Câu chuyện bước ra thế giới của Bơi Việt Nam
Là một trong những môn thể thao cơ bản của Olympic, Bơi thường chiếm 35-40 huy chương vàng (HCV) ở mỗi giải đấu cấp độ quốc tế. Từ một 'điểm trắng' trong môn Bơi, Việt Nam đang dần có một lớp vận động viên (VĐV) thành tích cao đáng chú ý. Họ không chỉ đủ khả năng tranh huy chương cấp độ khu vực hay châu lục, mà còn sẵn sàng kế cận lứa đàn anh, đàn chị.
Tre già măng mọc
Kỳ SEA Games 28 (diễn ra vào năm 2015 tại Singapore) là một cột mốc lịch sử của Bơi Việt Nam. Ở giải đấu năm đó, các VĐV Việt Nam lần đầu xếp thứ nhì toàn đoàn tại môn thể thao Olympic này. Bơi Việt Nam trở thành đội tuyển mạnh thứ hai khu vực chỉ sau Singapore, quốc gia có nhiều VĐV đẳng cấp thế giới.
Vị trí nhì toàn đoàn được Bơi Việt Nam bảo vệ xuyên suốt 5 kỳ SEA Games liên tiếp. Tuy nhiên, cách mà các VĐV Việt Nam đăng quang lại rất khác nhau. Trong quá khứ, Bơi Việt Nam thường đặt trọng trách nhận chỉ tiêu giành HCV cho một số cá nhân như Nguyễn Hữu Việt, Hoàng Quý Phước, đặc biệt là Nguyễn Thị Ánh Viên.
3 kỳ SEA Games 28, 29, 30 gần như là màn độc diễn của Ánh Viên. "Tiểu tiên cá" gần như cáng đáng phần lớn chỉ tiêu HCV của cả đội, và luôn nằm trong nhóm VĐV tiêu biểu nhất mỗi kỳ đại hội. Bù lại, cô thường phải thi đấu nhiều hạng mục khác nhau. Hình ảnh Ánh Viên vừa nhận huy chương ở nội dung này, đã lập tức phải thi đấu nội dung khác không phải điều quá hiếm gặp.
Vào thời điểm từ giã đội tuyển Bơi Việt Nam, Ánh Viên để lại một di sản khổng lồ với 44 HCV ở các giải đấu quốc tế. Trong đó, chỉ riêng đấu trường SEA Games, cô đã mang về 25 HCV tại 4 kỳ đại hội. Đó là lý do nhiều chuyên gia lo ngại thành tích của Bơi Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực khi Ánh Viên rời tuyển.
Viễn cảnh Bơi Việt Nam thụt lùi là điều không ai muốn nghĩ tới, và chuyện đó đã không xảy ra. Trên sân nhà, tuyển Bơi Việt Nam giành 11 HCV tại SEA Games 31. Thành tích này thậm chí còn tốt hơn của đội tuyển 3 năm trước đó (giành 10 HCV tại SEA Games 30). Nỗi lo về việc thiếu VĐV kế cận Ánh Viên đã được giải quyết phần nào.
Đến SEA Games 32, Bơi Việt Nam tiếp tục thi đấu tốt khi giành được 7 HCV. Nguyễn Huy Hoàng có thể san sẻ trọng trách giành HCV bên cạnh những đồng đội đáng tin cậy như Phạm Thanh Bảo, Trần Hưng Nguyên. Họ chính là "ba chàng lính ngự lâm" của Bơi Việt Nam thời điểm hiện tại. Đáng chú ý hơn, cả ba mới ở tuổi đôi mươi nhưng có nhiều năm lên tuyển quốc gia và sở hữu kinh nghiệm dày dạn.
Trong hạng mục đào tạo trẻ, Bơi Việt Nam cũng sở hữu nhiều VĐV giàu tiềm năng. Tại giải vô địch bơi các nhóm tuổi Đông Nam Á 2023 vừa qua, Việt Nam đứng nhất toàn đoàn với 41 HCV. Thành tích này của các VĐV trẻ Việt Nam còn tốt hơn 2 đoàn xếp sau cộng lại là Singapore (20 HCV) và Thái Lan (19 HCV).
