Cát Tiên: Đẩy mạnh phong trào trồng cỏ nuôi bò vỗ béo
Nhiều năm nay, mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo được hàng ngàn nông dân trong huyện Cát Tiên thực hiện bởi không chỉ để thoát nghèo mà còn là sinh kế làm giàu của bà con nông dân.
Nuôi bò lai “hái” ra tiền
Về huyện Cát Tiên, ghé qua các xã Đức Phổ, Tư Nghĩa, Phước Cát 1, Mỹ Lâm, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe nông dân râm ran chuyện nuôi bò. Trên những cánh đồng, vườn nhà nào cũng phủ xanh cỏ voi, cỏ VA06 để nuôi bò. Nuôi bò nhiều nhất theo tỉ lệ hộ dân có lẽ là ở xã Đức Phổ; ở nơi đây, hầu như hộ nào cũng chăn nuôi bò.
Theo chân anh Nguyễn Văn Hòa, cán bộ khuyến nông xã Đức Phổ, chúng tôi đến thăm ông Mai Anh Đào ở Thôn 1, hộ chăn nuôi bò kỳ cựu. Với đàn bò lai vỗ béo luôn thường trực trong chuồng từ 6 - 7 con, mỗi năm ông Đào thu về lợi nhuận trên 80 triệu đồng. Ông Đào chăn nuôi bò rất bài bản, chủ yếu nuôi bò lai, chuồng trại được đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ; chú trọng phòng chống dịch bệnh và chế độ dinh dưỡng cho bò.
Bên cạnh đó, nhằm ổn định nguồn thức ăn, ông Đào còn mạnh dạn chuyển đổi hơn 3.000 m2 đất vườn sang trồng cỏ. “Cái nhọc của nuôi bò vỗ béo là phải bỏ công đi dạo khắp các nơi trong và ngoài huyện để tìm mua những con bò gầy gò về nuôi thúc cho béo. Phải lựa con nào mõm to, ngắn, ăn mạnh, khung xương lớn thì về sẽ thúc dễ dàng, nhanh xuất bán, có lãi hơn. Đổi lại, sau mỗi đợt nuôi 3 - 4 tháng là bò đã có thể xuất chuồng, thu lãi 3 - 4 triệu đồng/con. Ngoài ra, nuôi 7 con bò một người chăm sóc là đủ vì hàng ngày chỉ dọn vệ sinh, và ra ruộng cắt cỏ về cho bò ăn” - ông Đào cho hay.
Còn ông Trần Văn Thuận ngụ cùng thôn cũng đang nuôi 3 con bò sinh sản, 5 con bò vỗ béo. Cứ mỗi năm, 3 con sinh sản lại cho 3 con bê, còn 5 con bò vỗ béo cứ nuôi xoay vòng từ 3 - 5 tháng là xuất chuồng. Ông Thuận hạch toán: “Trước đây, với hơn 4.000 m2 đất vườn, tôi trồng sắn, bắp xoay vòng, mỗi năm trừ chi phí phân bón, giống, công chăm sóc, nhân công… thì tôi chỉ đút túi được 15 triệu đồng. Nhưng từ khi đầu tư vào nuôi bò thì 3 con bò sinh sản mỗi năm cho 3 con bê, nuôi 6 tháng thu mỗi con 15 triệu đồng. Còn 5 con vỗ béo, cứ nuôi xoay vòng 3 lứa/năm, trừ hết chi phí cũng kiếm được 60 triệu đồng. Tính ra, trên một diện tích 4.000 m2, trồng cỏ nuôi bò cho hiệu quả gấp hơn 5 lần”.
Ông Cao Xuân Nghiêm, Chủ tịch UBND xã Đức Phổ cho biết: Từ nhiều năm nay, các mô hình nuôi bò lai vỗ béo, bò sinh sản được rất nhiều nông dân trong xã thực hiện. Bởi xã có diện tích lớn trồng lúa, sắn, bắp. Việc đưa con bò lai vào nuôi sẽ tận dụng nguồn thức ăn lá, đọt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Có thể nói rằng, nuôi bò trở thành cứu cánh thoát nghèo, vươn lên làm giàu của người dân Đức Phổ. Trên địa bàn xã không có con vật nuôi nào đem lại hiệu quả cao đến vậy.
Theo ông Nghiêm, thay vì phương pháp nuôi truyền thống thả rông như trước đây, hiện nay nông dân trong xã đã đầu tư nuôi bò gần như khép kín.
Hiện toàn xã có tổng đàn bò lên đến gần 1.500 con, chủ yếu là các giống bò lai. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 5 - 7 con, có hộ nuôi đến vài chục con. Bò được nuôi nhốt, không thả rông nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Chất lượng đàn bò không ngừng được nâng lên
Nếu như năm 2011, tổng đàn bò của huyện Cát Tiên có 5.746 con với tỷ lệ bò lai chiếm 63%, thì đến nay, số lượng đàn đã tăng lên trên 10.000 con với tỷ lệ bò lai đạt hơn 94%. Để đạt được kết quả này, những năm qua, huyện Cát Tiên đã triển khai thực hiện rất có hiệu quả Đề án phát triển và nâng cao chất lượng đàn bò.
Thông qua Đề án, huyện đã triển khai xây dựng thành công các mô hình nuôi vỗ béo bò, nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao... Các hội, đoàn thể, nhất là Quỹ hỗ trợ nông dân huyện, đã tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để nông dân đầu tư nuôi bò. Huyện cũng đã xây dựng một số mô hình trồng cỏ voi, vận động người chăn nuôi chuyển những vùng đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò, tạo nguồn thức ăn ổn định phục vụ chăn nuôi. Ông Trần Quang Trừng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho biết: Mấy năm gần đây, nông dân trong huyện đầu tư nuôi bò rất mạnh, chủ yếu bò lai với số lượng ngày càng lớn, chất lượng ngày càng cao, góp phần phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên khá giàu. Qua đó, khẳng định việc phát triển đàn bò tại địa phương Cát Tiên là định hướng đúng đắn và phù hợp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, giá cả thịt bò không ổn định ảnh hưởng đến thu nhập và tâm lý của người chăn nuôi. Để tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, UBND huyện Cát Tiên sẽ tiếp tục lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ nâng cao chất lượng, thể trạng đàn bò (đặc biệt quan tâm đến chất lượng thịt) như thụ tinh nhân tạo các giống bò ngoại chất lượng cao như Brahmam, RedAngus, BBB.
Bên cạnh đó, để tăng cường quản lý dịch bệnh, quản lý chất lượng đàn bò, ngành nông nghiệp huyện sẽ thực hiện việc theo dõi bấm số toàn bộ số con bò lai sinh ra để truy xuất nguồn gốc, tạo nguồn giống hàng hóa chất lượng cao cung cấp trên thị trường. Khuyến khích đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo hướng chăn nuôi tập trung, trang trại, THT, HTX để thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh.
Qua đó, tạo nguồn hàng hóa đủ lớn để thúc đẩy việc liên kết tiêu thụ. Hiện huyện Cát Tiên đang kêu gọi và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp liên kết phát triển chăn nuôi, liên kết tiêu thụ sản phẩm bò thịt tại địa phương.