Cậu bé mắc bệnh nhược thị phải thường xuyên dán một bên mắt như hải tặc
Căn bệnh nhược thị khiến người bệnh bị giảm khả năng nhìn ở 1 hoặc 2 bên mắt. Một trong những cách điều trị là phải dán bên mắt khỏe để mắt yếu tăng cường khả năng hoạt động.
Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip một bà mẹ đã gỡ miếng dán mắt của con trai. Cậu bé thường xuyên dán một bên mắt trông như hải tặc thời xưa. Không những thế, miếng dán này rất lạ. Mỗi ngày bé trai lại thay đổi miếng dán mắt. Có thể nói, bé trai này có một bộ sưu tập những miếng dán mắt có họa tiết rất đẹp và đặc biệt.
Nhìn qua thì có vẻ mẹ cậu bé cũng ủng hộ con trai đóng giả làm hải tặc. Nhưng không, thực chất cậu bé mắc bệnh nhược thị. Đây là bệnh mà một hoặc 2 mắt bị giảm thị lực mà não không nhận biết được khiến nó tăng cường thị lực một bên mắt còn lại. Vì vậy phải dán một bên mắt khỏe hơn để bên mắt yếu tăng cường khả năng hoạt động cân bằng lại. Tuy không ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên căn bệnh này cũng ảnh hưởng khá nhiều đến các hoạt động sinh hoạt của người bệnh. Vậy căn bệnh nhược thị này có thể chữa trị không?
1. Dấu hiệu nhận biết bệnh nhược thị
Theo BSCKI. Vũ Thanh Tuấn, nhược thị là một loại bệnh thường khởi phát ở trẻ sơ sinh và phát triển tới khi trẻ lên 7 - 8 tuổi. Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn tới suy giảm hoặc mất thị lực ở trẻ em.
"Ngay từ khi mới chào đời cho đến năm lên 8 tuổi, não bộ và mắt của trẻ sẽ thiết lập đường dẫn truyền thị giác. Những hình ảnh do mắt thu thập được sẽ đi theo đường này truyền tải tới não bộ để phân tích. Sau khoảng thời gian trên, vùng thị giác trong não và đường dẫn truyền thị giác đã được thiết lập cố định nên không thể thay đổi được nữa.
Tuy nhiên do nhiều yếu tố tác động đã làm thay đổi sự liên kết giữa mắt và não. Có ít tín hiệu hình ảnh từ một bên mắt được truyền lên não, dần dần não sẽ tự động bỏ qua những hình ảnh từ bên mắt này và dẫn đến chứng nhược thị" - vị chuyên gia cho biết.
Các yếu tố gây ra bệnh nhược thị có thể là do:
+ Tật khúc xạ (cận thị, viễn thị hoặc loạn thị);
+ Lác mắt;
+ Sẹo giác mạc;
+ Đục thủy tinh thể bẩm sinh.
Các triệu chứng sau đây chính là cảnh báo sự phát triển của bệnh nhược thị ở trẻ:
+ Mắt mờ;
+ Mỏi mắt;
+ Đau đầu;
+ Gặp khó khăn khi đọc sách;
+ Mắt lười: thị lực ở 1 hoặc 2 bên mắt đều kém nhưng khó phát hiện tổn thương khi tiến hành kiểm tra.
2. Bệnh nhược thị có chữa được không?
Theo các bác sĩ, nếu phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh có thể điều trị dễ dàng. Tuy nhiên nếu để quá tuổi, bệnh phát triển thành nặng thì không thể điều trị vĩnh viễn được nữa.
Nguyên tắc chung của việc điều trị nhược thị bao gồm hạn chế sử dụng mắt lành, kích thích và tạo điều kiện cho mắt nhược thị được sử dụng để có thể phát triển thị giác bình thường và giải quyết triệt để các nguyên nhân gây nhược thị.
+ Dùng miếng dán mắt: Trẻ bị bệnh sẽ được đeo một miếng che mắt tăng thị lực nhằm kích thích bên mắt yếu hơn, đeo 2 - 6 giờ/ngày trong vài tháng, thậm chí là vài năm.
+ Đeo kính hiệu chỉnh: Giúp cải thiện các vấn đề như viễn thị, cận thị hoặc loạn thị gây nhược thị. Đó có thể là kính áp tròng hoặc là kính đeo bình thường.
+ Dùng thuốc nhỏ mắt: Làm mờ thị lực ở bên mắt khỏe, buộc não phải tiếp nhận hình ảnh thu được ở bên mắt yếu. Liều lượng và thời gian dùng thuốc tùy từng trường hợp. Thuốc được dùng để thay thế cho miếng dán mắt và có thể gây nên một số tác dụng phụ như kích ứng mắt, nhạy cảm hơn với ánh sáng.
3. Nhược thị có mổ được không?
Vấn đề nhược thị có mổ được không còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên căn bệnh này. Ví dụ như nhược thị là hệ quả của sụp mí mắt, đục thủy tinh thể bẩm sinh hay lác mắt thì bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương án phẫu thuật phù hợp cho từng trường hợp.
Ngoài ra, tuổi tác bệnh nhân cũng là yếu tố quan trọng trong việc quyết định phương án điều trị nhược thị. Tỷ lệ thành công chỉ khả quan khi bệnh nhân còn nhỏ nhưng đối với người trưởng thành thì rất khó để cải thiện tình trạng nhược nhị thông qua phẫu thuật. Mặc dù vậy, người lớn nếu bị mắt lác thì vẫn có thể mổ sửa chữa cơ mắt, giúp mắt nhìn không bị lệch trục nhưng chỉ mang tính chất cải thiện thẩm mỹ chứ rất ít tác dụng giúp cải thiện thị lực.
Nhìn chung, nhược thị có mổ được không phải dựa trên nhiều yếu tố và thường thì trẻ em tuổi còn nhỏ thì tỷ lệ thành công khi áp dụng phương pháp này sẽ cao hơn. Các phụ huynh nên đưa bé đi khám trong thời gian sớm nhất có thể.