Nhiều gương mặt trẻ đáng chú ý của Bơi Việt Nam đã thi đấu quốc tế khi vẫn đang học cấp 3, thậm chí là cấp 2. Năm 2017, Nguyễn Hữu Kim Sơn tạo nên bất ngờ lớn khi giành HCV SEA Games khi mới 15 tuổi. Nguyễn Quang Thuấn đã có HCB SEA Games ở tuổi 17, và dần bước khỏi cái bóng của người chị. Trước đó, Quang Thuấn chỉ được nhắc đến vì là em trai ruột Ánh Viên.
Bên cạnh Quang Thuấn, Bơi Việt Nam còn có một gương mặt nhí đầy triển vọng là Nguyễn Thúy Hiền. Tại kỳ Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, Thúy Hiền đã giành 4 HCV, 5 HCB. Chưa đầy nửa năm sau, Thúy Hiền tham dự SEA Games và có HCĐ ở tuổi 14. Thành tích của VĐV sinh năm 2009 cũng được cải thiện nhanh chóng, và cô có thể hướng đến những kết quả tốt hơn trong tương lai.
Học từ những sai lầm
Trước khi sở hữu một dàn VĐV thành tích cao như thời điểm hiện tại, Bơi Việt Nam từng phải chịu ít nhiều chỉ trích không đáng có. Nguyên nhân xuất phát từ việc hai thần đồng một thời của Bơi Việt Nam, Hoàng Quý Phước và Nguyễn Thị Ánh Viên, không thể chinh phục những cột mốc tại đấu trường ASIAD và Olympic như kỳ vọng.
Năm 2012, Bơi Việt Nam có một chuyến tập huấn lịch sử, khi Quý Phước, Ánh Viên và một số VĐV khác được tập huấn tại Mỹ. Địa điểm toàn đội tập luyện cũng là nơi đào tạo Joseph Schooling, VĐV của Singapore. Nhưng nếu như Schooling sau này vô địch Olympic, thì Quý Phước và Ánh Viên đều dừng chân trước ngưỡng cửa thế giới.
Với cá nhân Hoàng Quý Phước, chuyến tập huấn tại Mỹ 11 năm trước là những ngày buồn. Anh bị HLV trưởng Đặng Anh Tuấn nhận xét bằng những từ ngữ tiêu cực. Sau 3 tháng ở Mỹ, Quý Phước về nước. Anh và HLV chọn điểm đến cho chuyến tập huấn nước ngoài tiếp theo là Trung Quốc, nơi không còn phải "chạm mặt" HLV Đặng Anh Tuấn nữa.
Cá nhân Quý Phước sau đó gặp nhiều khó khăn với sự nghiệp vì chấn thương, cũng như những chuyến tập huấn nước ngoài không như ý muốn. Tuyển thủ sinh năm 1993 từng phải đi Nhật Bản một mình, và điều đó khiến anh một lần nữa bị hiểu nhầm khi chia sẻ cùng truyền thông. Chỉ có sự chăm chỉ, tinh thần cầu thị phi thường mới có thể giúp Quý Phước tiếp tục thi đấu đến tận ngày nay.
Về phần ông Đặng Anh Tuấn, cựu HLV trưởng đội tuyển Bơi Việt Nam từng là trung tâm của rất nhiều câu chuyện gây tranh cãi. Ngay sau SEA Games 30, Nguyễn Hữu Kim Sơn khiến nhiều người bất ngờ khi chia sẻ về mối quan hệ không tốt giữa anh và HLV. Kim Sơn nói anh bị HLV Đặng Anh Tuấn dọa đuổi khỏi đội tuyển vì mắc bệnh ngôi sao, có thái độ không tốt với mọi người.
Ở một góc độ nào đó, câu chuyện Kim Sơn gặp phải giống hệt với Quý Phước trước kia. Những người từng tiếp xúc với Kim Sơn đều nhận xét đây là VĐV thẳng thắn, giàu cá tính. Mối quan hệ không tốt giữa đôi bên khiến Kim Sơn quyết định rời đội bơi An Giang (ông Đặng Anh Tuấn thuộc địa phương này) để đầu quân cho Đà Nẵng.
Không lâu sau khi Kim Sơn công khai mọi chuyện, ông Đặng Anh Tuấn vướng phải một bê bối khác. Một người mẫu có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã công khai chuyện ông nợ tiền nhưng không trả. Không lâu sau sự cố này, ông Đặng Anh Tuấn lặng lẽ rời khỏi đội tuyển Bơi quốc gia, bỏ lại sau lưng những tranh cãi về khoản đầu tư 30 tỷ trong 10 năm nhưng không đạt kỳ vọng của Ánh Viên.
