Catalonia: 'Biện pháp hạt nhân' sẽ phản tác dụng?
Tình hình cuộc khủng hoảng chính trị vùng Catalonia, Tây Ban Nha thêm căng thẳng sau khi Thủ tướng Mariano Rajoy cương quyết đòi giải tán chính quyền khu tự trị đứng đầu bởi Thủ hiến Carles Puigdemont.
Ngày 21-10, Madrid tuyên bố dùng điều 155 hiến pháp Tây Ban Nha - được ví von là “biện pháp hạt nhân” - sa thải toàn bộ chính phủ khu tự trị Catalonia và tiến hành bầu cử bất thường. Đáp lại, các lãnh đạo khu tự trị tuyên bố sẽ bất tuân mệnh lệnh từ chính quyền trung ương. Ông Puigdemont chỉ trích quyết định của Thủ tướng Rajoy là “đòn công kích tồi tệ nhất nhắm vào người dân Catalonia”, theo Reuters. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử khoảng 40 năm của nền dân chủ Tây Ban Nha, chính quyền trung ương kích hoạt điều khoản hiến pháp cho phép kiểm soát chính phủ địa phương.
Tuy nhiên, Thủ hiến Puigdemont vẫn tiếp tục không ra mặt tuyên bố sẽ thực hiện lời hứa hẹn chính thức tuyên bố độc lập. Thay vào đó, nghị viện Catalonia trong tuần sau sẽ nhóm họp một phiên thảo luận mới. Trong khi đó, chính phủ của ông Rajoy vẫn cần sự chấp thuận của thượng viện để áp đặt kiểm soát trực tiếp lên vùng Catalonia. Theo Reuters, hiện ông Rajoy đã có được sự ủng hộ của đảng đối lập chính ở Madrid và nhà vua Tây Ban Nha. Một khi quyết định được thượng viện thông qua, chính phủ Madrid sẽ toàn quyền kiểm soát tài chính, cảnh sát và truyền thông Catalonia, đồng thời phong tỏa quyền lực của chính quyền địa phương tối đa sáu tháng.
Ít nhất phải đến ngày 27-10 thì quyết định của Madrid mới có hiệu lực. Phe đòi độc lập cho Catalonia cũng sẽ có thêm thời gian. Chủ tịch nghị viện Catalonia Carme Forecadell đã cáo buộc động thái của Madrid là “đảo chính”. Theo Reuters, việc Catalonia có chính thức tuyên bố độc lập hay không sẽ được làm rõ nội trong hôm nay khi phiên thảo luận của nghị viện địa phương kết thúc. Thậm chí ông Puigdemont có thể dùng biện pháp chính trị để giải thể nghị viện Catalonia, tổ chức bầu cử sớm trong vòng hai tháng tới, tập hợp thêm người ủng hộ và tái đắc cử lãnh đạo vùng một lần nữa theo đúng luật pháp.
Hãng tin ABC (Úc) nhận định sự cứng rắn của Madrid có thể phản tác dụng kể cả khi kích hoạt điều 155 hiến pháp Tây Ban Nha. Việc bắt giữ hay sa thải các chính trị gia Catalonia có thể thúc đẩy thêm cử tri tương lai đứng về phía phong trào đòi độc lập. Sự đối đầu thay cho đối thoại sẽ không giải quyết được bất mãn của hơn 43% cử tri Catalonia đi bầu đòi độc lập ngày 1-10.