Cầu chúc cho hôn nhân vững bền!
Đó là mục đích mà tất cả các tín ngưỡng đều hướng tới trong hôn lễ được tổ chức theo hình thức tôn giáo. Bởi cho dù theo tôn giáo nào thì mái ấm gia đình vẫn vừa là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy, vừa là môi trường giáo dục căn bản để rèn luyện đạo đức nhân cách của mỗi con người.
Hằng Thuận là hòa thuận mãi mãi
Nhiều nguồn tư liệu cho rằng, người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ cưới tại chùa là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật, bút hiệu là Đồ Nam Tử (1883 - 1940), quê ở Hải Dương. Ông vốn là một nhà Nho, sau quy y theo Phật, với lòng nhiệt thành phụng sự Phật pháp, ông nghĩ, việc tổ chức lễ cưới tại chùa sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho đời sống gia đình của phật tử, nhất là đời sống đạo đức tâm linh.
Năm 1930, bác sỹ phật tử Tâm Minh - Lê Đình Thám đã tổ chức lễ cưới cho con gái đầu lòng là bà Lê Thị Hoành với ông Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm - Huế. Đây được xem là lễ cưới điển hình đầu tiên được tổ chức tại chùa trong lịch sử Phật giáo nước ta. Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã chính thức đặt tên cho lễ kết hôn tại chùa là lễ Hằng Thuận. Theo tên gọi, thì “hằng” là thường xuyên, là luôn luôn, còn “thuận” là hòa thuận, là đồng thuận hướng về những điều cao thượng, chân thiện trong đời sống.
Hằng Thuận có nghĩa là đôi vợ chồng luôn luôn sống hòa thuận, tương kính, nhường nhịn lẫn nhau, cùng nhau vừa làm tròn trách nhiệm, bổn phận của người vợ, người chồng trong đời sống gia đình, đối với ông bà, cha mẹ và con cái; vừa hướng đến con đường tu tập giác ngộ giải thoát.
Trong bầu không khí thiêng liêng ngay nơi chánh điện, nghi lễ Hằng Thuận diễn ra như gieo những gõ hồi chuông tỉnh thức, gieo hạt mầm hạnh phúc, gieo hạt giống kiến thức giáo hóa quý báu về nền tảng đạo đức vào tâm tưởng mỗi người để tránh xa khỏi những cám dỗ đời thường để gìn giữ hôn nhân.
Liên hệ đến hôn nhân và hạnh phúc gia đình, để bảo đảm cho đời sống của gia đình phật tử được hạnh phúc bền vững, trong Trường Bộ II, kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, Đức Phật dạy về đạo nghĩa vợ chồng gồm 5 bổn phận đối với vợ của người chồng là phải biết tôn trọng vợ, không bất kính hay đối xử tệ bạc với vợ, phải chung thủy, trung thành với vợ, phải tin tưởng giao tài sản, tiền bạc cho vợ quản lý, phải sắm đồ nữ trang cho vợ một khi có điều kiện; 5 bổn phận của người vợ đối với người chồng là phải luôn làm tròn bổn phận trong nhà; phải vui vẻ, tử tế với quyến thuộc bên chồng, phải luôn chung thủy với chồng; giữ gìn cẩn thận đồ trang sức và luôn coi sóc giữ gìn của cải, đồ dùng trong nhà, luôn siêng năng, không bao giờ trút tháo công việc cho người khác.
Trong đời sống nhân loại hiện nay, một thực tế đáng buồn là có đến 50% cặp vợ chồng ly thân và ly dị, khoảng 30% cặp vợ chồng sống với nhau không hạnh phúc mà vẫn phải chung sống vì nghĩ đến lợi ích lâu dài của con cái và gần 20% cặp vợ chồng tạm gọi là có hạnh phúc trong hôn nhân và đời sống gia đình. Sở dĩ gia đình không hạnh phúc, cuộc sống không hòa hợp, đó là do sự thiếu hiểu biết về nhau, chưa thật sự cảm thông nhau giữa chồng và vợ, dẫn đến tình trạng này là vì trước khi đôi nam nữ lấy nhau, thông thường là vì sự bộc phát của lòng ham muốn nhất thời, cũng có thể gọi đó là tình yêu thương nhất thời giữa nam và nữ. Do yêu thương mà không có chuẩn bị cho nền tảng hạnh phúc gia đình lâu dài nên đã dẫn đến xung khắc, đổ vỡ sau khi lập gia đình.
Đứng trước hoàn cảnh như vậy, lễ Hằng Thuận trong Phật giáo là nghi thức tương đối đặc biệt. Ngoài một vài lễ nghi truyền thống của một đám cưới như tuyên bố lý do, trao nhẫn cưới, nhận lời chúc tụng của hai họ thì nghi thức Hằng Thuận trong ngày cưới mang đậm dấu ấn đạo đức tâm linh và trí tuệ của đạo Phật, cùng với những định hướng rất cụ thể giúp cho đôi vợ chồng sắp bước vào ngưỡng cửa hôn nhân có được vốn liếng làm hành trang xây dựng cho mình một mái ấm, thật sự là một gia đình hạnh phúc.
Lời nguyện vang lên giữa nhà thờ
Với Công giáo, hôn nhân là biểu trưng của tình yêu Thiên Chúa với con người, chính vì vậy hôn nhân Công giáo là một bí tích (dấu tích bí nhiệm) để mang lại hạnh phúc gia đình. Ngoài những nghi lễ và các nghi thức như những người bình thường, hôn nhân Công giáo có những điểm khác biệt mà một trong số đó là học giáo lý.
