Cất vó đầu mùa
Đầu mùa lũ, dòng kênh Tha La (nơi giáp ranh giữa TX. Tịnh Biên và TP. Châu Đốc) dần chuyển sang màu của phù sa. Tuy nhiên, những cánh đồng xả lũ vẫn còn xanh gốc rạ, bởi con nước chưa 'nhảy khỏi bờ'. Lúc này, người theo nghề cất vó bắt tay vào mùa khai thác cá.
Đoạn đường đê dọc theo kênh Tha La bảo vệ vùng sản xuất 3 vụ của xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc) càng về chiều càng vắng vẻ. Ánh nắng chênh chếch hắt xuống dòng nước đang chầm chậm chảy. Ông Tư Trạng - người làm nghề cất vó lâu năm ở kênh Tha La - đang cặm cụi gỡ dây, buông vó chờ luồng cá.
Thấy có khách ghé thăm, ông xởi lởi mời mọc, nhanh tay lấy bình nước nóng pha trà. Trong mái chòi cất tạm, ông lão gần 70 tuổi bỗ bã câu chuyện về đời cất vó. Nheo nheo đôi mắt kèm nhèm, ông lần nhớ về ký ức ngày đầu lên xứ Vĩnh Tế mần lúa thuê, rồi bén duyên ở lại.
“Hồi mới lên đây, tui ngoài 30 tuổi, đi mần lúa thuê kiếm gạo nuôi gia đình. Thấy vùng này cá mắm nhiều, tui quyết định nghỉ làm thuê, chuyển sang làm chủ… vó! Thời đó, không đợi mùa nước nổi, mùa khô vẫn dính nhiều cá lắm. Chịu khó, siêng năng thì cũng cho vợ con áo ấm cơm no, mấy đứa nhỏ được đi học chữ nghĩa với người ta. Thấm thoát gần cuối đời người, cái nền vó bên bờ kênh Tha La này vẫn tiếp tục giúp tui có đồng vô đồng ra lo cho vợ chồng già” - ông Tư Trạng kể.
Trong ký ức của ông, cách đây chừng 40 năm, sau Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âm lịch), nghề cất vó bắt đầu kiếm kha khá. Chỉ cần hạ vó độ 10 phút, khi kéo lên có thể dính vài ký cá như chơi. Vào đầu mùa lũ, chủ yếu dính cá linh non, cá đỏ mang, cá mè vinh…
Người ta không tính ký, chỉ mua theo giạ. Nếu kiên trì, mỗi ngày ông có thể kiếm chục giạ cá không khó. Cá không ăn hết, người ta phải ủ mắm dành ăn quanh năm. Lúc ấy, nguồn thu của nghề cất vó đủ giúp vợ chồng ông chăm lo nhà cửa tươm tất.
“Đó là hồi trước, chứ giờ cá mắm hiếm hoi lắm. Đang đầu tháng 7 (âm lịch), mà hơn chục nền vó dọc kênh Tha La này chỉ có mỗi tui đang kéo cá. Những người khác hoặc là chưa muốn khai thác, hoặc có việc làm ổn định nên họ không gấp. Thường thì đến tháng 8 (âm lịch), người ta mới xuống đây cất vó nhiều. Tui sống với nghề này quanh năm, đất đai không có, buộc phải xuống kiếm cá đầu mùa lũ đắp đổi qua ngày!” - ông Tư Trạng thiệt tình.
Vừa đưa tay rót trà, ông đưa mắt nhìn xuống vèo cá đang ngâm dưới bến. Ông cho hay, từ sáng đến chiều dính độ 3 - 4kg cá đỏ mang, nếu cân bạn hàng thì chưa đến 100.000 đồng.
Do đó, ông gom vài hôm mới cân một lần. Đang đầu mùa lũ, ông không đòi hỏi bà cậu phải “đãi” mình như tháng nước phân đồng. Theo thời gian, cá đồng dần khan hiếm nhưng giá cũng nhích lên, dân cất vó như ông vẫn có nguồn thu khá so với nghề hạ bạc khác.
Cũng làm nghề cất vó như ông Tư Trạng, anh Trần Văn Nghĩa (ngụ xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú) tranh thủ lên đóng vó chuẩn bị mùa lũ mới. Tuy nhiên, anh chỉ mới lên dọn dẹp lều trại, chuẩn bị đồ nghề. Tầm nửa tháng nữa, ngư dân này mới bắt đầu cất vó.
“Mùa nước năm nay khó đoán. Ngoài sông thì nước đã dâng cao, nhưng trong đồng, con cá còn thưa thớt lắm. Mực nước kênh không cao, chủ yếu là do mưa chum, chứ chưa chắc nước lũ lên. Giờ tui lo đồ nghề trước, ít bữa mới cắm xôm cúng ông tà, bà cậu để vô mùa bắt cá. Năm trước, cá mắm đỡ. Tới cuối mùa, tui kiếm được gần 20 triệu đồng trang trải ăn Tết. Vì là nghề “đợi cá”, đánh bắt kiểu truyền thống nên tui không đòi hỏi nhiều, chỉ mong bà cậu thương cho mình sống được với nghề” - anh Nghĩa trải lòng.
Nói về cái khó của nghề cất vó hiện nay, anh Nghĩa cho rằng nguyên nhân nguồn cá sụt giảm nhanh một phần do lũ nhỏ, phần còn lại là kiểu đánh bắt tận diệt bằng xung điện. Anh giải thích, nếu khai thác theo truyền thống, con cá vẫn có thể lên đồng đẻ trứng. Cá lớn bị bắt, cá bé vẫn còn, nguồn thủy sản tồn tại cho những mùa sau.
Ngặt nỗi, người dùng xung điện tiêu diệt cá lớn lẫn cá bé. Cá không lên đồng đẻ trứng được, giảm số lượng là chuyện đương nhiên. Biết việc đánh bắt cá bằng xung điện là không đúng, anh Nghĩa kiên trì với nghề cất vó. Dù “năm trúng, năm thất”, nhưng thấy an lòng.
Trong câu chuyện giữa 3 người bên ấm trà chiều, đọng lại là kỷ niệm vui về nguồn thu từ nghề cất vó của ông Tư Trạng. Lão ngư này tếu táo: “Nhiều người hỏi tụi tui kéo vó hết mùa nước có dư nhiều không. Tui trả lời, dư được “4 cây”. Không phải “cây vàng”, mà là 4 cây càng của chiếc vó. Vì mỗi năm mỗi thay càng, nên anh em kéo vó tới hết mùa nước là dư được 4 cây tre!”.
Tiếng cười của chúng tôi giòn tan trong cơn gió chiều ràn rạt thổi, lẩn khuất đâu đó là mùi của bông tràm trắng thôn quê. Tôi tạm biệt 2 ngư dân chân chất trở về, với lời hứa sẽ quay lại thăm họ vào tháng 9 (âm lịch), khi con nước phân đồng và nghề cất vó bước vào vụ thu hoạch khá nhất trong năm.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/cat-vo-dau-mua-a372441.html