãi đậu xe không được triển khai, nên sau thời gian thí điểm, từ tháng 7/2023 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã phải chính thức cho phép sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè làm nơi đậu xe có thu phí.
Bất hợp lý với các giải pháp tình thế chống kẹt xe
Chưa tính số lượng ô tô, xe máy mang biển số các tỉnh được người dân đưa về thành phố để sử dụng thường xuyên, đến nay TP Hồ Chí Minh đang quản lý khoảng 8,9 triệu ôtô, xe máy. Trong đó số lượng ôtô là trên 900 xe và con số này vẫn không ngừng tăng lên. Để giảm kẹt xe cho khu vực trung tâm, từ năm 2010, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận đề xuất của Công ty CP công nghệ Tiên Phong về việc tổ chức khoanh vùng để thu phí ôtô vào khu trung tâm.
Theo đề án này, nhà đầu tư sẽ lập vành đai thu phí đối với ôtô thông qua 36 cổng thu phí tự động được lắp đặt tại các tuyến đường xung quanh quận 1, quận 3 và vùng giáp ranh với quận 5, quận 10. Các tuyến đường được lập vành đai để thu phí là đường 3/2, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên và tuyến đường Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tại các cổng thu phí này, nhà đầu tư sẽ lắp các thiết bị tính phí và camera chuyên dụng để nhận dạng các loại xe.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.200 tỷ đồng và để thu hồi vốn, nhà đầu tư đề nghị mức thu phí xe ôtô vào nội ô là 30 nghìn đồng/lượt đối với xe hơi, 50 nghìn đồng/lượt với các loại xe còn lại. Việc thu phí sẽ được thực hiện từ 6h đến 20h hàng ngày. Song do có nhiều dư luận trái chiều lo ngại rằng thu phí chỉ đơn giản là để thu phí, chứ không thể hạn chế xe ôtô vào trung tâm nên đến nay giải pháp cưỡng bức này vẫn chưa được triển khai.
Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT, TP Hồ Chí Minh có tổng cộng 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5m trở lên, nhưng trong đó đã có đến 3.631 tuyên đường có bê rộng lòng đường nhỏ hơn 7,5m và chỉ có 1.238 tuyến đường có bề rộng trên 7,5m. Vì vậy, để giảm ùn tắc phương tiện cho các tuyến đường hướng vào khu vực trung tâm, đường liên quận, những năm qua TP Hồ Chí Minh đã phải bố trí lưu thông một chiều đối với hàng loạt đoạn hoặc tuyến đường. Việc này gây ảnh hưởng không ít đến đời sống người dân hai bên các tuyến được quy hoạch lưu thông một chiều.
Để giảm tình trạng ùn tắc phương tiện trên đường, TP Hồ Chí Minh đã phải “xé” luật, cho phép xe máy được quẹo phải khi đèn đỏ tại nhiều giao lộ. Điều này đã vô tình tạo thói quen xấu trong một bộ phận đông đảo người đi xe máy trên đường là dù thấy đèn đỏ trước mặt vẫn cứ thản nhiên quẹo phải. Lòng đường hẹp, chỉ cần 1 xe ôtô và một vài xe máy dừng chờ đèn tín hiệu là kín hết mặt đường, không còn chỗ để nhường cho người đi xe máy phía sau lách lên để quẹo phải. Cảnh người phía sau bóp còi xe inh ỏi, buông lời chửi thề những người dừng xe máy phía trước yêu cầu nhường đường một cách bất hợp lý xảy ra thường xuyên. Thậm chí đã có nhiều vụ cự cãi, đánh lộn xảy ra bởi nguyên nhân trên. Kiểu phân luồng phương tiện giao thông bất chấp pháp luật, gây thêm hiềm khích giữa những người đi đường như vậy khiến một bộ phận người dân có thói quen đi đúng phần đường, làn đường không khỏi bức xúc.