Giáo lý hôn nhân là hành trang mà Giáo hội chuẩn bị cho đôi bạn trẻ bước vào đời sống gia đình với một kiến thức nhất định về đạo cũng như đời. Thông thường thời gian học sẽ khoảng 6 tháng hoặc hơn. Có người sẽ nói học như vậy là quá lâu và ép buộc, nhưng đời sống gia đình rất phức tạp, vì vậy cần thiết phải có lượng kiến thức nhất định về đời sống gia đình thì gia đình sau này mới hạnh phúc. Thế nên bỏ thời gian 6 tháng để mưu cầu hạnh phúc cả đời cũng là điều đáng làm.
Nếu đám cưới truyền thống của Việt Nam, cô dâu, chú rể sẽ đứng bên bàn thờ tổ tiên để cúi đầu khấn vái thì trong lễ cưới ở nhà thờ, cô dâu, chú rể sẽ đọc to và rõ lời thề trong lễ cưới. Đây là một trong những nghi thức cưới của người Công giáo được coi trọng và trang trọng nhất mà bất cứ cặp đôi nào cũng phải thực hiện.
Lời nguyện vang lên giữa nhà thờ là thời khắc thiêng liêng và trang trọng nhất. Câu nói đó cũng là trách nhiệm của chính hai người trong cuộc đối với cuộc sống hôn nhân sau này: “Anh nhận em làm vợ và hứa sẽ chung thủy với em, lúc thịnh vượng cũng như lúc khốn khó, lúc ốm đau, lúc bệnh tật, yêu thương, kính trọng em mọi ngày trong đời”; “Em nhận anh làm chồng và hứa sẽ luôn chung thủy với anh, lúc thịnh vượng, lúc khó khăn, lúc ốm đau, lúc khỏe mạnh, yêu thương, kính trọng anh mọi ngày trong đời”.
Với lời thề này từ đây về sau hai người yêu nhau đã thành vợ, thành chồng và phải sống có trách nhiệm, yêu thương nhau đến hết đời...
Nhẫn cưới kết nối trái tim, nhắc nhở trách nhiệm
Trong ngày hôn lễ có một hành động rất quen thuộc đó là trao nhẫn cưới cho nhau. Cả cô dâu và chú rể cùng trao nhẫn trước sự chứng kiến của hai họ hoặc trước mặt của cha xứ (nếu hôn lễ được tổ chức tại nhà thờ) hoặc trước mặt chư tăng (nếu tổ chức lễ Hằng Thuận tại chùa).
Không ai biết rõ và chính xác nhẫn cưới ra đời từ khi nào. Người Ai Cập cổ đại dùng các chiếc vòng tròn để làm biểu tượng cho tình yêu và sự gắn kết lứa đôi. Vòng tròn là một vòng có chung điểm đầu và điểm cuối, dù có đi đến đâu, về đâu thì cũng sẽ gặp nhau, vòng tròn ấy gọi là vòng tròn hạnh phúc của tình yêu.
Nhẫn cưới thời xa xưa không bằng vàng, bạc mà làm từ các vật liệu như gỗ, cỏ, cây, xương, ngà… Khi ấy người nam không đeo nhẫn cưới mà chỉ có người phụ nữ đeo trong lễ kết hôn. Khi thế chiến nổ ra, người đàn ông lên đường nhập ngũ, chinh chiến ngoài sa trường trong một thời gian rất dài, họ đã bắt đầu đeo những chiếc nhẫn cưới để nhớ người vợ của mình. Hành động đó rất thiêng liêng và tràn đầy tình thương bao la, trách nhiệm. Từ đó, nhẫn cưới được cô dâu, chú rể cùng trao cho nhau, nó tồn tại cho đến ngày nay.
Trong dân gian người ta quan niệm rằng ngón tay đeo nhẫn là ngón áp út, ngón áp út trong y học cổ cho rằng có đường mạch máu dẫn đến tim. Ngón áp út là con đường ngắn nhấn kết nối với trái tim so với các mạch máu khác nên đeo nhẫn ngón áp út của tay trái được ví như sợi dây tình yêu, kết nối trái tim của hai người.
Trong Phật giáo, chữ “nhẫn” trong nhẫn cưới chính là chữ nhẫn cần có trong đời sống vợ chồng. Những bất đồng quan điểm sẽ thường diễn ra, cơn thịnh nộ bắt đầu nổi lên dẫn đến những xung đột không đáng có, mất đi tình cảm vợ chồng, mất đi hạnh phúc, khi đó chữ nhẫn rất quan trọng trong đời sống hôn nhân. Cho nên có câu rằng “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa cả đời không khê” chính là vậy. Đeo nhẫn cưới trên tay để nhắc nhở nhau dung hòa trong cuộc sống, nhẫn là vật hiện hữu của tình yêu, là vật thiêng liêng không phải ai cũng được trao cho mà phải là vợ chồng. Do đó, trong cuộc sống lứa đôi phải tự nhắc nhở nhau nhường nhịn, yêu thương vợ/chồng mình. Đó là ý nghĩa to lớn của nhẫn cưới.
Với người Công giáo, nhẫn cưới là biểu tượng cho niềm tin và sự bảo vệ. chúa sẽ bảo vệ, che chở và mang tới niềm tin tốt đẹp cho cặp đôi khi họ ở bên nhau. Chiếc nhẫn cưới được làm phép, được nâng giá trị và chúng trở thành vật dụng thiêng liêng, nhắc cho cô dâu, chú rể ghi nhớ rằng hôn nhân cần có những từ bỏ và những hy sinh. Chiếc nhẫn cưới thể hiện một sự trợ giúp thiêng liêng và có sức mạnh loại được những cám dỗ dẫn tới việc ngoại tình…
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cau-chuc-cho-hon-nhan-vung-ben-post412313.html