Thành công nhờ người xa xứ
Những năm gần đây, đội tuyển Bơi Việt Nam thường tập huấn dài hạn tại Hungary. Sau nhiều điểm đến như Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản, quốc gia Đông Âu này lại trở thành bến đỗ thành công ngoài mong đợi với các VĐV Việt Nam. Hungary từng đào tạo nhiều nhà vô địch Bơi thế giới, nhưng đó không phải lý do duy nhất biến nơi này trở thành nơi đóng quân lý tưởng cho tuyển Bơi Việt Nam.
Những VĐV Bơi Việt Nam hẳn đều biết đến ông Phạm Ngọc Chu, một người Việt kiều có vai trò đặc biệt trong Ủy ban Olympic Hungary. Từ một doanh nhân thành đạt ở quốc gia Đông Âu này, ông Phạm Ngọc Chu đã trở thành người gốc Á đầu tiên được bầu làm Ủy viên Ủy ban Olympic Hungary, một trong những cơ quan quản lý thể thao lâu đời nhất thế giới.
"Khi mới đến Hungary, chúng tôi rất bất ngờ khi được tiếp đón, hỗ trợ nhiệt tình như ở nhà. Chú Chu giúp đỡ mọi người trong chuyện ăn uống, đi lại, cũng như tìm các chuyên gia tốt nhất của Hungary để dạy cho VĐV Việt Nam", một VĐV chia sẻ. Đó là lý do giúp thành tích của các tuyển thủ Bơi Việt Nam luôn được cải thiện đáng kể sau mỗi lần sang châu Âu tập huấn.
Tại ASIAD 19, Bơi Việt Nam đang tiến gần đến một tấm HCV Á vận hội hơn bao giờ hết. Đằng sau cuộc đua đến ngôi vô địch và giành vé đến Olympic Paris của Huy Hoàng, Bơi Việt Nam có quyền hướng đến những mục tiêu xa hơn. Bởi, sau những thăng trầm của môn thể thao Olympic này, Việt Nam đã xây dựng một nền tảng vững chắc hướng đến tương lai.
Vận động viên Việt kiều ở tuyển Bơi Việt Nam tập luyện thế nào?
Ở phương diện thể thao thành tích cao, Bơi Việt Nam là một trong những đội tuyển đầu tiên chào đón VĐV Việt kiều hồi hương thi đấu. Người tiên phong là Lê Nguyễn Paul, một VĐV thường chỉ tập trung cùng đội tuyển quốc gia trước những giải đấu quốc tế. Phần lớn thời gian tập luyện của Paul diễn ra tại Mỹ, nơi anh vừa học tập, nghiên cứu, vừa sinh hoạt ở câu lạc bộ bơi của trường đại học.
Sau Lê Nguyễn Paul, Bơi Việt Nam tiếp tục có một VĐV Việt kiều khác là Jeremie Loic Nino Lương. VĐV này sinh năm 2000, có thể thi đấu nhiều thể thức bơi khác nhau. Phần lớn thời gian Jeremie Loic Nino Lương sinh sống là tại Pháp và Mỹ. Tương tự Lê Nguyễn Paul, anh được tạo điều kiện để tập luyện ở nước ngoài, thay vì tập trung dài hạn cùng những tuyển thủ quốc gia.
Một trong những điểm mạnh của VĐV Việt kiều là họ đã quen với môi trường tập luyện, thi đấu của phương Tây. Đó là lý do Lê Nguyễn Paul và Jeremie Loic Nino Lương luôn đảm bảo thành tích thi đấu mỗi khi lên tuyển. Kết quả tập luyện của họ cũng được gửi về thường xuyên cho HLV phụ trách đội để đôi bên cùng thảo luận, trao đổi về giáo án bơi trong thời gian tới.
"Nếu VĐV có tinh thần tự giác tập luyện thì HLV cũng nhàn hơn. Với nhiều VĐV, chúng tôi thường giám sát từ xa bằng việc yêu cầu các em quay phim lại các buổi tập, hoặc ghi lại thành tích, kết quả tập luyện để báo cáo", một HLV chia sẻ.