Cắt giảm thủ tục, giấy phép chưa đạt yêu cầu thực chất
Tổ công tác của Thủ tướng nhận định các bộ, cơ quan đã rất quyết liệt trong việc rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, nhưng khâu thực thi chuyển biến chậm, mới chỉ đạt về số lượng cơ học, chưa đạt yêu cầu cắt giảm thực chất.
Trong báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, Tổ công tác của Thủ tướng cho biết trong tháng 8, Tổ đã có 2 cuộc làm việc với các bộ, cơ quan, địa phương nhằm đôn đốc, kiểm tra việc trình ban hành các văn bản quy định chi tiết, đơn giản, cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành (KTCN), điều kiện kinh doanh (ĐKKD) thực chất và tình hình triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính.
Kết quả kiểm tra cho thấy, trong năm 2018, các bộ, cơ quan đã rất quyết liệt trong việc rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm danh mục hàng hóa KTCN, ĐKKD và đã đạt, vượt chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, đã cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải KTCN (đạt 68,2%) và 3.451/6.191 ĐKKD (đạt 55,7%).
“Với kết quả trên, đã đánh dấu một bước cải cách mạnh mẽ của các bộ, cơ quan trong việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá.
Tuy nhiên, công tác cải cách hoạt động KTCN, cắt giảm ĐKKD chuyển biến chậm trong khâu thực thi, mới chỉ đạt về số lượng cơ học, chưa đạt yêu cầu cắt giảm thực chất theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong 8 tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 8.905 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 4.123 nhiệm vụ đã hoàn thành, 4.571 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 209 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 2,3%, tăng 0,5% so với tháng trước).
Về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, hiện, còn 12 văn bản đang nợ đọng. Ngoài ra, các bộ, cơ quan có 61 văn bản quy định chi tiết phải trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền trong thời gian tới (28 Nghị định và 33 Thông tư). Trong đó, có 16 Nghị định quy định chi tiết phải trình ban hành trước 15/11/2019 để bảo đảm có hiệu lực từ 1/1/2020 cùng với các Luật; 12 Nghị định quy định chi tiết có hiệu lực từ 1/7/2020.
Cụ thể, về KTCN, còn tình trạng chồng chéo một mặt hàng phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý, KTCN do nhiều bộ quy định. Ví dụ, phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm vừa phải kiểm tra ATTP theo quy định của Bộ Y tế, vừa phải kiểm dịch thực vật theo quy định của Bộ NN&PTNT; bột, tinh bột vừa phải kiểm tra ATTP theo quy định của Bộ Công Thương, vừa phải kiểm dịch thực vật theo quy định của Bộ NN&PTNT. Nhiều mặt hàng chưa có mã HS, chưa đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện kiểm tra…
Về ĐKKD, còn một số ĐKKD đưa ra yêu cầu quá mức cần thiết, can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN hoặc chỉ sửa đổi câu từ và chưa hiện thực hóa ở cấp độ thực thi, như “Có khả năng tài chính, nhân sự phù hợp với phương án kinh doanh”; bỏ các ĐKKD mang tính dẫn chiếu nhưng lại bổ sung quy định chung cũng mang tính dẫn chiếu (bỏ các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, về phòng cháy và chữa cháy, về bảo vệ môi trường nhưng lại bổ sung quy định “phải đảm bảo các quy định bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật”.
Còn nhiều quy định mang tính chung chung, khó tiên lượng và không định lượng được, dễ dẫn đến sự tùy ý trong quản lý nhà nước, tạo khoảng trống để cán bộ thực thi sách nhiễu, tiêu cực, như: “Trang thiết bị đảm bảo chất lượng âm thanh, hình ảnh; hình thức trang thiết bị phù hợp thẩm mỹ Việt Nam” (Điều kiện và hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử); “Có trụ sở ổn định trong thời gian ít nhất 2 năm; có đủ trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp” (như thế nào là đủ).
Vẫn còn những ĐKKD không cần thiết chưa được cắt giảm, như các quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ bởi các cơ quan quản lý nhà nước; các ĐKKD được ẩn dưới quy định “thực hiện theo quy định của Bộ quản lý” (đây chính là ĐKKD dễ hóa thân vào các quy chuẩn kỹ thuật, gây khổ nạn trong quá trình cấp phép)….
Tổ công tác kiến nghị các bộ, cơ quan tiếp tục rà soát, đề xuất phương án đơn giản, cắt giảm danh mục hàng hóa KTCN, ĐKKD còn chồng chéo, bất cập, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp; kiên quyết không để phát sinh thêm các ĐKKD, sản phẩm, hàng hóa phải KTCN so với số lượng đã công bố, bảo đảm cắt giảm thực chất tối thiểu 50% ĐKKD trước 15/10/2019; gửi báo cáo kết quả thực hiện và đánh giá tác động thực chất cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, gửi Văn phòng Chính phủ để theo dõi, đôn đốc.
Các bộ khẩn trương ban hành mã HS đối với danh mục hàng hóa phải KTCN. Công bố, công khai kịp thời, đầy đủ các thủ tục hành chính liên quan sau khi văn bản quy phạm pháp luật thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa KTCN, ĐKKD được ban hành.
Tổ công tác cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí, phương pháp xác định để thống nhất cách tính toán số lượng ĐKKD, tạo cơ sở cho các bộ, cơ quan thực hiện việc rà soát, công bố, công khai, hoàn thành trong tháng 9 năm 2019; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan đánh giá tác động thực chất của việc cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD bằng các dẫn chứng cụ thể.
Cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát, đề xuất danh mục các ĐKKD cần tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2019. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giai đoạn 2020 - 2025, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2020.
Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, các tỉnh, thành được kiểm tra đã chủ động, có nhiều cố gắng trong việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính và đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, còn một số địa phương việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được giao còn chậm, như việc chậm ban hành Kế hoạch triển khai.