Cắt lỗ gần nửa tỷ đồng vẫn chưa bán được nhà vì không có chỗ để ô tô
Không có chỗ để ô tô, nhiều chủ chung cư rao bán rẻ hơn căn hộ cùng vị trí hàng trăm triệu đồng vẫn không có khách mua.
Anh Trần Văn Hùng (Chung cư Gamuda, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, căn hộ của anh do không còn suất chỗ để ô tô, nên dù đã rao bán nửa năm nay, nhưng vẫn chưa có khách mua.
Anh Hùng cho hay, khi mua căn hộ, anh không mấy để ý đến chỗ để ô tô. Đến khi bán nhà, khách hỏi anh mới tá hỏa khi biết chỗ để ô tô của căn hộ anh đã được chủ cũ bán cho 1 người khác. Vì vậy, căn hộ của anh không còn suất để ô tô nào.
"Khách đến xem nhà ưng rồi, nhưng khi biết không có suất để ô tô, nên họ đã từ chối mua. Có căn hộ cùng vị trí với căn của tôi, ở tầng trên, họ rao giá cao hơn nhà tôi 300 triệu đồng, vẫn nhanh chóng có khách chốt", anh Hùng nhăn nhó.
Tương tự, anh Trần Văn Linh - chủ một căn hộ cao cấp ở trung tâm Hà Nội thuộc quận Cầu Giấy cho biết, dự án chung cư anh mua có hơn 500 căn hộ, nhưng chỉ có hơn 200 chỗ để xe. Khi mua các chủ căn hộ phải bốc thăm mới có suất để. Nhà anh Linh kém may mắn, nên không bốc trúng, buộc phải tìm bãi gửi xe bên ngoài.
Việc đi lấy xe rất bất tiện khi quãng đường xa, đặc biệt là những hôm trời mưa to hoặc nắng gắt. Vì thế, anh quyết định bán căn hộ, chuyển ra mua biệt thự ở vùng ven, đáp ứng được không gian sống rộng rãi và có chỗ để ô tô thoải mái.
Tuy nhiên, khi rao bán căn hộ, anh chấp nhận cắt lỗ hơn 200 triệu đồng so với lúc mua ban đầu, nhưng vì không có chỗ để xe, người mua vẫn từ chối.
Cũng theo anh Linh, có nhiều chủ hộ căn chung cư ở khu anh ở rao bán lại chỗ để xe họ may mắn bốc trúng, nhưng giá khá cao, từ 500 - 600 triệu đồng/chỗ. Vì mức giá quá cao, nên số tiền cắt lỗ căn hộ hơn 200 triệu đồng của anh Linh không thấm vào đâu so với tiền mua suất để xe. Do vậy, dù căn hộ cắt lỗ, nhưng nhiều tháng nay, căn hộ của anh vẫn chưa có người mua.
Chỗ để xe là nhu cầu thiết yếu của công dân đô thị, nhưng thời gian qua tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, nhiều chung cư có số lượng căn hộ lớn gấp nhiều lần số chỗ để ô tô.
Có thể kể đến như: Tòa nhà N03T2 do chủ đầu tư là Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Thăng Long - Taseco có 270 căn hộ nhưng chỉ có 2 tầng hầm với 90 chỗ để xe.
Hay tòa N03T8 - Dự án Ngoại giao đoàn (Hà Nội) có 180 căn hộ nhưng chỉ có khoảng dưới 40 chỗ để xe.
Tòa nhà Gemek Tower (trên đường Lê Trọng Tấn, Hoài Đức, Hà Nội) có 4 tòa nhà A1,2 và B1,2 với tổng số gần 1.000 căn hộ nhưng chỉ có một tầng hầm để xe ôtô với khoảng hơn 200 chỗ.
Hay tại chung cư The Golden Palm, có tới 405 căn hộ, nhưng cư dân chỉ có khoảng 200 chỗ đỗ xe ôtô.
Do không có đủ chỗ để ô tô, nên việc bán các chỗ để ở ô tô tại các chung cư không phải là chuyện hiếm. Để sở hữu được 1 chỗ đỗ ô tô, chủ nhân mỗi căn hộ phải bỏ ra từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng.
Đơn cử, giá vị trí đỗ xe ở chung cư Pacific Palace (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là khoảng 1 tỷ đồng, chung cư Goden Westlake (Ba Đình, Hà Nội) là từ vài trăm triệu đến gần 1 tỷ đồng, chung cư Hei Tower (Thanh Xuân, Hà Nội) là khoảng hơn 300 triệu đồng.
Hay tại khu Ngoại Giao đoàn, có những tòa cư dân phải chi đến hơn 200 triệu đồng để mua được 1 chỗ để xe.
Một dự án chung cư trên đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), các suất để xe có diện tích từ 8,5-12,5m2 có giá bán từ 275 triệu đồng/suất đến 385triệu đồng/suất. Vị trí đỗ xe tại chung cư Discovery Complex tại 302 Cầu Giấy có giá bán 534,5 triệu đồng/chỗ…
Trước tình trạng nhiều chủ đầu tư không xây dựng đủ hầm gửi xe theo quy định, Luật sư Bùi Quang Hưng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, kiểm soát giấy phép mua bán nhà cũng là một giải pháp.
Luật sư Hưng cho rằng, trước khi bán dự án, chủ đầu tư cần được Sở Xây dựng phê duyệt hạ tầng. Nếu xây thiếu chỗ để xe thì Sở Xây dựng không để chủ đầu tư bán nhà. Trường hợp xây thiếu mà vẫn được phê duyệt thì đó sẽ là trách nhiệm của Sở Xây dựng. Còn cho thuê hay bán chỗ để xe là phương pháp kinh doanh của chủ đầu tư, đó là tài sản của họ.