Cắt giảm phương tiện đi lại của ông Công, ông Táo: Cá chép sống 'cháy hàng'
Do có tâm lý sợ ế, nhiều tiểu thương bán cá chép sống tại Hà Nội chủ động giảm số lượng trong ngày ông Công, ông Táo. Thế nhưng, mặt hàng này lại đang 'cháy hàng'.
Sợ “ế”, tiểu thương nhập cá chép hạn chế
Hàng năm, trong ngày ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), người dân khắp cả nước lại chuẩn bị các vật phẩm như cá chép sống, mũ hài, vàng mã, hoa tươi,… cùng mâm cơm, hoa quả để cúng ông Công, ông Táo về trời.
Do có tâm lý sợ ế, nhiều tiểu thương bán cá chép sống tại Hà Nội chủ động giảm số lượng trong ngày ông Công, ông Táo.
Trong đó, cá chép sống là một trong những vật phẩm được mua nhiều nhất trong ngày này. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng cá chép vẫn lo ngại cá chép bị “ế” nên số lượng nhập về có ít hơn mọi năm.
Bà Nguyễn Thị Thìn, một hộ kinh doanh cá chép sống tại chợ Nguyễn An Ninh chia sẻ: “Mọi năm, gia đình chúng tôi có thể nhập trên dưới 500 con cá chép vàng, lớn bé các loại, từ chợ đầu mối Yên Sở về bán lẻ. Tuy nhiên, do lo ngại dịch bệnh, người dân hạn chế mua sắm, nên trước ngày ông Công, ông Táo, số lượng nhập về chỉ còn một nửa”.
Theo bà Thìn, thực tế cho thấy, trong 3 ngày gần đây, lượng khách mua cá chép đã giảm 30% - 40% so với mọi năm.
Tương tự, tại chợ Khâm Thiên, bà Trần Thị Hương cũng nhập hàng ít hơn mọi năm, vì sợ “ế” hàng. Theo bà Hương, ngoài yếu tố dịch bệnh, thì ngày ông Công, ông Táo năm nay rơi vào ngày làm việc, nên số lượng người mua cũng giảm sút.
“Năm nay, nhiều người về quê sớm, những ngày 20 - 21 đã có người về quê rồi. Đường phố Hà Nội cũng kém sôi động hơn, nhiều khi vắng tanh, nên không dám nhập về nhiều để bán”, bà Hương nói.
Dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên báo Nhà báo và Công luận vào sáng sớm ngày 25/1 (tức là ngày ông Công, ông Táo), hầu như các quầy hàng bán cá chép sống đều “cháy hàng”.
Theo khảo sát, mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng giá cá chép năm nay cao hơn so với năm ngoái, dao động từ 200.000 - 230.000 đồng/kg, tùy thuộc vào kích cỡ cá chép. Hầu hết các tiêu thương đều bán theo bộ 3 con, với giá từ 50.000 đồng - 80.000 đồng/bộ.
Ngoài cá chép, tại các chợ còn bán nhiều mặt hàng khác gắn liền với ngày ông Công, ông Táo như xôi cá chép, thạch hình cá chép hay chè cá chép với giá từ 60.000 - 110.000 đồng/bộ 3 con.
Phương tiện đi lại của ông Công, ông Táo bị cắt giảm
Hầu hết, cá chép sống được bán tại Hà Nội đều được nhập từ làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Trong năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động nuôi cá chép tại đây, điều này đã ảnh hưởng tới sản lượng cá chép thu hoạch trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng giá cá chép năm nay cao hơn so với năm ngoái, dao động từ 200.000 - 230.000 đồng/kg, tùy thuộc vào kích cỡ cá chép.
Bà Nguyễn Thị Chữ, một hộ nuôi cá chép tại đây cho biết: Để thu hoạch cá chép trong ngày ông Công, ông Táo, các hộ dân tại đây phải chăm sóc, “vỗ béo” cá cả năm trời, mong ngày được thu hoạch.
Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các thương lái từ các tỉnh khác rất “ngại” di chuyển xa để lấy hàng. Công tác vận chuyển cá tới các chợ dân sinh khắp miền Bắc cũng bị ảnh hưởng.
“Mặc dù dịch bệnh tại địa phương chúng tôi được kiểm soát tốt, thế nhưng tâm lý của thương lái vẫn còn rất ngại đi xa. Nhiều mối hàng trước đây chuyên nhập cá từ Thủy Trầm, thì nay đã tìm các nguồn hàng thay thế tại địa phương, dù sản lượng ít hơn”, bà Chữ nói.
Biết trước được điều này, nhiều hộ dân tại Thủy Trầm đã chủ động cắt giảm quy mô nuôi cá chép. Đơn cử như hộ gia đình bà Chữ, năm nay chỉ đầu tư khoảng nửa tần cá chép, thu hoạch trong ngày ông Công, ông Táo.
“Ai cũng mong dịch bệnh sớm đi qua, để các hoạt động sản xuất kinh doanh, mua sắm được trở lại bình thường như cũ”, bà Chữ nói.