Cầu Ba Son bị vẽ bậy và bài học được dạy từ lớp 2

Trước thực trạng cầu Ba Son liên tiếp bị vẽ bậy, có lẽ cần trở lại với câu chuyện được dạy cho học sinh ngay từ lớp 2...

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Những mảng sơn được xịt để vẽ tranh theo kiểu graffiti cùng không ít chỗ có dạng nguệch ngoạc bôi bẩn xuất hiện dọc hàng rào, khu vực trụ có thang bộ, dây văng… của cây cầu.

Thực ra, câu chuyện này không mới vì đã xảy ra cách đây cả chục năm với tần suất thường xuyên và phổ biến ở bất cứ chỗ nào có thể.

Đã có những thời điểm, hễ lộ khoảng tường của điểm công cộng từ hầm đường bộ đến hầm cầu cạn, cầu bắc qua sông thậm chí trạm biến áp, bốt điện, khu vệ sinh… y như rằng hôm trước hôm sau liền xuất hiện tranh phun sơn với sắc màu chủ đạo đỏ và đen mà không thể biết chủ nhân là ai.

Đây là một trào lưu thực hành nghệ thuật được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam trong những năm gần đây. Cũng cần ghi nhận khi có không ít bạn trẻ đã thực hành khá tốt với những bức graffiti được vẽ khá cẩn thận, bắt mắt, sinh động.

Không ít điểm được dành cho loại tranh tường đã tạo thành điểm đến thú vị của giới trẻ trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, đồng thời với đó là việc vẽ vô tội vạ, tràn làn ở nhiều điểm công cộng không được phép khiến cho trào lưu này phải thực hiện vụng trộm và bị dư luận xã hội phê phán là thiếu ý thức, gây mất mỹ quan nơi công cộng.

Có lẽ, cần trở lại với câu chuyện “Đẹp mà không đẹp” được dạy cho học sinh ngay từ lớp 2 để cùng ngẫm về hành vi ứng xử với không gian công cộng này.

Câu chuyện chỉ đơn giản rằng, cậu bé Hùng khoe với bác Thành bức tranh con ngựa được vẽ bằng than đen trên bức tường trắng và nhận được câu trả lời: “Cháu vẽ đẹp đấy, nhưng còn có cái không đẹp là bức tường của nhà trường đã bị vẽ bẩn!”.

Vậy đấy, ngay từ nhỏ, mỗi người đều được học những bài giáo dục ý thức bảo vệ, tôn trọng không gian công cộng rất đơn giản, nhẹ nhàng mà ý nghĩa như thế. Không phải cứ vung hộp sơn vẽ theo ý thích ở bất cứ chỗ nào mà chưa được phép cũng là hay, là tốt. Trái lại nó thể hiện sự thiếu ý thức dẫn đến cố tình xâm phạm không gian công cộng; thậm chí còn là hành vi vi phạm pháp luật!

Cùng với đó, việc làm này còn tạo cơ hội cho những kẻ xấu lợi dụng theo đó mà xịt sơn nhưng không phải để vẽ tranh mà bôi nhem thậm chí vẽ tranh phản cảm. Thật nguy hại nếu như chúng xuất hiện cả ở những không gian công cộng của điểm du lịch nổi tiếng, thử hỏi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngành công nghiệp không khói của đất nước?

Bởi vậy, rất cần sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng đồng thời đưa ra chế tài xử phạt mạnh tay hơn nữa để những kiểu rác văn hóa đó được dọn sạch. Cùng với đó, mỗi người cần nâng cao ý thức phát huy tài năng đúng lúc đúng chỗ và luôn nói không với kiểu thực hành nghệ thuật “Đẹp mà không đẹp” này!

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cau-ba-son-bi-ve-bay-va-bai-hoc-duoc-day-tu-lop-2-post650606.html