Câu chuyện 'an sinh' và những động thái thiết thực của TPHCM

Dựa trên 'kinh nghiệm lịch sử' (giai đoạn năm 2008-2011) lẫn lý thuyết kinh tế học thì việc tăng lương cơ sở lên đến 30% từ tháng 7 khó có thể dẫn tới biến động giá làm tăng mức lạm phát.

Bởi, ở khu vực hưởng lương nhà nước, nguồn chi trả lương là từ kết dư ngân sách; ở khu vực ngoài nhà nước, lương vốn đã cao hơn mức tối thiểu, kể cả mức tăng mới, nên cả hai khu vực này đều khó xảy ra xáo trộn.

Hơn nữa, Chính phủ đang cân đối khá tốt kinh tế vĩ mô, kiểm soát chi tiêu công cùng với việc chính quyền các địa phương đang có sự cảnh giác cần thiết khi đặt các công cụ kiểm soát thị trường sẵn sàng ứng phó với kiểu “té nước theo mưa” rất dễ xảy ra theo tăng lương.

Ở những thành phố lớn như TPHCM, việc kiểm soát giá cả thị trường không quá khó khi khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu hiện rất dồi dào, cộng với chính sách bình ổn giá mà chính quyền thành phố đã và đang phát huy hiệu quả. Ngược lại, đợt tăng lương cao nhất trong lịch sử này sẽ bù đắp sức mua có phần giảm sút trong thời gian qua, cán cân cung cầu nhờ đó tạo lập tốt, rất khó có lạm phát.

Dù vậy, các giải pháp ứng phó cùng lúc cho nhiều kịch bản để đạt được mục tiêu tăng trưởng của TPHCM là 7,5% trong năm 2024 (tiền đề cho 8%-8,5% năm 2025) cần được cập nhật liên tục. Trong đó đặc biệt kích hoạt mạnh bộ công cụ Bình ổn giá và An sinh xã hội, vừa đáp ứng 2 mục tiêu trước mắt - kiểm soát hiện tượng té nước theo mưa và bình ổn thị trường lâu bền, vừa bao phủ mạng lưới an sinh lên các tầng đối tượng để cùng tạo sự ổn định xã hội.

Một trong những ưu thế mà TPHCM có thể tận dụng là trên nền tảng của chuyển đổi số, nhất là xu hướng lên ngôi của giao dịch thương mại điện tử thì cần đẩy mạnh các chương trình nhánh của bình ổn giá. Đẩy mạnh trên cả hai sàn trực tiếp và trực tuyến với nguồn lực kết nối + cung ứng rất nhịp nhàng hiện nay của Sở Công thương TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố cùng với việc phát huy sức mạnh phối hợp với MTTQ thành phố trong các chương trình chủ lực như Hàng Việt Nam chất lượng cao, Người Việt dùng hàng Việt…

Không chỉ vậy, sự kết hợp nhằm kiểm soát, bình ổn giá trên địa bàn TPHCM đang đi cùng các chính sách hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội với cơ cấu giá hợp lý, nhà ở vừa túi tiền cho công nhân và công đoàn viên chức thành phố. Điều đó cho thấy, việc giải quyết cả nhu cầu “ăn” và “ở” đang được TPHCM thúc đẩy. Cụ thể, thành phố đang cho rà soát và thí điểm hình thức nhà ở cho thuê gắn với một số đối tượng công đoàn ngay trong năm 2024-2025.

Bên cạnh đó, TPHCM còn vận dụng Nghị định 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ để tiếp tục áp dụng chính sách giảm học phí (theo đó, mức học phí mới của năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022, giảm khá nhiều so với năm học 2023-2024), miễn học phí (từ năm học 2024-2025, TPHCM miễn học phí đối với trẻ em mầm non; từ năm học 2025-2026 miễn học phí đối với học sinh THCS).

Những nỗ lực bằng hành động thực tế như trên của TPHCM là đi vào giải quyết cụ thể các nhu cầu dân sinh, thông qua các lĩnh vực thiết yếu như ổn định giá cả, miễn giảm học phí, đảm bảo mạng lưới thăm khám sức khỏe tổng quát toàn dân, kết nối cung cầu lao động để duy trì lưu thông thị trường “người cần việc - việc cần người”… Đó cũng chính là cụ thể hóa những kết quả “được lòng dân” của chính quyền TPHCM trong những tháng còn lại của năm 2024.

NGUYỄN QUÂN CÁT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cau-chuyen-an-sinh-va-nhung-dong-thai-thiet-thuc-cua-tphcm-post751967.html