'Cậu bé chân trần chơi cùng đom đóm'

Thầy tôi yêu văn chương đến mức đắm chìm. Chúng tôi nhớ, mỗi giờ lên lớp, thầy đi từ đầu lớp tới cuối lớp từ tốn, rồi lại đủng đỉnh đi từ cuối lớp lên đầu lớp, từng trang giáo án chữ đẹp khoáng đạt, và rất nhiều dòng kẻ chân bút đỏ và viết thêm bên lề...

- Các chị đọc kỹ giúp tôi cuốn về Cụ Nguyễn Du nhé. Đến nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú cũng buông lời khen ngợi và viết đề từ. Người ta thấy một cái ông ở đâu ấy xông vào mảng khó khăn nhất của cụ Nguyễn Tiên Điền là thơ chữ Hán. Từng chữ của tôi nặng ra trò. Tôi cũng gì phết!

Lũ trò và ông giáo tóc bạc cùng cười nghiêng ngả vì cái chữ “gì phết”!

- Bây giờ tôi chỉ nghĩ, nếu mình 50, 60 tuổi, mình sẽ đi khắp đó đây cho khỏe tay khỏe chân.

Ông giáo thủ thỉ…

Một buổi chiều đầy nắng, lũ trò cũ tìm tới thầy giáo cũ, nghe trong gió “mùi thời gian thanh thanh, hương thời gian tím ngắt”, buồn xa xăm. Nỗi buồn ngọt ngào vị thanh xuân ấy cả chúng tôi và thầy dường như đều hòng níu kéo vương vấn, dẫu mỏng manh như tơ sen.

***

Thầy tôi yêu văn chương đến mức đắm chìm. Chúng tôi nhớ, mỗi giờ lên lớp, thầy đi từ đầu lớp tới cuối lớp từ tốn, rồi lại đủng đỉnh đi từ cuối lớp lên đầu lớp, từng trang giáo án chữ đẹp khoáng đạt, và rất nhiều dòng kẻ chân bút đỏ và viết thêm bên lề. Đó là những suy nghĩ của thầy hằng đêm. Thầy sống trọn với nhân vật, với không gian tác phẩm. Đọc tâm hồn nhân vật là thú vui thanh tao mà thầy muốn suốt đời hưởng thụ và truyền cho các lớp học trò.

Giờ giảng nào thầy cũng mong chúng tôi đồng cảm, thấu hiểu và yêu thương nhân vật cùng thầy. Tới mức, hầu hết các bài giảng của thầy đều rất khó vừa vặn 45 phút. Thường là chúng tôi được dặn đi dặn lại là về nhà đọc thêm cuốn này, làm thêm bài luận, bài phân tích kia.

Đến giờ tôi vẫn cảm giác mỗi lần thầy tới lớp (lớp tôi thầy không chủ nhiệm, mà chỉ thỉnh giảng phần Văn học trung đại, và Nguyễn Tuân, đặc biệt là bài “Chữ người tử tù”, ông Huấn Cao, “nhất sinh đê thủ bái mai hoa”), thì thầy hệt một ông thầy tu sùng đạo dẫn chúng tôi thành kính bước vào ngôi đền văn chương thiêng liêng, tôn kính. Nên chúng tôi vừa sợ vừa tò mò và... có phần hơi mơ hồ. Thầy không bao giờ công thức hóa cách làm văn, dạy làm đề cương thì hiếm khi mà thường chỉ cốt khơi gợi sự cảm thụ, thâm nhập vào thế giới văn chương kỳ bí.

Thầy giáo, nhà thơ Nguyễn Ngọc Tấn

Bút danh Trần Nguyên Thạch

Sinh năm 1949, tại Thanh Hóa

Tốt nghiệp Khoa Văn, Ðại học Sư phạm Vinh, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Ngữ văn năm 1971.

Năm 1972, gia nhập Hải Quân, tham gia chống Mỹ cứu nước.

Sau Hòa bình, 1977, chuyển ngành, dạy học tại Hải Phòng.

Từ năm 1979 là giáo viên chuyên Văn tại trường PTTH Thái Phiên, sau đó là giáo viên Chuyên Trần Phú cho đến khi nghỉ hưu.

Năm 1982-1983 Học Cao học tại Ðại học Sư phạm I Hà Nội. Là Thạc sĩ Văn chương.

Rất nhiều học sinh giỏi Văn thành phố, Quốc gia và nhiều lớp học trò đã nên người từ đôi bàn tay thầy giáo tận tuy, giỏi và yêu văn học, có tâm với nghề và với trò.

Ông hiện đang tiếp tục sáng tác văn học và sống tại Hà Ðông, Hà Nội.

Cuốn gần đây thầy viết “Thưởng thức thơ chữ Hán Nguyễn Du”, thể loại cũng là “Tùy Cảm luận”. “Thưởng thức” “tùy cảm luận” thì chuẩn phong cách thầy tôi rồi, nâng việc đọc hiểu thành thú thưởng thức, hưởng thụ đầy ngẫu hứng “tùy cảm” phóng khoáng. Nhưng để có sự thưởng thức ấy thầy làm việc công phu, chắt lọc con chữ đến mức khó thừa.

Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú “trang trọng đôi lời cùng bạn đọc” tựa sách thầy chúng tôi:

“Cách tiếp cận này là xa lạ với nhiều phương pháp tiếp cận hiện đại vốn từ phương Tây đến như Ký hiệu học, Thi pháp học, Phong cách học,... vốn thiên về kỹ thuật mổ xẻ phanh phui đủ thứ trong tác phẩm. Còn cách tiếp cận của Trần Nguyên Thạch (bút danh của thầy tôi) xem ra có dấu vết của cách tiếp cận văn chương của phương Đông cổ truyền, chủ yếu dựa vào trực cảm, chân cảm, nặng về duy cảm duy mỹ …(...), “lấy hồn ta để hiểu hồn người”....(...). Thiết nghĩ, Trần Nguyên Thạch đã thêm một lần khai thác được mỏ vàng tinh khôi của Nguyễn Du đáng được ghi nhận như thế”.

Mỗi tập sách mỏng manh, nhưng là tâm huyết, trí tuệ và tâm hồn ông chắt chiu, cữ chừng 5 năm lại ra đời một cuốn. Mừng thay, năm 2019 và 2020 thầy lại xuất bản được mỗi năm một cuốn tuyển dịch thơ chữ Hán và tùy cảm luận. Hóa ra, khi các học trò lo lắng không biết thầy, một thân một mình, có buồn nản không khi Khu tập thể giáo viên cũ cùng ngôi trường cũ mấy trăm năm, đã bị san phẳng và rời ra ven trung tâm, thì thầy càng đắm sâu hơn vào tháp ngà nghệ thuật, và miệt mài dịch thơ, tung bút luận cảm thế sự cùng cụ Nguyễn Du. Thầy có chạm đất cõi này mấy đâu mà buồn với đau cho chốn ăn ở của chính mình!

***

Tôi đã từng đem một câu hỏi cũ rích nghìn năm, nhưng tôi vẫn cứ thích chính mình hỏi, và được nghe những người tôi tò mò về họ, rằng: Ông/cậu/mày có nhớ, cái ngày hạnh phúc nhất của mình là gì không?

Mỗi người trả lời một kiểu, người thì tự rơi vào mông lung, người lại trả lời văn vẻ mà thực chất chẳng thấy gì.

Còn ông - thầy tôi, thì thủng thẳng nói:

- Ngày nào mình mẩy tôi không đau gân cốt, được hít thở nhẹ nhàng, còn được ngồi viết những điều tôi cảm thấy đẹp là ngày hạnh phúc nhất, ngày sau hạnh phúc hơn ngày trước.

Xưa nay, văn học, triết học, tâm linh choán hết tất cả suy tư của ông. Nhưng một năm trở lại đây, ông giáo hơn 70 tuổi của chúng tôi bắt đầu nói chuyện nhiều hơn tới sức khỏe. Cả đời độc thân, đi đi về về trong một căn gác nhỏ ọp ẹp. Mua được miếng đất nho nhỏ trong ngõ, bên cái hồ gọi là khu Quán Cá, sâu bên trong đường Lạch Tray, gần Cầu Rào của thành phố Hải Phòng, thì “bị quy hoạch”, coi như cũng không được ở.

Rồi tiền đó lại mua được một chút mét vuông nhỏ xíu bao diêm ở ngoài khu Tập thể Giáo viên, cạnh trường Năng khiếu Trần Phú, thì cả căn gác tập thể lẫn bao diêm cho thuê làm gian photocopy ấy cũng “bị quy hoạch”. Điều mong nhất là được yên thân ở một chỗ, đọc sách, viết sách, đắm trong thế giới của riêng ông, thì luôn “bị quy hoạch” đuổi chạy loanh quanh.

Thơ ông viết:

“Đêm hè vắng

Cậu bé chân trần chơi cùng đom đóm

Ánh sáng nở đầy lòng tay”

(Bài thơ “Đom đóm”, tập thơ “Bài ca đom đóm”, xuất bản năm 2003, bút danh Trần Nguyên Thạch).

Ai đến với thế gian này, ban đầu cũng đều chân trần mà thôi, rồi ra đi cũng chân trần chứ đâu! Cho nên chuyện gì to tát lắm, mất mát lắm với muôn người, thì với thầy tôi, cũng qua hết nhanh thôi. Bởi vì, ông vẫn mãi muốn mình là cậu bé chân trần chơi cùng đom đóm, để hân hoan với thứ “ánh sáng nở đầy lòng tay” kìa!

Tác phẩm đã in:

Trần Nguyên Thạch: “Bài ca đom đóm” - “Ðiệu Haiku đất Việt” (NXB Hải Phòng, 2003, 2004).

Trần Nguyên Thạch: “Bến xưa” (Tập thơ, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội 2010).

Du Vân và Trần Nguyên Thạch: “Thi Quỷ Lý Hạ” (Tuyển dịch, in chung, NXB Hải Phòng, 2014).

Du Vân và Trần Nguyên Thạch: Thơ “Lý Thương Ẩn” (Tuyển dịch, in chung, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2019).

Trần Nguyên Thạch: “Thưởng thức thơ chữ Hán Nguyễn Du” (Tùy cảm luận, NXB Hội Nhà Văn, 2020).

Thu Hương

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cau-be-chan-tran-choi-cung-dom-dom-post178014.html