Cầu Cát Lái Bao giờ?
Theo Văn bản 631/TTg-CN về việc bổ sung quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý xây dựng cầu Cát Lái để thay thế phà Cát Lái hiện hữu. Đây là dự án giao thông quan trọng khai thông TPHCM và tỉnh Đồng Nai, tạo đà phát triển khu vực phía Đông TPHCM và TP mới Nhơn Trạch Đồng Nai…
Ngày 1-2-2019, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, theo đó giao tỉnh Đồng Nai chủ trì và làm việc với Bộ GTVT, UBND TPHCM thực hiện theo quy định hiện hành. Chiều 18-4, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh, cùng các sở ngành của 2 địa phương đã họp bàn việc triển khai dự án cầu Cát Lái, nối quận 2 (TPHCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Đồng Nai đã sẵn sàng
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện nay hệ thống giao thông kết nối từ TPHCM đến Nhơn Trạch qua cao tốc TPHCM-Long Thành- Dầu Giây, hoặc Xa lộ Hà Nội qua Quốc lộ 51, hoặc đi phà qua sông Đồng Nai.
Theo điều chỉnh chung đô thị Nhơn Trạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, TP mới Nhơn Trạch sẽ đảm nhận là một vai trò trung tâm văn hóa, kinh tế của tỉnh, đô thị công nghiệp - cảng, đô thị vệ tinh vùng TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Do vậy khi có cầu Cát Lái, đồng thời sân bay Quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, sẽ hình thành tuyến kết nối từ TPHCM, chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông đang quá tải trong ngày thường lẫn ngày lễ cho tuyến cao tốc TPHCM- Long Thành- Dầu Giây như hiện nay. Do đó việc xây dựng cầu Cát Lái thay thế cho phà Cát Lái hiện nay rất cấp bách.
Tỉnh Đồng Nai đề xuất phương án thực hiện: Phần đường dẫn phía TPHCM dài 623m, quy mô mặt cắt ngang 60m, kinh phí thực hiện 755 tỷ đồng (trong đó chi phí xây lắp khoảng 215 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP khoảng 540 tỷ đồng). Kiến nghị UBND TPHCM chịu trách nhiệm triển khai bằng nguồn ngân sách của TP, hoặc theo hình thức khai thác quỹ đất, thời gian thực hiện 2020-2024.
Phần đường dẫn bên phía Đồng Nai dài 263m, quy mô mặt cắt 56m. Kinh phí thực hiện khoảng 410 tỷ đồng (trong đó chi phí xây lắp khoảng 134 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 276 tỷ đồng), UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương, hoặc hình thức BT khai thác quỹ đất, thời gian thực hiện giai đoạn 2020-2024.
Phần cầu chính và cầu dẫn, chi phí đầu tư khoảng 4.900 tỷ đồng, kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức BOT, nếu không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo hình thức BOT kết hợp BT, quỹ đất đối với phần BT sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, thời gian thực hiện 2019-2024.
TPHCM vướng vì đầu tư công
Về phía TPHCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thừa nhận ùn tắc giao thông là một trong những vấn đề mà TP tập trung giải quyết. Cửa ngõ phía Đông TP kết nối với Đồng Nai nói riêng và các tỉnh nói chung đang được lãnh đạo TP cũng như các bộ ngành trung ương quan tâm đầu tư. Do đó xây dựng cầu Cát Lái là rất cấp bách không chỉ cho Đồng Nai mà cả TPHCM.
Về phương án đề xuất của Đồng Nai, TPHCM hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, dự án cầu Cát Lái đầu tư theo hình thức đầu tư công mà hình thức này đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy TPHCM sẽ giao các sở ngành rà soát tham mưu các hình thức đầu tư cho chặt chẽ về mặt thủ tục, thẩm định kinh phí đề xuất… để hai địa phương thống nhất báo cáo trình bộ ngành trung ương và Thủ tướng xem xét quyết định để dự án sớm được triển khai.
Cho đến nay có một số nhà đầu tư quan tâm đề xuất tham gia dự án, như liên danh Tổng công ty Công trình giao thông 1 - CTCP Tập đoàn Yên Khánh - CTCP Cái Mép; liên danh Nhà đầu tư Thái Sơn - Cienco1 - Đức Bình - Cái Mép…
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/quy-hoach-do-thi/cau-cat-lai-bao-gio-67581.html