Với mục tiêu giảm áp lực phương tiện giao thông cho các tuyến đường nội thành, nhất là ở khu vực trung tâm, cách đây hơn chục năm, TP Hồ Chí Minh đã đồng loạt thực thi chủ trương di dời trường đại học, bệnh viện và các cảng biển ven sông Sài Gòn ra vùng ven hoặc ngoại thành. Nghịch lý là cũng trong chừng ấy năm, khu vực trung tâm và các quận nội thành cũ như quận 1, quận 3, quận 5, quận 10, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh và quận Tân Bình lại đã có thêm vài trăm tòa nhà cao tầng là các khu chung cư, trung tâm thương mại, khách sạn, cao ốc văn phòng mọc lên. Trong đó chỉ riêng khu vực 20 ô phố trung tâm, dự kiến sẽ có thêm cả trăm tòa nhà cao tầng được xây dựng.
Đối với việc phát triển loại hình vận tải công cộng chủ lực là xe buýt, tuy đã được phép hưởng “đặc quyền” là đi vào đường cấm ôtô và tiêu tốn số tiền trợ giá cả nghìn tỷ đồng mỗi năm thì những năm qua cũng chỉ đáp ứng trên dưới 10% nhu cầu đi lại. Ngay trong thời điểm Sở GTVT TP Hồ Chí Minh triển khai vận động người dân đi xe buýt với khẩu hiệu “Nào ta cùng buýt” thì chúng tôi vẫn chứng kiến những hàng xe máy của chính cán bộ, nhân viên Sở GTVT xếp chật kín trong các khu vực để xe máy trong khuôn viên vốn đã chật hẹp của Sở này. Trong khi đó, họ là những đối tượng có giờ giấc, lộ trình đi làm cố định hàng ngày.
Còn với giải pháp “lệch ca, lệch giờ” dành cho 1,7 triệu học sinh, do việc này liên quan đến giờ giấc làm việc của phụ huynh đưa, đón con em nên cũng mới chỉ dừng lại ở mức Sở Giáo dục và Đào tạo quy định khung giờ vào học, tan học; Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện quy định giờ vào học, tan học của từng trường, cụm trường. Từ đó các trường chủ yếu chỉ “lệnh giờ” với nhau được 5-15 phút nên hiệu quả chưa cao. Nhất là trong điều kiện tốc độ di chuyển của phương tiện giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường đã giảm xuống còn rất thấp.
Đường hẹp, các loại phương tiện giao thông đường bộ tăng quá nhanh đã kéo tốc độ di chuyển trên các tuyến đường của thành phố ngày càng chậm lại. Theo tính toán của Sở Tài nguyên và Môi trường, nếu như TP Hồ Chí Minh phát thải ra khoảng 38,5 triệu tấn khí CO2 mỗi năm thì nguồn phát thải từ lĩnh vực giao thông đã chiếm đến 45%. Do đó để kiểm soát khí thải đối với xe máy, Sở GTVT đã phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Viện Khoa học và Công nghệ GTVT tổ chức triển khai đề án “Thí điểm kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”.
Theo Sở GTVT nếu thực hiện kiểm soát khí thải xe máy, mỗi năm môi trường thành phố sẽ giảm phát thải 56.403 tấn CO và 4.800 tấn HC. Để kiểm soát khí thải đối với xe máy, Đề án trên cũng đã xây dựng lộ trình dự kiến triển khai với nhiều giai đoạn. Từ năm 2023 - 2025 sẽ thí điểm kiểm soát khí thải xe máy có thu phí đối với xe máy của người dân ở khu vực quận 1, quận 3 và quận 10.
Sau năm 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai ra khu vực các quận 5, Tân Bình và sau năm 2027 sẽ kiểm soát khí thải xe máy của người dân sinh sống tại các quận nội thành. Việc kiểm soát khí thải đối với xe máy sẽ được thực hiện đối với xe đã sử dụng trên 5 năm. Tuy nhiên, với gần 8 triệu xe máy các loại, việc tổ chức kiểm soát như thế nào để đảm bảo công bằng, tránh quá tải vẫn là câu hỏi lớn.